Ông giáo già gửi “6 chữ vàng” tới tất cả đồng nghiệp

29/11/2014 07:15
Xuân Trung
(GDVN) - Đúc rút trong quá trình đi dạy học hơn 20 năm của mình, nhà giáo Đoàn Thịnh (Hà Nội) trước khi về hưu đã dành tặng đồng nghiệp “6 chữ vàng”.

6 chữ trong phương pháp dạy học môn Lịch sử của nhà giáo Đoàn Thịnh là: Thuật, đàm, giảng, lẩy, dừng, đọng. 

Bài học từ “6 chữ vàng”

Nhân chuyện bàn về đổi mới chương trình và sách giáo khoa, nhà giáo Đoàn Thịnh – người đã có thời gian hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục Thủ đô, từng đứng trên bục giảng, từng tham gia công tác quản lý, đã có những chia sẻ thú vị xung quanh những thí dụ cụ thể về việc áp dụng phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại. Thầy Đoàn Thịnh cho rằng, chuyện đổi mới chương trình, sách giáo khoa không có gì là phức tạp, nhưng chúng ta hay làm phức tạp hóa. 

Ông giáo già gửi “6 chữ vàng” tới tất cả đồng nghiệp ảnh 1

Nhà giáo Đoàn Thịnh.

Liên hệ tới phương pháp dạy và học môn Lịch sử trước kia mình từng phụ trách, nhà giáo Đoàn Thịnh vẫn nhớ 6 chữ mà trước khi về hưu ông dành tặng các giáo viên Thủ đô, ông cho rằng, khi dạy Lịch sử mà người thầy không tường “thuật” thì học sinh sẽ không hiểu bài, sau đó mới đếm “đàm”, đàm là đàm thoại giữa giáo viên và học sinh, không dùng hỏi – đáp xưa nay chúng ta vẫn dùng. 

Ý nghĩa của từ “đàm” khiến học sinh và người thầy trở nên bình đẳng: “Tôi giảng bài, tôi không hỏi học sinh mà là đàm thoại với học sinh, lúc đó học sinh được phép phát biểu chính kiến của mình, tán thành hay không tán thành ý của mình. Người thầy chỉ giảng những gì khó” nhà giáo Đoàn Thịnh nói.

Ông giáo già gửi “6 chữ vàng” tới tất cả đồng nghiệp ảnh 2Bao giờ thì có sách giáo khoa mới?

(GDVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng quy trình thẩm định chương trình, sách giáo khoa phải khoa học, công khai, minh bạch, công bằng...

Tuy nhiên, điều mà giáo viên áp dụng khó nhất trong ba chữ cuối “lẩy, dừng, đọng”. Theo nhà giáo Đoàn Thịnh, một người thầy khi đọc sách giáo khoa trước khi giảng, quan trọng là biết lẩy ra chỗ nào chứ không phải nói từ đầu tới cuối cuốn sách. 

Cách đây 20 năm, khi còn công tác tại Sở GD&ĐT Hà Nội, nhà giáo Đoàn Thịnh thường có nhiều dịp đi kiểm tra tại các trường, khác với người khác, bản thân ông không bao giờ kiểm tra giáo án của giáo viên xem dạy gì, mà ngược lại ông trực tiếp xem sách giáo khoa của giáo viên, nếu giáo viên để sách trắng mà không có gạch chân, chú thích hay đánh dấu mực thì chứng tỏ chưa có nhiều ý lẩy trong sách ra.

Một người giáo viên dạy Lịch sử, dùng sách giáo khoa để giảng bài mà không biết “lẩy” ý gì từ sách giáo khoa để nhấn mạnh thì đúng là chưa đi sâu. Bởi giữa giáo án và bài giảng của giáo viên là khác nhau, do đó phải biết cái nào trong sách là quan trọng.

 Nhưng khi dạy học sinh thì cũng phải biết “dừng” đúng lúc. Nếu một học sinh trả lời “vòng va Tam quốc” có khi người thầy “cháy” giáo án, do đó phải bắt học sinh dừng.

Lúc này người thầy có thể bảo: “Thầy xin lỗi em, em chưa hiểu rõ câu hỏi”, lúc này học sinh sẽ phải dừng và thầy nhắc lại câu hỏi. Nếu học sinh trả lời đúng nhưng chưa đủ thì người thầy có thể cho điểm khác và có thể bổ sung ý, người thầy không bao giờ nên nói học sinh là “đúng hay sai”, bởi các em cũng rất hay tự ái.

