Có cần giáo dục cô giáo Trang, cô Vân ở Quán Toan nữa không?

19/05/2019 06:43
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Nếu không có yêu thương, sẻ chia, chọn nghề giáo là một sai lầm của cuộc đời bạn.

LTS: Liên quan đến vụ việc cô giáo đánh học sinh trong giờ kiểm tra tại Hải Phòng, thầy giáo Sơn Quang Huyến cho rằng việc loại bỏ những giáo viên không có lòng yêu trẻ khỏi ngành Giáo dục là việc làm cần thiết.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bài báo “Buộc thôi việc đối với cô Trang sẽ hết cơ hội giáo dục cô giáo này?”, của tác giả Lã Tiến, đăng trên báo Giaoduc.net.vn  ngày 17/5/2019 đã nhận được nhiều bàn luận của đồng nghiệp giáo giới. 

Thầy B. mới hết tập sự nhận xét: “Em thấy đuổi việc cô giáo bạo lực với học trò lớp 2 như thế là đúng. Không thể nào giáo dục cô giáo như thế được.

Làm giáo viên, cần nhất lòng yêu thương con trẻ, cái này không có ở cô giáo Trang, Vân”.

Cô M. một giáo viên có hơn 10 năm công tác, con gái đang học lớp 2 nói:

“Em không dám coi hết clip ngay lần đầu, em nghĩ nếu là con mình… thế là em xách xe chạy lên trường Tiểu học, bác bảo vệ nhận ra em, hỏi sao cô đó cháu sớm thế?

Tỉnh ra, em chạy về xem tiếp. Không tin được, dù đó là sự thật. Em đồng ý với việc đuổi khỏi ngành những giáo viên như thế”. 

Chân học sinh bị cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang đánh sưng tấy trong giờ kiểm tra học kỳ 2 (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Chân học sinh bị cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang đánh sưng tấy trong giờ kiểm tra học kỳ 2 (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Thầy T. chuẩn bị về hưu thì trầm ngâm “Không hiểu các cô trong clip (Trang, Vân) có đọc báo, xem tivi không; hay cuộc sống các cô vất vả quá, không có thời gian.

Mình nghĩ, nếu mà bon chen để sống, không có thời gian đọc báo, xem ti vi thì quả đáng thương. 

Nếu họ có xem thời sự, đọc báo, tham gia Facebook mà không rút ra bài học để tự giáo dục bản thân thì có để lại trong ngành cũng không giáo dục được”. 

Tựu trung lại, các giáo viên được hỏi ý kiến đều không muốn cô Trang, Vân trong clip, được gọi là đồng nghiệp của mình.  

Cô trang đã bị xử lý, sao cô Vân không bị xử lý, vậy có công bằng không?

Bạn đọc “Ông Đồ” bình luận “Tôi sợ chị này 1, thì tôi sợ người ủng hộ chị này 1000 lần. Chuyện tới tày đình này mà còn bênh, mù quáng hết thuốc chữa, thì thử hỏi chuyện gì mà không bênh?”; đã nhận được sự đồng ý của nhiều người khác. 

Giáo viên là phải nói không với bạo lực!

Xúc phạm thân thể người khác là sai, dù nhân danh bất cứ động cơ nào. Giáo viên đánh học trò, khi những đứa trẻ không có một chút năng lực tự vệ nào lại càng sai, càng đáng lên án. 

Có cần giáo dục cô giáo Trang, cô Vân ở Quán Toan nữa không? ảnh 2Học sinh kiểm tra, giáo viên làm giám thị thì mắc mớ gì mà phải đánh học trò?

Là giáo viên dạy học sinh còn nhỏ như mầm non, tiểu học, nếu không kiềm chế được bản thân, nên đổi nghề khác trước khi vi phạm pháp luật.

Đánh học sinh, chắc chắn bị lên án, bị đào thải. Có thể không bị tòa án kết tội, nhưng một mai “tâm tòa” sẽ xử lý họ đến suốt đời.

Nếu không có yêu thương, sẻ chia, chọn nghề giáo là một sai lầm của cuộc đời bạn.

Làm sao chấm dứt bạo lực từ giáo viên đến học sinh ngay, chứ không phải chờ đến 2020 như Bộ trưởng mong muốn? 

Xử lý tiêu cực trong giáo dục hiện nay đang được ví như câu ca dao “Mèo tha miếng thịt thì đòi – Hổ tha con lợn thì nào thấy chi”. 

Nhà giáo sẽ có tư tưởng so sánh “mình vi phạm có đáng chi so với cướp điểm”; vì có tâm lý đó, khả năng tự giáo dục của giáo viên đã mất đi một ít. 

Vì vậy, Bộ giáo dục phải xử lý đúng pháp luật càng sớm càng tốt với các đối tượng “mua, bán điểm” trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, có công tác trong ngành giáo dục; đảm bảo công bằng giữa giáo viên với các cấp quản lý cao hơn. 

Kiên quyết loại ra khỏi ngành những giáo viên không tự giáo dục, loại bỏ được bạo lực ra khỏi hoạt động giáo dục của bản thân. 

Yêu cầu các nhà trường thống nhất quan điểm giáo dục, không dùng phương châm “Thương cho roi cho vọt”.

Giaó dục là không bạo lực; thế nhưng vẫn cần có hình phạt để giáo dục. Thống nhất trên cả nước hình phạt được phép sử dụng trong nhà trường với các học sinh vi phạm nội quy có tính hệ thống.

Các hình phạt này cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, thống nhất giữa gia đình, nhà trường, xã hội.

Nghề giáo chưa bao giờ được coi là “nghề nguy hiểm” như hôm nay. Nguy hiểm hay không thật ra cũng do nhà giáo quyết định. 

Gieo nhân nào, gặt trái đó, nhân quả nhãn tiền. Biết bao nhà giáo đang hàng ngày cõng chữ lên non, ươm mầm nhân ái, họ thực sự là những nhà giáo sống trong lòng nhân dân. 

Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ; làm một nhà giáo theo tấm lòng của Bác với học trò, nghề giáo có còn nguy hiểm không?

Sơn Quang Huyến