Áp dụng VNEN: Trò thích ngồi túm tụm để nói chuyện, còn học thì...

02/12/2015 07:09
Phương Thảo
(GDVN) - Khó thực hiện, cơ sở vật chất chưa đáp ứng, chất lượng học sinh chưa chắc đã tăng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe...là những tâm tư chính.

LTS: Dự án mô hình trường học mới (VNEN) tại các địa phương đang gặp phải nhiều vấn đề mà trực tiếp các giáo viên đã lên tiếng trong thời gian qua, nào là vay nợ để triển khai mô hình, không có sách để dạy theo phương pháp mới, mất sách là thảm họa, rồi phòng học hẹp khiến, bàn ghế không đảm bảo tiêu chuẩn cũng khiến thầy và trò gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tiếp sau câu chuyện ở Hà Tĩnh, nhiều giáo viên ở các tỉnh thành đang thực hiện thử nghiệm đã lên tiếng. Phần nhiều là các tiếng nói lo ngại...


Khó mà thay đổi được chất lượng học sinh?

Một giáo viên dạy thử nghiệm Chương trình VNEN thí điểm ở cấp THCS ở huyện Ninh Giang, Hải Dương (đề nghị giấu tên) chia sẻ, theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục huyện, mỗi một kỳ học bắt buộc mỗi thầy cô phải có 2 tiết dạy theo mô hình trường học mới này, gọi là để làm quen xem phản ứng của học sinh, người dạy như thế nào.

Theo vị giáo viên này thì muốn dạy theo mô hình trường học mới bắt buộc phải đổi mới cơ sở vật chất, bởi không thể dùng đồ dùng học tập được trang bị từ những năm 2001. Là người trực tiếp tham gia dạy 2 tiết/kỳ, thầy giáo này cho biết, trước khi vào học giáo viên phải kê lại bàn ghế, chỗ ngồi cho học trò, với số lượng lớp đông từ 30-40 học sinh nên không gian còn lại rất hạn hẹp, đi lại khó khăn.

“Tất cả các phòng học ở đây đều xây theo kiểu cũ, phòng rất hẹp, tôi nghĩ nếu thực hiện theo mô hình trường học mới thì phải trang bị lại phòng học mới phù hợp” vị giáo viên này cho biết.

Trang trí một lớp học VNEN tại trường tiểu học Sơn Tây, Hương Sơn (Ảnh: Lê Văn Vỵ)
Trang trí một lớp học VNEN tại trường tiểu học Sơn Tây, Hương Sơn (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Với phản ứng của học sinh khi được thử nghiệm tiết học theo mô hình VNEN, vị giáo viên này cho rằng học sinh cũng vui, cũng thích, nhưng chỉ thích ngồi để nói chuyện, chứ ở phương diện tiếp thu bài thì học sinh không tự làm.

Theo mô hình mới thì học sinh hoạt động là chính, còn giáo viên chỉ đóng vai trò giải đáp, hướng dẫn, nhưng nếu để cho học sinh như thế thì các em chỉ có chơi và không tiếp thu được.

Áp dụng VNEN: Trò thích ngồi túm tụm để nói chuyện, còn học thì... ảnh 2

"VNEN là vay nợ"

(GDVN) - Đã từng nghe ở Hà Tĩnh, ôm nợ để làm trường chuẩn Quốc gia và bây giờ chứng kiến vay nợ để triển khai mô hình trường học mới VNEN.

Nếu để học sinh tự nghiên cứu, tự học thì chắc phải dành cho các lớp khá trở lên. Còn các lớp trung bình nhiều em học lực yếu, không biết gì, nhiều em cũng lười học, bố mẹ không quan tâm và các em ra cũng chỉ ngồi, khi thầy giao bài thì chỉ ngồi chơi. Nếu hoạt động nhóm thì may ra cũng chỉ có 1-2 em chịu khó làm, còn lại là ngồi chơi.

Cũng theo vị giáo viên này, do phòng học thiếu nhiều, hiện nay trường vẫn phải học 2 ca. Về phương pháp giáo dục, với mô hình mới giáo viên chỉ cần soạn khác đi một chút, còn cơ bản không có gì khác trước. Cái khác nhất là thay đổi phương pháp, nếu trước kia thì thầy làm, còn bây giờ là tự trò làm, mà muốn học sinh làm nhanh bài tập thì thầy phải vào cuộc. Thầy không vào cuộc thì với 45 phút/tiết sẽ không đủ thời gian.

