Nên dừng việc kiểm tra trắc nghiệm ở học sinh tiểu học, trung học cơ sở

26/08/2018 07:39
NHẬT KHOA
(GDVN) - Thầy Nhật Khoa cho rằng kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm không phù hợp với học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

LTS: Thầy giáo Nhật Khoa cho rằng hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan chỉ phù hợp với học sinh trung học phổ thông và không nên áp dụng với học sinh tiểu học, trung học cơ sở.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài phân tích của thầy Khoa về vấn đề này.

Vào đầu năm học mới 2018 - 2019, các Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước đã gấp rút tổ chức cho triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các trường trung học cơ sở trong cả nước về kỹ thuật xây dựng ma trận đề và biên soạn, chuẩn hóa câu hỏi kiểm tra đánh giá kết quả học tập cho phù hợp, đồng bộ với định hướng thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia.

Có nghĩa là ở hầu hết các môn học như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân,… (trừ môn Văn) đều được tấp huấn cách xây dựng ma trận, xây dựng hệ thống câu hỏi,… theo hướng các kỳ kiểm tra học kỳ I, II hay kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với hình thức 100% trắc nghiệm khách quan để cho đồng bộ với kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia!

Thầy Nhật Khoa cho rằng kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm không phù hợp với học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Ảnh: Vov.vn
Thầy Nhật Khoa cho rằng kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm không phù hợp với học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Ảnh: Vov.vn

Dù chưa có quyết định chính thức từ các Sở Giáo dục và Đào tạo về thời điểm triển khai trắc nghiệm 100% ở các môn nhưng với thông tin trên làm cho giáo viên bất an, học sinh hoang mang, cha, mẹ học sinh lo lắng về tính khả thi, hiệu quả của việc thực hiện phương án chuyển từ kiểm tra tự luận sang trắc nghiệm trắc quan 100%, giáo viên giảng dạy như thế nào? có hiệu quả như thế nào?

Chất lượng học tập của học sinh có nâng lên hay tiếp tục trì trệ? Sự tư duy, suy luận, trình bày vấn đề của học sinh có đi xuống không?

Trong phạm vi bài viết, trên quan điểm cá nhân, tác giả thấy việc chuyển các kỳ kiểm tra ở cấp học tiểu học, trung học cơ sở là không phù hợp đối với tư duy, suy nghĩ, nhận thức của học sinh hay nói đúng hơn chuyển sang hình thức kiểm tra đối với học sinh trung học cơ sở là một sai lầm.

Thi trắc nghiệm ở Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia là phù hợp

Nên dừng việc kiểm tra trắc nghiệm ở học sinh tiểu học, trung học cơ sở ảnh 2Chỉ có một cách để đánh giá kết quả học tập học sinh, sẽ rất dễ tiêu cực

Theo quan điểm cá nhân tôi, cho dù còn nhiều ý kiến khác nhau hay việc tổ chức thi, đề thi gặp một vài khiếm khuyết nhỏ như hệ thống câu hỏi, bài tập kiểu trắc nghiệm, hay tính may rủi khi làm bài thi trắc nghiệm,…nhưng khi triển khai kỳ thi trắc nghiệm ở kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia những năm gần đây thể hiện tính ưu việt như:

Kiến thức chuyên sâu, toàn diện, hạn chế tối đa mức vi phạm trong việc sao chép lẫn nhau hay sử dụng phao thi,…vì mỗi phòng thi có 24 thí sinh được làm 24 bài thi khác nhau nên đãm bảo kỳ thi nghiêm túc.

(Sai phạm có thể chỉ xảy ra khi giám thị coi thi cố tình “làm xiếc”, hoặc việc nâng, sửa điểm như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình,… là do các cá nhân người có chức vụ, quyền hạn câu kết làm điều phi pháp).

Tôi cũng tin rằng việc thi theo hình thức trắc nghiệm sẽ đánh giá học sinh toàn diện hơn.

Bên cạnh đó, học sinh ở kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia lứa tuổi đã đủ “chín” để suy luận, diễn giải và thực hiện các bài thi trắc nghiệm khách quan một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, học sinh đang ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp nên đã đủ nhận thức để xác định tầm quan trọng của việc học, thi và làm bài với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì đó là tương lai hay định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Do đó, theo tôi trong một vài năm tới vẫn nên giữ nguyên kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia với hình thức trắc nghiệm như hiện nay.

Điều cần thay đổi là làm cho kỳ thi nghiêm túc, trong sạch, xử lý nghiêm minh vi phạm không chừa bất kỳ ai có liên quan không có vùng cấm.

Kiểm tra 100% trắc nghiệm khách quan ở cấp tiểu học, trung học cơ sở là sai lầm

Nên dừng việc kiểm tra trắc nghiệm ở học sinh tiểu học, trung học cơ sở ảnh 3Văn hóa trắc nghiệm toàn cầu với trách nhiệm giải trình của giáo viên

Học sinh ở bậc tiểu học, trung học cơ sở rất cần việc tư duy, suy luận, trình bày một bài giải một cách khoa học, chỉ có như vậy học sinh mới nhớ lâu và vận dụng kiến thức trên vào việc học tập, cũng như vận dụng vào thực tế cuộc song.

