LTS: Việc đẩy học sinh lên lớp nhiều giáo viên không muốn, thế nhưng vì miếng cơm manh áo của mình, vì thành tích chung của nhà trường mà họ bắt buộc phải làm.
Từ câu chuyện của chính người cháu của mình, tác giả Sơn Quang Huyến đã có bài viết chia sẻ về vấn nạn này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau buổi học cuối năm, đứa cháu về nhà với vẻ mặt không vui. Không như mọi khi, là cháu sà vào lòng ông nũng nịu, khoe điểm.
Cháu chỉ cúi đầu chào ông nội rồi vào phòng cất cặp, xong ra ôm chú cún vào lòng, mắt ngó bâng khuâng vô định.
Tôi đoán, chắc cháu có nỗi niềm gì đó ở trường. Vờ như không để ý, đợi ăn cơm tối xong, thế nào nó cũng líu lo với ông thôi.
Không như dự đoán của tôi, cháu lên phòng, mở bản nhạc buồn, những bản nhạc mà trước đây tôi nghe đều bị cháu nhắc nhở "nghe nó buồn quá, nội à".
Không đợi được nữa, tôi đến ôm cháu vào lòng và hỏi "có chuyện gì vậy con?". Chỉ chờ có thế, cháu nức nở khóc "tội cô giáo quá, nội à".
Cô giáo dạy lớp 4 của cháu vốn là học trò cũ của tôi, có trình độ chuyên môn tốt và rất yêu nghề, mến trẻ, thỉnh thoảng vẫn ghé nhà tôi đàm đạo chuyện đời, chuyện nghề.
Chột dạ, tui hỏi "cô bị làm sao mà nội không nghe ai nói vậy?". Cháu vội lấy tay bịt mồm tôi lại, "nội đừng nói xui xẻo vậy đến cô giáo con!".
Thế rồi buổi học cuối cùng với cô giáo cũng được đứa cháu vẽ lại đầy đủ chi tiết.
Điều làm cháu buồn không phải là nó phải xa cô, vì cô hay ghé nhà, nó buồn vì cô nó phải xin lỗi 4 bạn học trong lớp.
Sau buổi học, cô giáo cháu giữ lại 4 bạn gặp riêng cuối cùng để nói chuyện.
- Các con có biết các con học yếu không?
- Dạ biết, chúng con cảm ơn cô cho chúng con lên lớp ạ!
- Cô xin lỗi các con, cô biết các con bị hổng kiến thức, trong suốt năm học qua cô cố gắng dạy bù đắp vào nhưng kết quả vẫn không được như ý, dẫu vậy cô vẫn phải đành đưa các con lên lớp. Cô xin lỗi các con nhé!
Căn bệnh thành tích đang trở thành một vấn nạn của toàn ngành giáo dục (Ảnh minh họa: DAD) |
Cháu còn kể thêm: "các bạn ấy hồi lớp một, lớp hai, lớp ba dù học yếu vẫn được lên lớp. Năm nay cô giáo con đánh vật với các bạn ấy từ đầu năm đó nội. Các bạn ấy phải xin lỗi cô giáo chứ?".
Nghe cháu thuật lại, tôi mừng vì đứa học trò cũ có lương tâm, buồn vì giáo viên đến cái quyền cho học sinh ở lại mà không có.
Bệnh thành tích quá nặng, chúng ta đang và sẽ về đâu ? Có bao nhiêu giáo viên phải cúi đầu xin lỗi học sinh cuối năm đây?
Việc nâng cao chất lượng giáo dục phải cần nhiều thứ, nhưng đơn giản nhất là dạy thật, học thật, tổng kết đánh giá thật, cho học sinh được quyền ở lại lớp để củng cố kiến thức.
Các cấp quản lý đừng vì chỉ tiêu lên lớp 100% mà gây áp lực, buộc giáo viên đẩy học sinh yếu kém lên lớp, đặc biệt là các lớp ở tiểu học.
Học sinh lớp một chưa đọc thông viết thạo, lên lớp hai… thì vô cùng khó tiếp thu bài.
Một số giáo viên còn có "sáng kiến" cho học sinh yếu kém ngồi gần học sinh giỏi để nâng cao chất lượng. Chịu hệ lụy nặng nề nhất chính là các em đó chứ chưa phải ai khác.
Để tránh tình trạng này, các giáo viên nhận lớp nên khảo sát, đánh giá ngay từ đầu năm, kịp thời phát hiện học sinh ngồi "nhầm lớp", tham mưu để cùng ban giám hiệu, gia đình có phương án giáo dục tốt nhất, càng sớm càng tốt.