Băn khoăn từ độc giả

Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải các bài viết xung quanh câu chuyện áp dụng mô hình trường học mới (VNEN), nhiều bạn đọc đã góp ý và bày tỏ nỗi băn khoăn về tính khả thi và thay đổi năng lực của học sinh, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa.

Sau bài viết “VNEN là vay nợ”, nhiều độc cho rằng như vậy chẳng khác gì “ông rơm nặng bụng” và rồi cũng không biết đi đến đâu, khi mà nguồn kinh phí nhà trường hạn hẹp nhưng vẫn phải nai lưng để thực hiện cho bằng được theo chỉ đạo của cấp trên. 

Độc giả Nguyễn Phước cho rằng, nói là VNEN rất oai nhưng chẳng mấy người hiểu được VNEN là cái gì. Viết tắt từ tiếng Anh, tiếng Colombia… hay tiếng Việt. Vài năm nay, bên cạnh các thay đổi như chong chóng, Bộ GD&ĐT điểm xuyết thêm từ ngữ lạ. 

“Mỗi lần thay đổi, tại sao không có lộ trình, không suy nghĩ, chuẩn bị kỹ, nếu chưa chín thì để năm sau. Cứ “uỵch” một cái là cải và cách, rối tung lên. Chẳng lẽ cái tư duy gọi hùng hồn là "trận đánh lớn" là phải rập theo tư duy thế này. Không chỉ học sinh, mà thầy cô cũng là chuột bạch của bộ cả” vị này thẳng thắn.

Áp dụng VNEN: Trò thích ngồi túm tụm để nói chuyện, còn học thì... ảnh 3

Học VNEN, ngồi theo mâm và các nguy cơ con trẻ đang đối diện

(GDVN) - Học ở trường thực hiện mô hình trường học mới VNEN mà để học sinh cong vênh cột sống và loạn thị thì chúng ta thật sự có tội với thế hệ trẻ…

Cùng quan điểm, một giáo viên trực tiếp đứng theo theo mô hình VNEN cho biết, vay nợ - không biết trường tôi làm VNEN có nợ KHÔNG nhưng vừa tốn của và tốn công. Để triển khai VNEN thật khó khăn. “Ngày đầu tiếp thu chẳng hiểu gì như vịt nghe sấm. Thực hiện thì mò mẫm vì không ai chỉ đạo. Thực hiện chương trình nhưng chưa có sách phải đi mượn trường đã triển khai. Đến bây giờ sách học sinh vẫn chưa đủ phải mượn ở trường bạn” cô giáo này bức xúc.

Là một phụ huynh có con học lớp 3 (cấp tiểu học) nên khá lo lắng trước mô hình trường học mới. Vị phụ huynh này cho rằng, làm thí điểm VNEN nhưng cũng là giáo dục nên cần phải hết sức cẩn trọng vì chúng ta không có cơ hội sửa lại. Đề nghị của vị phụ huynh, sau khi thí điểm phải có tổng kết, đánh giá rồi mới nhân rộng mô hình. 

“Phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học rồi mới triển khai, đằng này ở Hà Tĩnh quá bất cập, làm như thế chỉ làm hỏng thế hệ trẻ mà thôi. Nghe nói năm 2018 lại cải cách nữa, sao Bộ GD&ĐT không chờ đến năm 2018?

Năm 2015 VNEN triển khai đến lớp 6, Bộ tính toán rồi đến năm 2018 kết thúc dự án VNEN thì triển khai dự án khác? Có phải giải ngân xong dự án là cái đích? Còn trẻ con thế nào thì vô can chăng?” vị này đặt thẳng câu hỏi.

Độc giả Lê Văn Thanh thì cho rằng, với mô hình lớp học VNEN, nhìn vào một số ảnh minh họa cho thấy bàn ghế không phù hợp, vì khi làm việc theo nhóm mà các bàn dính liền với ghế và nhiều học sinh một bàn một ghế không tạo cho học sinh thoải mái, ảnh hưởng đến thị lực và sự cong vẹo cột sống. 

Để học theo nhóm thì phải mỗi học sinh một bàn một ghế. Còn trong lớp phải có bảng, khi giáo viên giảng bài thì học sinh tự sắp xếp lại bàn nghế như lớp học đã thực hiện nhiều năm. Khi giáo viên giảng học sinh không ngồi theo bàn xếp hình chữ U.

Để có hiệu quả thì điều quan trọng vẫn là giáo viên dạy thế nào để có phần thuyết trình, có phần làm việc nhóm, tùy thuộc vào môn học, bài học. Thật không hiểu tại sao chúng ta lại sử dụng những bàn dính vào ghế như vậy, làm hại bao thế hệ học sinh...

Phương Thảo