Việt Nam đã có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa?

30/05/2016 07:35
Xuân Dương
(GDVN) - Nếu trí thức phải là người có học hàm, học vị (như cách hiểu của không ít người) thì Việt Nam hôm nay có đội ngũ trí thức như thế nào?

Sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ý kiến đầu tiên đánh giá về tầng lớp trí thức mới là của Hồ Chủ tịch trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, xuất bản năm 1947 Cụ Hồ viết: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”. 

Terry Eagleton – Giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lancaster - Anh Quốc, trong tác phẩm “Tại sao Mác đúng” đã viện dẫn tiên đoán của C. Mác về sự phát triển của lực lượng trí thức mà ông gọi là “lao động cổ cồn”: “Mác còn tiên đoán trước sự thu hẹp lại của giai cấp công nhân và sự tăng lên mạnh mẽ của lao động cổ cồn” (Chương 1: Chủ nghĩa Mác đã lỗi thời?).

Có thể thấy từ C. Mác đến Hồ Chí Minh, cả hai vị đều đã nhận thấy vai trò không thể thiếu của trí thức trong tiến trình biến đổi xã hội.

Việt Nam đã có đội ngũ trí thức đúng nghĩa? (Ảnh: vov.vn)
Việt Nam đã có đội ngũ trí thức đúng nghĩa? (Ảnh: vov.vn)

Trước khi trả lời câu hỏi: “Việt Nam đã có đội ngũ trí thức đúng nghĩa?” xin dành đôi dòng về tác phẩm “Tại sao Mác đúng”.

Cuốn sách của Terry Eagleton được các giáo sư Alex Callinices, Philip Carperter, Ellen Meiksins Wood hiệu đính (góp ý), được Đại học danh tiếng Yale (Hoa Kỳ) xuất bản đầu năm 2011.

Ở Việt Nam, cuốn sách đã được Nhà xuất bản Chính trị-Hành chính xuất bản dưới dạng sách tham khảo (tủ sách dành cho lãnh đạo).

Bản tiếng Việt 10 chương của cuốn sách cùng lời giới thiệu của GS. TS Tạ Ngọc Tấn có thể tìm thấy tại địa chỉ [1]. 

Riêng tên cuốn sách khi dịch sang tiếng Việt đã tạo nên một số tranh luận trái chiều, một số ý kiến cho rằng nguyên bản tiếng Anh “Why Marx was right”, tác giả sử dụng thì quá khứ đơn “Was” của động từ To Be, do vậy việc dịch sang tiếng Việt ở thì hiện tại “Tại sao Mác đúng” là chưa chuẩn về mặt dịch thuật, dịch đúng ngữ pháp phải là “Tại sao Mác đã đúng”. 

Việt Nam đã có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa? ảnh 2

Chuyến tàu vét và Đại học Bốn Khờ

(GDVN) - Trong ánh sáng mờ ảo, nhá nhem lúc hoàng hôn (nhiệm kỳ) buông xuống, người ta đôi khi thấy choáng bởi những “lời nói chân thật” vào phút 89 rưỡi.

Trong tiếng Việt, thì quá khứ nếu không nêu rõ mốc thời gian thì phải thêm chữ “đã”.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, viết về quan điểm của một người đã khuất (C. Mác) nên phải dùng động từ thì quá khứ, còn khi dịch vẫn có thể dùng thì hiện tại?

Trong lời nói đầu Terry Eagleton viết: “Tôi không phải thuộc tuýp người cánh tả thường tuyên bố một cách cuồng tín rằng mọi việc đều cần được phê phán, để rồi khi được yêu cầu đưa ra ba phê bình quan trọng về Các Mác thì lại ậm ừ nín lặng. 

Việc bản thân tôi nghi ngờ một vài tư tưởng của ông sẽ được thấy rõ qua cuốn sách này. Nhưng Các Mác đã đúng thời đó về những vấn đề quan trọng khiến cho việc tự gọi mình là một người mác xít trở nên hợp lý
”. (Đinh Xuân Hà và Phương Sơn dịch). [1]

Trong đoạn văn này, Terry Eagleton vẫn sử dụng cùng một mẫu câu như tên cuốn sách “But he was right enough of the time about enough important issues to make calling oneself a Marxist a reasonable self-description” và các dịch giả lại dùng thì quá khứ của động từ To Be (Was): “Nhưng Các Mác đã đúng thời đó về những vấn đề quan trọng…”.

