Giá như bố mẹ, thầy cô hiểu con cái, học trò hơn!

20/03/2016 08:19
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Không học sinh nào đến trường học lại muốn thành cá biệt, chậm tiến bộ. Giá bố mẹ và thầy cô hiểu con hơn, chắc con sẽ không buồn khổ như thế!

LTS: Đọc những bài viết của cô giáo Phan Tuyết và bình luận của bạn đọc trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Văn Lự (ở Vĩnh Phúc) trăn trở và không dám tin thầy cô lại chịu nhiều phiền phức, oan khổ đến như vậy. 

Trong bài viết này, thầy chỉ ra nguyên nhân của những phiền phức ấy.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Tôi băn khoăn: Cha mẹ bênh con, nuông chiều con quá hay đang phó mặc con cái? Thầy cô thích dùng roi vọt và trách mắng trò oan uổng hay chỉ một vài người không đủ sức kiềm chế?

Phụ huynh và xã hội coi thường nghề giáo hay thầy giáo làm cho mọi người quay lưng lại? Học sinh đạo đức yếu kém nhiều hay chỉ một phần nhỏ?...

Kẻ thù vô hình của nhà trường

Tiền nhân đã dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Những vấn đề lớn của đời sống thầy cô, chính sách đãi ngộ và các yếu tố kinh tế, chính trị chục năm nay tác động làm phân hóa sâu sắc đội ngũ nhà giáo. 

Phần lớn thầy cô nghèo khổ và thiếu thốn, con cái không được ưu tiên gì, công việc dạy chữ dạy người nhiều sức ép...

Chỉ tiêu, thành tích và mệnh lệnh của cấp trên cùng với sự gan lì, vô cảm của một số học sinh đã đẩy người thầy đến hành động sai trái, vi phạm đạo đức, ép học thêm, báo cáo và xử phạt học sinh tùy tiện. 

Giá như bố mẹ, thầy cô hiểu con cái, học trò hơn! ảnh 1
Được đến trường là niềm hạnh phúc lớn của học trò và gia đình (Ảnh: Nguyễn Văn Lự)

Thực tế hiện nay còn không ít thầy cô không đạt chuẩn đào tạo, thiếu trách nhiệm với công việc, cậy có năng lực chuyên môn, cậy quyền lãnh đạo…khiến học sinh phải nghe những lời thô tục, phải chịu nhiều hình phạt của những thầy cô “cung bọ cạp”. 

Cộng thêm nhiều khoản thu vô lý, các biện pháp giáo dục cứng nhắc như đi học muộn –phạt làm vệ sinh, mất trật tự- đứng xó, không làm bài tập –chép 50 lần, thiếu tiền nộp- bỏ giờ về nhà lấy, không học bài- mắng chửi.

Rồi đến ghi sổ đầu bài, dọa chuyển lớp, hạ hạnh kiểm, đình chỉ học, báo cáo Hiệu trưởng, mời bố mẹ tới họp, gọi điện, nhắn tin edu… 

Những thực tế ấy đã làm phân hóa học sinh, phụ huynh và cộng đồng nhân dân.

Cộng thêm, một số cha mẹ ít quan tâm và chăm sóc con, ít quan tâm đến việc học và tu dưỡng của con, thờ ơ và mơ hồ khi gửi con nhờ trường trông giữ, bảo ban giúp.

Giá như bố mẹ, thầy cô hiểu con cái, học trò hơn! ảnh 2

“Lần sau còn dám đánh con tôi một roi thì không chỉ như thế này đâu”

(GDVN) - Khi bị đánh, dọa nạt, cảnh cáo, thường thì thầy cô không dám lên tiếng, không dám báo cáo với nhà trường hay chính quyền địa phương để được bảo vệ.

Thậm chí, có người lại đặt yêu cầu nhà trường phải làm tất cả như: “con tôi hư, con tối dốt, con tôi không ra gì là tại các thầy”, “chúng tôi đóng tiền không thiếu đồng nào”…

Phụ huynh hoài nghi thầy cô, học trò hiểu sai lệch mục đích đến trường cùng tác động của những tiêu cực của xã hội và giáo dục đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách ứng xử của học trò với cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Nhưng mỗi người hiểu và chọn cách giải quyết riêng. 

Rõ ràng, đến trường là niềm hạnh phúc lớn của học trò và gia đình. Gia đình nào cũng mong con cháu trưởng thành, khôn lớn chứ làm gì có gia đình nào lại muốn gây khó dễ với thầy cô và nhà trường, bênh vực con theo cách muốn hại thầy, dung túng, bao biện việc sai trái của con? 

Rồi đến việc trở thành thầy cô cũng hạnh phúc. Nhưng việc có yêu nghề hay không, có làm giàu từ nghề hay không lại là chuyện khác?

Có thầy cô nào muốn trù dập, hành hạ, đày đọa học sinh của mình vô cớ để bị kỷ luật, phải bỏ nghề không? 

Có thầy cô nào muốn tự hại danh dự của mình chỉ vì một hành vi vô lễ của học trò không?

Thế nhưng khi đến trường nhiều thầy cô không hiểu, thậm chí không muốn hiểu học trò muốn gì! Không ít thầy cô, thực hiện mệnh lệnh cứng nhắc và giáo điều, vô cảm và thiếu công bằng. 