Thế nên đối với các em kiểm tra tự luận là phù hợp nhất hay kết hợp 80% tự luận, 20% trắc nghiệm nhằm mục đích cho học sinh làm quen với hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan.

Nên nếu thi bằng 100% hình thức trắc nghiệm khách quan là không phù hợp, thậm chí sai lầm.

Tôi còn nhớ ở những năm về trước, khi bắt đầu việc thay sách giáo khoa lần 2 áp dụng vào năm 2000, ở bậc tiểu học, trung học cơ sở khi đó việc kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết hay học kỳ đa số đều làm theo hình thức trức nghiệm khách quan 100% đã diễn ra tình trạng rất nhiều học sinh học xuống cấp trầm trọng, học sinh chỉ làm kiểm tra như cái máy, học sinh chọn các đáp án theo kiểu xui rủi, hên xui, hay thậm chí chọn các câu trả lời bằng cách bốc thăm các phương án,...

Không chỉ việc thi, kiểm tra mà việc tiếp thu kiến thức, trình bày của học sinh rất tệ, học sinh không biết cách trình bày, không biết tư duy, suy luận,… dẫn đến chất lượng học tập của học sinh ngày càng xuống cấp, lại kéo theo áp lực thành tích nên căn bệnh thành tích, bệnh “giả dối” trong giáo dục bùng phát dữ dội.

Từ những hạn chế trên, nên yêu cầu đặt ra là phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang tiến hành hiện nay, tôi hy vọng việc dạy, kiểm tra, đánh giá không lặp lại những hạn chế, bất cập của việc thay sách năm 2000, trong đó có việc kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học, trung học cơ sở bằng hình thức trắc nghiệm khách quan 100%.

Trên diễn đàn Quốc hội, tranh luận sau câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nhạ ngày 16/11, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng:

"Thi trắc nghiệm công bằng và tránh gian lận, nhưng các cháu đi thi về nói chỉ thích thi trắc nghiệm thôi.

Bởi vì chỉ cần chọn ra 1 bạn học giỏi nhất, xức dầu gió thật nhiều cho bạn ấy, cứ bạn ho 1 tiếng thì khoanh phương án 1, ho 2 tiếng thì khoanh phương án 2, trong quy chế thi không cấm ho nên chỉ cần 1 bạn làm được thì cả phòng làm được", bà Nga nêu.

Nên dừng việc kiểm tra trắc nghiệm ở học sinh tiểu học, trung học cơ sở ảnh 4Thi trắc nghiệm khách quan có phải là một cuộc cách mạng trong đánh giá?

Điều này rất đúng với học sinh tiểu học, trung học cơ sở vì ở kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia mỗi thí sinh làm một bài thi với mã đề, câu hỏi khác nhau nên học sinh rất khó gian lận.

Nhưng đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở thì không thể làm được việc trên, vì mỗi giáo viên dạy trên 10 lớp không thể ra mỗi học sinh mỗi mã đề khác nhau và cũng không thể chấm kịp, học sinh còn thêm nhiều cách gian lận khác như đưa ngón tay, viết đáp án to trên giấy nháp và đưa lên cao,…

Và quan trọng là tạo ra rất nhiều học sinh lười biếng, thiếu suy nghĩ, không cẩn thận,…

Theo tôi việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đang dần bước vào giai đoạn nước rút, thi, kiểm tra theo hình thức nào là một vấn đề cực kỳ hệ trọng nó không chỉ ảnh hưởng đến phương pháp dạy của giáo viên và ảnh hưởng đến hàng chục triệu học sinh cả nước.

Do đó tùy theo lứa tuổi học sinh, động cơ, nhận thức mà kiểm tra theo hình thức phù hợp, học sinh tiểu học, trung học cơ sở chưa nên thi, kiểm tra trắc nghiệm khách quan 100%.

Do đó, tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở được thi các bài thi tự luận 100% để rèn tư duy, nhận thức, cách trình bày bài làm của học sinh để chất lượng thật của học sinh được nâng lên một cách khoa học cẩn thận hay cũng có kết hợp ở mức độ thấp.

Học sinh trung học phổ thông, có thể giữ nguyên hình thức trắc nghiệm khách quan ở kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia và kỳ kiểm tra học kỳ I, II, đối với học sinh lớp 10,11 có thể kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận cho học sinh tiếp tục rèn tư duy và làm quen với hình thức kiểm tra trắc nghiệm.

Mỗi thay đổi đều phải làm cẩn trọng, và phải có thử nghiệm một cách khoa học, chính xác để tránh tuyệt đối sai lầm khi triển khai.

NHẬT KHOA