Phương pháp của nhà giáo Đoàn Thịnh khi kiểm tra học sinh, khi các em được gọi lên bảng, người thầy có thể hỏi: “Với câu hỏi này em có thể trả lời theo/thành mấy ý?”, nếu học sinh trả lời đủ các ý, người thầy có thể yêu cầu học sinh phân tích thêm một trong các ý đó để học sinh “lẩy” ra ý và không bị sa đà.

“Người thầy dạy gì thì dạy, những cái cuối cùng còn đọng trong đầu học sinh cái gì. Tôi đã từng đi kiểm tra, dự giờ các trường, lớp nhiều, nhiều nơi bảo tôi chuẩn bị câu hỏi để kiểm tra, tôi nói không có câu hỏi nào cả và sau buổi dự giờ giáo viên, nếu giáo viên dạy hay thì hỏi câu hỏi khó hơn cho học sinh. Còn dạy vào tai phải ra tai trái, cuối giờ tôi có hỏi học sinh những câu trọng tâm thì học sinh lại không nắm được” nhà giáo Đoàn Thịnh cho hay.

Xác định mục tiêu đào tạo trước khi đổi mới

Qua câu chuyện và kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử và quá trình dạy học của mình ở trên, nhà giáo Đoàn Thịnh bày tỏ về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa sắp tới, nếu không lấy ý kiến của người trực tiếp giảng dạy là các thầy, cô giáo thì đó là một thiếu sót rất lớn. Bởi, người thầy biết được trong sách cái gì nên dạy học sinh, cái gì không nên dạy.

Với môn Lịch sử trong thời đại ngày nay khi nhắc đến học sinh rất không muốn học bởi lối dạy khô khan, nhưng có một phương pháp mà theo nhà giáo Đoàn Thịnh ít có giáo viên nào áp dụng, đó là “qua bài học lịch sử này rút ra điều gì cho cuộc sống hiện nay”, tất cả các bài học đều rút ra bài học được, và không áp đặt.

Ông giáo già gửi “6 chữ vàng” tới tất cả đồng nghiệp ảnh 3Sách tham khảo: phong phú nhưng chưa đi kèm với chất lượng?

(GDVN) - Trên thị trường có nhiều sách tham khảo khác nhau dành cho mọi đối tượng học sinh, tuy nhiên sự đa dạng này dường như lại không đi kèm với chất lượng?

Qua câu chuyện này, nhà giáo Đoàn Thịnh muốn nhấn mạnh rằng, đổi mới chương trình, sách giáo khoa chúng ta cần xác định trước hết ở mục tiêu đào tạo, sau mục tiêu mới đến chương trình và sau đó mới tới sách giáo khoa. Có chương trình và sách giáo khoa sẽ kèm theo phương pháp giảng dạy. 

Nếu mục tiêu đào tạo chỉ chung chung, hô khẩu hiệu và cần phải xác định được mục tiêu đào tạo của từng cấp, ví như hết cấp 1 học sinh là con người như thế nào, hết lớp 9 là con người như thế nào…

Theo nhà giáo Đoàn Thịnh, đây là những vấn đề rất cụ thể nằm trong một đề án lớn. Chứ không thể sau này vấn đề gì cũng dồn vào nhà trường gây thừa và cũng thiếu. 
Quan điểm của một nhà giáo, thầy Đoàn Thịnh cho rằng, đã là chương trình học thì phải có “mềm” và “cứng”, bởi không thể bắt học sinh ở thành thị học về ruộng và ngược lại không thể bắt học sinh miền núi học về những thứ của thành thị. Thậm chí trong chương trình cũng phải đề ra những yêu cầu cần thiết, tối thiểu, kiểu dạng “muốn thực hiện bài này cần giải thích có các phương tiện dạy học kèm theo”, lúc đó giáo viên cũng sẽ sáng tạo theo.

Cũng theo góp ý của thầy Thịnh, sách giáo khoa sắp tới cần có 2 bộ, một bộ sách giáo khoa cho học sinh thì Bộ GD&ĐT đứng ra soạn. Ngoài ra, còn sách giáo viên cho tùy nghi, ai làm được cũng có thể làm. Nhưng chuẩn sách giáo khoa học sinh là phải do Bộ làm, bởi thi cử cần dựa vào bộ sách chuẩn này.

Xuân Trung