Trò hư, cấp trên đè nén, lương thấp, không tiền... ai còn muốn làm thầy?

16/08/2017 06:41
Nguyễn Cao
(GDVN) - Câu hỏi “Bao giờ giáo viên sống được bằng lương” vẫn luôn vang vọng từ nhiều năm qua nhưng hiện đang còn bỏ ngỏ.

LTS: Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng ngành sư phạm không còn đủ sức hút với các bạn trẻ như trước nữa.

Vậy đâu là nguyên do của tình trạng này.

Thầy Nguyễn Cao đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết nhằm chỉ ra nguyên nhân cũng như những vấn đề còn tồn tại của thực trạng này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nếu tính về hệ số lương, phụ cấp của giáo viên so với một số ngành nghề khác đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì nghề sư phạm không phải là thấp nhất.

Nhưng, nếu tính về tổng thu nhập thì phần lớn giáo viên đang sống ở mức nghèo. Ngoài đồng lương ba cọc ba đồng thì áp lực công việc đang khiến cho nhiều giáo viên nản chí và các bạn trẻ không thiết tha đến với ngành sư phạm.

Đồng lương thấp, tính chất công việc áp lực cao đã tác động đến việc chọn ngành sư phạm của nhiều bạn trẻ (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Đồng lương thấp, tính chất công việc áp lực cao đã tác động đến việc chọn ngành sư phạm của nhiều bạn trẻ (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Những năm gần đây, rất nhiều sinh viên sư phạm ở phía Bắc ra trường không xin được việc ở quê mà phải phiêu bạt đến một số tỉnh phía Nam tìm cơ hội việc làm.

Đồng lương giáo viên không phải là thấp nhất nhưng chưa bao giờ được nói là cao. 

Câu hỏi “Bao giờ giáo viên sống được bằng lương” luôn vang vọng nhiều năm qua nhưng vẫn đang còn để ngỏ.

Nếu so sánh với các công, viên chức của các ngành khác thì giáo viên có thêm phụ cấp đứng lớp từ 30-35% (tùy cấp học) nhưng các ngành khác cũng có phụ cấp công vụ 25%.

Trong khi phần lớn các nghề khác không hoặc ít phải đầu tư tiền bạc cho công việc của mình, còn giáo viên phải đầu tư cho trang thiết bị, đồ dùng dạy học hàng ngày không hề ít. 

Nghề giáo có phụ cấp thâm niên nhưng không thể gọi là nhiều, mỗi năm được 1%.

Số tiền đó là sự cố gắng của Chính phủ nhưng thực chất chẳng đáng là bao trong vô vàn thứ phải đầu tư cho chuyên môn của người thầy. 

Hơn nữa, phần lớn giáo viên hiện nay đều công tác xa nhà. Rất ít giáo viên được công tác tại địa phương, gần thì trong huyện, trong tỉnh.

Nhiều người vì không xin việc được ở quê phải đi xa quê hương. Vì thế, có người hàng chục năm chưa thể về quê thăm cùng gia đình.

Tất cả là vì đồng lương chưa bao giờ dư dả.

Đối với giáo viên có thâm niên khoảng 10 năm công tác thì với mức lương hiện tại khoảng hơn 4 triệu đồng.

Trong khi, nhiều thầy cô hàng ngày phải đi làm cách xa trường hàng mấy chục cây số.

Chỉ tiền xăng xe, ăn uống tại trường đã chiếm mất một nửa số tiền lương. Nửa còn lại lo con cái, nhà cửa, ăn uống, chi tiêu cho gia đình.

Trò hư, cấp trên đè nén, lương thấp, không tiền... ai còn muốn làm thầy? ảnh 2

“Con nhà giáo có bao nhiêu em nối nghiệp cha mẹ?”

Đồng lương là vậy, áp lực công việc của người thầy ngày nay cũng vô cùng lớn.

Áp lực ngay từ khi mới ra trường chưa có việc làm.

Thời nay, không mấy sinh viên sư phạm ra trường nộp hồ sơ là có việc làm ngay. 

Dù không dám công khai nhưng có nhiều địa phương phải vài ba trăm triệu mới được nhận vào dạy hợp đồng không thời hạn.

Khi vào dạy rồi thì áp lực nghề nghiệp cũng không hề ít. Áp lực công việc đã đành mà áp lực ngay với học sinh và phụ huynh học sinh. 

Mỗi lớp có 35-45 học sinh thì cũng chừng ấy tính cách. Nhiều khi vào lớp thì học sinh quậy phá, không chịu học bài nhưng giáo viên nào có quyền hành gì.