Chắc chắn đây không phải là sự không cẩn trọng của dịch giả mà có thể vì các lý do phi ngôn ngữ nào đó, tuy nhiên người viết không có ý định tranh luận vấn đề ngữ pháp hay dịch thuật cũng như toàn bộ 10 chương của cuốn sách mà chỉ để cập đến trích dẫn của Terry Eagleton về quan điểm của Mác liên quan đến lực lượng lao động trình độ cao (trí thức) trong công cuộc đổi mới đất nước.

Thuật ngữ “lao động cổ cồn” mà Mác sử dụng ngày nay không bó hẹp trong phạm vi đội ngũ công nhân trình độ cao mà còn gồm lực lượng trí thức hoạt động trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội,… cũng như đội ngũ tham gia hoạch định chính sách vĩ mô.

Có một quan điểm tuy không phải là chính thống song mặc nhiên được công nhận ở nước ta là những người có bằng tiến sĩ, các phó giáo sư, giáo sư đương nhiên thuộc vào tầng lớp trí thức, đương nhiên thuộc vào hàng ngũ “tinh hoa” của dân tộc? 

Việt Nam đã có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa? ảnh 3

Nhìn nhận những than phiền của người dân và sự nỗ lực của ngành giáo dục

(GDVN) - Đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới tư duy, sai lầm của Giáo dục trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, kéo theo tụt hậu của cả đất nước.

Vì một lực lượng khá hùng hậu các “tinh hoa” ấy không làm công tác giảng dạy, nghiên cứu mà làm quản lý nên đất nước xuất hiện một lực lượng lao động mới tạm gọi là “Công chức-trí thức”.

Thế giới đang bỏ qua nền “kinh tế cơ bắp” lấy lao động chân tay làm động lực mà chuyển sang “kinh tế tri thức” (Knowledge Economy).

Từ cuối thế kỷ 20 kinh tế tri thức dần dần giữ vai trò quyết định trong quá trình biến đổi nền văn minh nhân loại. 

Chính vì thế tại hầu hết các quốc gia, giới lãnh đạo đã phải điều chỉnh chiến lược và đường lối phát triển dựa vào tri thức chứ không phải vào lao động giản đơn. 

Nếu xem trí thức phải là người có học hàm, học vị (như cách hiểu của không ít người) thì Việt Nam hôm nay có đội ngũ trí thức như thế nào?

Một thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ từ năm 2012 cho thấy cả nước có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. Số lượng tiến sĩ mỗi năm tăng 7%, thạc sĩ là 14%. [2] 

Cùng trong năm 2012 xuất hiện một bài báo với câu hỏi: “Hơn 9.000 giáo sư sao không có bằng sáng chế?”. [3]

Nếu tỷ lệ tăng tiến sĩ 7% theo số liệu thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ là đúng thì năm 2016 này số lượng tiến sĩ của Việt Nam phải là khoảng trên 30.000 chứ không phải 24.000 như nhiều báo đăng tải. 

Chỉ cần một đơn vị như Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam “chịu khó” một chút, mỗi năm đào tạo 350 tiến sĩ thì sau 4 năm nước Việt đã có thêm  1.400 tiến sĩ!

Bài viết trên báo điện tử Vietnamnet.vn ngày 26/4/2016: “Học viện Khoa học Xã hội phạm quy trong đào tạo tiến sĩ” khiến người ta phải nêu câu hỏi: “nhà ở xã hội” là dành cho người nghèo, người có thu nhập thấp, vậy “Tiến sĩ xã hội” dành cho đối tượng nào?

Việt Nam đã có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa? ảnh 4

Gắn mác Tiến sĩ, Thạc sĩ để lấy oai với thiên hạ

(GDVN) - Hiện nay, nhiều người có suy nghĩ lệch lạc, háo danh, “học cao để làm quan to” nên cố gắn lên mình các mác Tiến sĩ, Thạc sĩ để lấy “oai” với thiên hạ.

