Thầy Bùi Nam kể chuyện, 20 năm làm nghề dạy học

19/11/2018 06:28
BÙI NAM
(GDVN) - Còn đó rất nhiều giáo viên đã hy sinh vì nghề, hàng ngày phải chui vào túi nylon, đu dây, lội suối,…để được đến trường dạy con chữ, gieo ước mơ cho học sinh.

LTS: Bản thân cũng là một nhà giáo, thầy Bùi Nam mong muốn mọi người sẽ có cái nhìn thông cảm, chia sẻ về những khó khăn, áp lực của giáo viên đang đứng trên bục giảng thông qua bài viết.

Tòa soạn trân trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Chỉ còn một vài ngày nữa là đến ngày được xem là ngày trọng đại đối với thầy cô giáo, ngày để tôn vinh, tri ân cho những đóng góp của các thầy cô giáo trong cả nước, đó là ngày kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Bản thân là người công tác trong ngành giáo dục cũng đã gần 20 năm, nhân sự kiện kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, tác giả xin được phép có những lời tâm sự về nghề dạy học trong thời đại hiện nay.

Nhìn lại giáo dục trong những năm qua đã đóng góp rất nhiều thành tựu cho đất nước, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó ngành cũng có rất nhiều thị phi.

Phải thừa nhận một sự thật là hiện nay trong những giáo viên thì cũng có những giáo viên chưa tốt, chưa xứng tầm kỳ vọng của xã hội, chưa xứng đáng với danh hiệu cao quý là làm thầy.

Nhưng mỗi lần nhắc đến những bất cập, thị phi của giáo dục thì hầu hết tất cả đều đổ lỗi cho giáo viên, hầu như mặc định nếu thực hiện vấn đề nào không thành công đều do giáo viên gây nên, giáo viên trở thành tâm điểm của sự chỉ trích từ dư luận nhưng sự bảo vệ, bênh vực giáo viên thì yếu ớt, mong manh.

Làm nghề giáo thời nay khổ lắm mọi người ơi! (Ảnh minh họa: vov.vn).
Làm nghề giáo thời nay khổ lắm mọi người ơi! (Ảnh minh họa: vov.vn).

Sắp đến ngày 20/11, bỏ qua những sai phạm, bỏ qua những suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận nhỏ giáo viên, nhưng còn đó rất nhiều giáo viên đã hy sinh vì nghề, hàng ngày phải chui vào túi nylon, đu dây, lội suối,…để được đến trường dạy con chữ, gieo ước mơ, tương lai cho các em học sinh.

Thu nhập của giáo viên mới ra trường không đủ sống

Những ai đang đứng trên bục giảng hay đã từng đứng trên bục giảng sẽ thấu hiểu những nỗi vất vả, gian khổ mà giáo viên đang phải gánh chịu về mọi thứ kể cả về chế độ thu nhập, về áp lực thành tích, áp lực duy trì sĩ số, áp lực sáng kiến kinh nghiệm…và hàng loạt áp lực không tên khác như “hội họp, bồi dưỡng thường xuyên, chuyên đề, phong trào…”.

Nói về chế độ lương giáo viên, trước đây tư lệnh ngành giáo dục đã từng phát biểu đến năm 2015 giáo viên sẽ sống được bằng lương, thì đến nay việc cải cách chế độ tiền lương chỉ mãi nằm trên bàn làm việc, trên giấy…

Thậm chí thụt lùi như việc ban hành các Thông tư 20, 21/TTLT BNV – BGDĐT dành cho giáo viên mầm non, tiểu học quy định giáo viên dạy tiểu học mầm non, tiểu học dù có bằng đại học thì vẫn hưởng lương trung cấp có hệ số lương là 1,86.

Giáo viên mầm non, tiểu học rất cực khổ, làm nhiều công việc vất vả nhưng giáo viên trên khi mới ra trường thực nhận chưa đến 2,5 triệu đồng thì làm sao có thể yên tâm công tác.

Vấn đề này, đã có nhiều kiến nghỉ sửa đổi nhưng đến nay chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến gì, đây là một thiệt thòi rất lớn dành cho giáo viên tiểu học, mầm non.

Một nghề mà xã hội coi là cao quý trong tất cả các nghề cao quý, một nghề mà xã hội coi là nghề sáng tạo trong tất cả các nghề… sự cao quý, sáng tạo phải được xã hội tôn vinh, ghi nhận qua việc chi trả thu nhập tương xứng nhưng với thu nhập trên, làm sao có thể yêu cầu giáo viên phát huy hết trí lực, tâm lực cho việc giảng dạy và đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng 4.0.

Thu nhập lương giáo viên chưa xứng tầm với sự cao quý của nghề

Thầy Bùi Nam kể chuyện, 20 năm làm nghề dạy học ảnh 2Tại sao lương cán bộ, giáo viên bị tự động trừ hàng tháng?

Trước đây trên nghị trường Quốc hội, có đại biểu đã từng đăng đàn phát biểu “Trước năm 1975 lương giáo viên có thể nuôi sống cả gia đình, còn hiện nay thì thu nhập khá thấp lo cho bản thân còn không đủ nói gì đến nuôi sống gia đình”.

Quả thật, hiện nay ước mơ giáo viên sống được bằng lương là một điều khá xa vời, có lẽ nó cũng chỉ mãi là ước mơ.

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội chúng ta bắt gặp những hình ảnh các giáo viên bán hàng như quần áo, giày dép, trái cây, mỹ phẩm… có nhiều giáo viên làm thêm công tác giao hàng trên mạng, giáo viên tranh thủ chạy xe ôm, bồi bàn trong các nhà hàng… để kiếm thêm thu nhập.