Từ cấp Mầm non, học sinh đã biết đối phó và gian dối từ kết quả giả, điểm giả vẫn được khen thưởng, không học vẫn được lên lớp, không học cũng đạt hạnh kiểm khá, tốt…

Cứ như vậy, thành tích làm nên thương hiệu của nhà trường nhưng thành tích ảo lại đẩy học sinh đến trống rỗng về đạo đức và tri thức. 

Giá như bố mẹ, thầy cô hiểu con cái, học trò hơn! ảnh 3

Con là cục cưng của bố mẹ, cô mà đánh con, bố con sẽ đuổi cô ra khỏi trường!

(GDVN) - Và thế là giáo viên giờ đây “có tiết thì vào lớp, hết giờ bước ra, học sinh muốn làm gì thì làm”...

Trong công việc, nhiều thầy cô vô lý giao nhiều bài tập về nhà mà không biết học trò còn bao nhiêu thời gian mỗi ngày cho môn học đó. 

Nhà trường lo chạy theo tỷ lệ đỗ-trượt, mong muốn chất lượng cao hơn năm học trước nên đề ra nhiều chỉ tiêu, biện pháp khiến học sinh hoảng sợ, chán học, thầy cô chán nghề, lo lắng. 

Khi học sinh không học, không hiểu bài, thi không đạt điểm chỉ tiêu là bị xử lý, nhắc nhở, mời phụ huynh lên họp… Giáo viên nhiều khi bị phê bình, kỷ luật vì có học sinh bị điểm liệt, lười học, vô ý thức. 

Nhiều lý do như vậy khiến mỗi người lại làm hài lòng người khác theo một cách khác nhau. Học trò chọn các học nhàn nhất, tìm cách thoát ly dần sự quản lý của bố mẹ và thầy cô. Cách đối phó đó cộng thêm giả dối ở trường dần hình thành nhận thức sống sai lầm ở một bộ phận học sinh. 

Các em sẽ làm mọi cách để thỏa mãn ý thích ích kỷ của bản thân không nghĩ đến ai, không lo hậu quả khiến một số em trở thành tội đồ khi mặt còn búng ra sữa đến khi sự việc đau lòng xảy ra thì bố mẹ, thầy cô là người biết cuối cùng và gánh hậu quả. 

Còn cha mẹ thương con, tin con nên lên án, phê phán thầy cô. Cấp trên và nhiều người lớn khác, dựa vào luật pháp, dựa vào chỉ đạo và quan hệ này khác, xử lí kỷ luật kịp thời. Hoặc thầy hoặc trò oan ức sẽ tạo dư luận không tốt, nguy cơ bùng phát chuyện lằng nhằng về sau.

Thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông và chia sẻ làm niềm tin vào giáo dục lung lay

Thầy cô và cha mẹ, lẽ ra đều là người con em tin tưởng và nương tựa nhất; là người để các em chia sẻ và bảo hộ, giúp đỡ; nhà trường và gia đình phải là nơi an toàn và ấm áp nhất. 

Chúng ta bàn quá nhiều về chính sách Giáo dục vĩ mô, về tác động của kinh tế, chính trị và môi trường sống, môi trường học tập nhưng lại chưa hiểu được cái gốc của học sinh lười học, bất trị và ngang ngược hỗn láo với cha mẹ và thầy cô, coi thường bạn bè và khinh thường luật pháp.

Giá như bố mẹ, thầy cô hiểu con cái, học trò hơn! ảnh 4

Phụ huynh nói một đằng làm một nẻo, giáo viên ngày càng sợ học sinh

(GDVN) - Nghề giáo dần trở thành nghề “làm dâu trăm họ” khiến nhiều thầy cô chẳng còn tâm huyết để dạy dỗ bởi phải chịu áp lực quá lớn từ học sinh đến phụ huynh.

 
Những học sinh quậy phá, phạm lỗi nghiêm trọng, coi thường luật pháp hầu hết bị bỏ rơi, ít được quan tâm, hỏi han chia sẻ; không được tin yêu và tôn trọng trong chính ngôi nhà, ngôi trường của mình.

Tôi tin rằng nếu người lớn chấp nhận và hiểu học trò, các em sẽ hành xử khác. Thà hiểu rõ sự việc, tìm nguyên nhân và giúp con em khắc phục còn hơn là kiểm điểm và xử phạt. 

Cha mẹ làm tùm lum to chuyện, quy kết và trút giận lên con và cả thầy cô mà không lắng nghe xung quanh. Con ai không phải là “cục cưng”, “cục vàng”! Có ai chịu nhận mình sai! Cứ như vậy, sự việc ngày càng nghiêm trọng.  

Không ai hiểu ai nên không thể có tiếng nói chung. Bố mẹ chưa gần gũi và hiểu con, thầy cô chưa sâu sát và hiểu học sinh, bạn bè chưa hiểu nhau; thầy cô và phụ huynh cũng chưa hết hiểu lầm nhau… 

Thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông và chia sẻ có thể làm niềm tin vào giáo dục lung lay, làm hỏng mục tiêu của giáo dục và làm mất đi giá trị sống của con người.

Câu chuyện giáo dục vẫn nghe mãi nói mãi. Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận sự thật, tin vào sự thật; chỉ khi nào người lớn từ bỏ giả dối, học trò từ bỏ giả dối, vấn nạn học sinh cá biệt sẽ được giải quyết.

Đó cũng là khi bố mẹ, thầy cô hiểu con, hiểu trò nhiều hơn!

Nguyễn Văn Lự