Mấy năm gần đây, trong khi cả nước vất vả cũng chưa đạt tỷ lệ tăng GDP hàng năm 7% thì tỷ lệ tăng tiến sĩ 7% lại chỉ là con số khiêm tốn, nó có thể nhiều hơn 7% bất kỳ lúc nào nếu các “Đề tài luận án Tiến sĩ nghe lạ tai” (vov.vn 23/4/2016) xuất hiện ngày càng nhiều ở các “lò đào tạo tiến sĩ” hay vài thành phố có chủ trương “tiến sĩ hóa” đội ngũ cán bộ của mình như Hà Nội từng đề xuất.

Trừ một số được đào tạo nghiêm túc tại nước ngoài, phần lớn “trí thức” là sản phẩm của ngành Giáo dục Việt Nam, đội ngũ ấy được hình thành từ thời tư duy duy ý chí “nắm cơm, quả cà và một tấm lòng…” còn được tán thưởng.
 
Quyết định chấn chỉnh chất lượng đào tạo tiến sĩ, tiến tới sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo tiến sĩ theo hướng nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế của Bộ GD&ĐT cho thấy mấy chục năm nay, Giáo dục Việt Nam đã “bỏ lọt tiến sĩ” như thế nào? 

Tất nhiên không thể “vơ đũa cả nắm” bởi một số tiến sĩ đào tạo trong nước chất lượng không kém so với đào tạo ở nước ngoài trong khi không ít người cầm tấm bằng tiến sĩ nước ngoài cấp nhưng lại bị cơ quan chức năng khẳng định là bằng “không đạt chuẩn”, nói theo ngôn ngữ dân gian là “bằng dởm”.

Trong khi sự “méo mó” của quá trình đào tạo tiến sĩ xuất phát từ cả hai phía: người học và cơ quan đào tạo, thì sự “nhày múa” không theo quy luật nào của tỷ lệ tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia lại phụ thuộc chủ yếu vào ý chí chủ quan của lãnh đạo và cơ quan quản lý. 

Số liệu thống kê cho thấy: năm học 2005 - 2006 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là 92%, năm 2007 - khi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động phong trào “ba không” đã giảm xuống còn 66%, sau này thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tỷ lệ này lại là trên 90%.

Không phải chất lượng giáo dục thay đổi, không phải lỗi của người tham gia thi, làm nên “vũ điệu của các con số” chính là người – cơ quan ban hành các quy định. Nói cách khác, nó bắt nguồn từ hàng ngũ “công chức-trí thức” nắm quyền chỉ đạo, nắm quyền ký ban hành chỉ thị.

Con người - như nhận định của C. Mác - vừa là tác giả, đạo diễn, vừa là diễn viên trong vở kịch xã hội mà mình dàn dựng.

Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, C. Mác nói tổng quát hơn: “Giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống trị trong xã hội”.

Câu nói ấy cũng thể hiện phép biện chứng duy vật, rằng “vật chất có trước, tinh thần có sau”.

Nếu thế thì ở Việt Nam, giai cấp nào là “lực lượng vật chất thống trị xã hội”? Câu trả lời đã được thể hiện trong Điều 2 - Hiến pháp 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức".

Việt Nam đã có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa? ảnh 5

Nhận diện “bộ phận không nhỏ” ngành Giáo dục

(GDVN) - Mang cách hành xử “tiền hậu bất nhất” để nói về một hội nghị gồm nhiều nhà khoa học nổi tiếng liệu có cho thấy cái tâm và tầm thực sự của người lãnh đạo?

Nội dung

Một liên minh Công-Nông-Trí chứ không phải một “giai cấp” riêng rẽ - theo cách nói của Mác là “lực lượng vật chất thống trị xã hội”, đây có lẽ là sự phát triển học thuyết Mác trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội Đảng 12 khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật;… Những nhận thức trên đây cần được tiếp tục cụ thể hoá, thể chế hoá phù hợp với từng giai đoạn phát triển trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.

Một khi xem “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng…” thì không thể không đề cao vai trò của các ông chủ, của doanh nhân, tiểu thương… lớp người vốn được xem thuộc giai cấp tư sản, và lẽ tự nhiên không thể không có sự liên kết, liên minh giữa họ và bộ ba Công-Nông-Trí.

Khác biệt giữa Hiến pháp và Nghị quyết Đảng cho thấy sự chưa đồng bộ ở tầm quốc gia sẽ kéo theo những rào cản cho tiến trình đổi mới mà nguyên nhân chính là tầm bao quát của đội ngũ trí thức - chuyên gia được giao trọng trách dự thảo văn bản.