Hiện nay, với rất nhiều chi phí như đám tiệc, vật giá leo thang, rồi cha mẹ, con cái hay bản thân bệnh tật, hay để chuẩn bị cho các tiết dự giờ, các tiết thi giáo viên giỏi, đồ dùng dạy học,…tốn một khoảng tiền không nhỏ.

Đành rằng một số giáo viên dạy thêm vì tiền có thể làm méo mó nhân cách, làm méo mó môi trường học tập, nhưng cũng có những giáo viên vì thu nhập nhập thấp cũng muốn làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt, bênh tật... và những giáo viên đó dạy vì kiến thức thật của học sinh nhưng hình ảnh các đoàn người của cơ quan công quyền ập vào lập biên bản như tội phạm, nó cũng làm tổn thương đến các thầy cô giáo.

Vấn đề chính không phải là xử lý mà phải làm sao cho mọi giáo viên đủ trang trải cuộc sống, yên tâm công tác, không còn ai phải dạy thêm trái phép vì thiếu tiền.

Làm giáo viên bây giờ quả thật rất khó

Không chỉ có lương, chế độ giáo viên không đủ sống mà phải nhìn nhận rằng nghề giáo hiện nay là một nghề rất khó vì vô vàn áp lực bủa vây giáo viên từ nhiều phía.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thì liên tục cải cách, thử nghiệm, thực nghiệm như chương trình VNEN, Công nghệ giáo dục, STEM… rồi sắp tới đây là chương trình mới “tích hợp”, rồi việc biên soạn chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa cũng gặp nhiều phản ứng…

Những việc trên đâu chỉ có biến học sinh thành “chuột bạch” mà giáo viên cũng bị biến thành “chuột bạch”.

Hàng ngày, vào trường không ngày nào mà không có các bài viết về những bất cập của giáo dục, gần nhất là dự thảo quy định sinh viên bán dâm 4 lần mới bị đuổi học hay dự thảo xử phạt đến 30 triệu nếu xúc phạm người học…

Giáo viên thì hầu như không thấy ai bảo vệ, người thân học sinh không cần biết học sinh vi phạm điều gì, không cần biết đúng sai có thể sẵn sàng xông vào trường hành hung giáo viên.

Giáo viên đứng trên bục giảng thì bị học sinh hành hung ngay tại lớp, bị học sinh xúc phạm ngay trước mặt bạn bè… học sinh vì còn nhỏ nên chỉ bị cảnh cáo rồi học tiếp, còn giáo viên không kiềm chế được thì bị kỷ luật buộc thôi việc.

Thầy Bùi Nam kể chuyện, 20 năm làm nghề dạy học ảnh 3Sự thật về lương và phụ cấp của nhà giáo, có ai tin được những con số dưới dây?

Đành rằng việc xử lý học sinh chủ yếu giáo dục là đúng nhưng giáo dục như thế nào để học sinh nhận thức đúng, sai và không tái phạm, xử lý như thế nào để tăng vai trò, vị thế của người dạy…?

Hiện nay, xử lý như “bắt cóc bỏ dĩa”, học sinh vi phạm rút kinh nghiệm xong lại vi phạm tiếp rồi lại rút kinh nghiệm hay cùng lắm là cảnh cáo… sự tôn trọng của người học dành cho thầy theo tinh thần “Tôn sư trọng đạo” cứ thế vơi dần.

Không chỉ có thế, áp lực khủng khiếp về thành tích, áp lực về trường chuẩn, kiểm định chất lượng,…đã áp đặt chất lượng bộ môn trên 95%, lên lớp thẳng 98%,…làm cho giáo viên dù biết việc “lùa” học sinh lên lớp là trái đạo lý, trái tình và lý, làm cho học sinh mất động cơ, thái độ học tập đúng đắn,…nhưng nếu giáo viên không thực hiện theo, không “lùa” học sinh theo “chỉ đạo” thì chắc chắn bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ, bị coi là giáo viên “cá biệt” và cho thôi việc chắc chắn là bước tiếp theo.

Cũng khó có thể trách giáo viên khi biết phía trước không chỉ là bản thân mà còn cả gia đình, nếu nghỉ việc thì gia đình, con cái sẽ sống như thế nào, nên đành nhắm mắt làm trái lương tâm.

Rồi hiện nay việc tinh giản biên chế, các lớp học sĩ số quá đông nên giáo viên cũng rất khó để dạy, lớp học mà trên 50 thậm chí 60, 70 học sinh thì chỉ riêng khâu ổn định đã hết thời gian chứ đừng nói đến việc dạy học theo phương pháp mới.

Giáo viên thì thiếu nhưng lại phải bị buộc tinh giản 10% biên chế là một việc làm cơ học, máy móc.

Chỉ với những vấn đề trên mọi người đã có thể thấy rằng sự vất vả, gian lao của giáo viên trong giai đoạn hiện nay.

Còn khá nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục, nhưng sắp đến ngày vui của ngành, của nghề cũng là của cá nhân, mong mọi người có cái nhìn thông cảm, chia sẻ về những khó khăn, áp lực của giáo viên đang đứng trên bục giảng, cũng mong các bậc cha mẹ học sinh luôn đồng hành cùng giáo viên để việc học của các em được tốt hơn.

Nhà giáo không mong được tặng quà trong ngày 20/11 mà chỉ mong tất cả các em học sinh trên cả nước ngoan hơn, học tập ngày càng tốt hơn, biết giúp đỡ gia đình, thương yêu cha, mẹ, người thân, mong gia đình quan tâm các em hơn, cùng chung tay với giáo viên giúp đỡ các em nên người tốt. 

BÙI NAM