Động tới học sinh dù chỉ là vài lời quở trách, nhắc nhở cũng có khi bị phụ huynh vào làm lớn chuyện, bị Ban giám hiệu kỉ luật, bị qui vào tội vi phạm đạo đức nhà giáo.

Đánh học sinh thì bị đuổi khỏi ngành, dư luận lên tiếng, mỗi năm chúng ta thấy không biết bao nhiêu giáo viên bị kỉ luật, bị đuổi khỏi ngành vì những phút giây không kiềm chế được cảm xúc.

Nhiều người ở ngoài nói rất hay, nhưng khi vào nghề mới đồng cảm cho cái nghề giáo bây giờ.

Nhiều lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương họ sẵn sàng thanh lí hợp đồng đối với giáo viên để trấn an dư luận khi có những sự cố xảy ra mà ít có sự cảm thông, tìm hiểu nguyên nhân. 

Là người dạy học trò nhưng học trò học kém không dám cho ở lại, học sinh hư không dám quở trách.

Nhiều nơi, đầu năm học hoặc sau Tết Nguyên đán, giáo viên phải đến vận động, nhiều khi phải năn nỉ học sinh mới đến lớp.

Vô tình, những chính sách nhân văn đang bị một số phụ huynh và học sinh coi thường người thầy….

Khi đứng lớp, nhiều giáo viên cũng nơm nớp lo sợ, dè chừng. Lo sợ từng lời ăn, tiếng nói, lo sợ không làm vừa lòng lãnh đạo, lo sợ bị thanh lí hợp đồng.

Nhiều địa phương lãnh đạo biết thừa giáo viên nhưng vẫn tuyển dụng để lấy tiền rồi họ lại đang tâm cắt hợp đồng giáo viên bất cứ lúc nào họ thấy…hợp lí. 

Những trường hợp ở Yên Định (Thanh Hóa) năm ngoái thanh lí hợp đồng một lúc hơn 600 giáo viên vẫn còn là nỗi đau, là câu hỏi lớn cho dư luận về cách tuyển dụng và sa thải giáo viên của lãnh đạo nơi đây. 

Trò hư, cấp trên đè nén, lương thấp, không tiền... ai còn muốn làm thầy? ảnh 3

“Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”

Năm nay, chưa vào năm học lại thấy hàng loạt giáo viên bị cắt hợp đồng như Phú Yên, Hà Nội… rồi việc tuyển dụng có nhiều bất cập ở Quảng Nam, Hải Phòng…

Những trường hợp tréo ngoe đó đã khiến cho dư luận nhìn nhận được những bất cập của ngành giáo dục và không muốn con em họ vào học để rồi sau 4 năm ra trường thất nghiệp hoặc phải lo lót một số tiền lớn vào dạy rồi lại nơm nớp lo bị cắt hợp đồng.

Trong quá trình công tác, ở nhiều địa phương để xảy ra rất nhiều tiêu cực, họ lấy cớ một số xã khó khăn trong địa bàn để thực hiện chính sách tăng cường, luân chuyển đến vùng khó khăn. Ai có tiền thì được ở lại, ai không có tiền thì phải đi. 

Các cuộc thi, hội thi nhiều khi cũng phải tiền, không có tiền thì không có giải. Ngày lễ tết phải đến nhà lãnh đạo, không đến thì bị “chăm sóc” kĩ càng.

Những việc như vậy thử hỏi làm sao ngành sư phạm không bị “ngó lơ”.

“Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” bây giờ chỉ còn trong…huyền thoại. Vì thế, chuyện năm nay nhiều trường sư phạm chỉ tuyển được thí sinh ở mức điểm sàn cũng là một lẽ đương nhiên.

Bởi, đào tạo xong là hết nhiệm vụ của nhà trường, còn sinh viên có việc làm hay không lại là chuyện của sinh viên thì thí sinh nào thiết tha với ngành sư phạm nữa.

Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin mượn câu nói của tác giả R. Tagore (1861-1941, người châu Á đầu tiên được trao Giải Nobel văn chương, năm 1913):

“Đầu tư vào một người đàn ông ta được một người chồng tốt, đầu tư vào một người phụ nữ ta được một gia đình tốt, đầu tư vào một nhà giáo ta được một thế hệ tốt”. 

Nhưng, với cách tuyển sinh của một số trường đại học sư phạm, cách làm của ngành giáo dục và nhiều địa phương hiện nay của chúng ta thì trong tương lai liệu chúng ta có được “một thế hệ tốt” hay không?

Nguyễn Cao