Hiện trạng giáo viên phổ thông vừa thừa vừa thiếu hiện nay là một ví dụ về tầm bao quát kém của đội ngũ hoạch định chính sách ngành Giáo dục.

Nhưng đó không phải chỉ là lỗi của lãnh đạo ngành này mà còn nhiều bộ phận liên quan khác.

Trong nền kinh tế tri thức, những lao động “cổ cồn” sẽ dần chiếm vị trí áp đảo tổng lao động toàn xã hội.

Việt Nam đã có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa? ảnh 6

Sự thật bất ngờ bên trong Học viện "mỗi ngày 1 tiến sĩ"

(GDVN) - Chỉ riêng hai năm 2015-2016, trường có chỉ tiêu cho ra lò 700 tiến sĩ; thông tin bung ra, lãnh đạo nhà trường tìm mọi cách trốn tránh, loanh quanh.

Điều nguy hiểm luôn rình dập, đe dọa tiến trình đổi mới là một “bộ phận không nhỏ” đội ngũ công chức - trí thức lại không phải “cổ cồn thật” mà là “cổ cồn dởm”.

Lớp người này dẫu có bị treo cổ cũng không từ bỏ quan niệm: “Tôi sẽ chỉ phục vụ anh chừng nào tôi được lợi” (C. Mác). 

Nếu không vì được lợi, liệu người ta có bỏ ra hàng trăm triệu (như ý kiến một cựu quan chức Hà Nội) chạy chọt để trở thành công chức, viên chức?

Một số không ít người gọi là “trí thức” nhưng lao động thường xuyên của họ là hội họp, ký duyệt văn bản, hễ sai là tìm thấy ngay “lỗi đánh máy” như lãnh đạo Đại học Lâm Nghiệp trong vụ “cấm giảng viên phát ngôn liên quan đến cây xanh”.

Những người như thế làm sao họ có thể đề xuất, dù chỉ là những “sáng kiến nho nhỏ” chứ chưa cần “ý tưởng hoành tráng” liên quan đến quốc kế dân sinh?

Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết:

Nhiều tỉnh, thành phố thu ngân sách mỗi năm chưa tới 1.000 tỷ, nhưng phải chi 4.000 - 5.000 tỷ để nuôi bộ máy hành chính địa phương”.[4] 

Bộ máy hành chính địa phương ấy bao nhiêu phần trăm có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ “chưa đủ điều kiện công nhận ở Việt Nam” như ông N.N. nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh P.T, ông  N.V.N nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Y.B?

Điều “hay” nhất là ở chỗ với tấm bằng tiến sĩ đó ông N.V.N lại được điều chuyển làm Phó Bí thư Đảng uỷ một cơ quan cao hơn tỉnh!

Chừng nào đội ngũ “trí thức” nước nhà còn mải miết nâng cấp học vị hơn là nâng cấp kiến thức thì chừng đó các vị giám đốc đến từ nước ngoài vẫn còn thong dong lên lớp cho người Việt chọn con gì và trồng cây xanh đường phố như thế nào?

Chừng nào chưa rũ bỏ số lượng không hề nhỏ “tiến sĩ 6 tháng” trong bộ máy, chừng nào còn xử lý các tiến sĩ “sai chuẩn” theo kiểu điều chuyển công tác từ miền núi về …Thủ đô thì chừng đó vẫn không thể thu hút được nhân tài cho công cuộc đổi mới.

Thay vì trả lời câu hỏi “Việt Nam đã có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa?”, xin nhắc lại tít bài báo đã dẫn: “Hơn 9.000 giáo sư sao không có bằng sáng chế?”.

Tài liệu tham khảo:

 [1] http://triethoc.edu.vn/vi/truong-phai-triet-hoc/chu-nghia-marx/tai-sao-marx-dung-loi-noi-dau_436.html

[2] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/164238/24-000-tien-si-viet-nam-dang-lam-gi.html

[3] http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/78867/hon-9-000-giao-su-sao-khong-co-bang-sang-che.html

[4]http://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhieu-tinh-chi-gap-4-lan-so-thu-de-nuoi-bo-may-1006959.tpo

Xuân Dương