Ngày Quốc khánh nghĩ về bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

02/09/2017 07:37
Khánh Văn
(GDVN) - Đây là văn kiện lịch sử có giá trị rất lớn, tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta và mở ra một kỷ nguyên độc lập - tự do mới cho dân tộc.

LTS: Nhân dịp kỉ niệm 72 năm ngày Quốc khánh, tác giả Khánh Văn đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết nghĩ về bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
    

Ngày 19/8/1945 Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền đã về tay nhân dân. 

Ngày 26/8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng dời căn cứ địa cách mạng Việt Bắc trở về Hà Nội, tại căn nhà số 48 Hàng Ngang. Tại đây, Người đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. 

Ngày 2/9/1945 trước hàng vạn đồng bào, Bác đã thay mặt Chính phủ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh: quangngai.gov.vn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh: quangngai.gov.vn.

Đây là văn kiện lịch sử có giá trị rất lớn, tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta và mở ra một kỷ nguyên độc lập - tự do cho dân tộc và là kết quả của “bao nhiêu máu xương đã đổ, bao nhiêu hy vọng của nhân dân”. Đây còn là tác phẩm mẫu mực của văn chính luận.
  
Trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn thơ chiếm một vai trò rất lớn, Người làm thơ, viết văn chủ yếu là phục vụ Cách mạng.

Ta đã gặp con người chiến sĩ - thi sĩ ấy trong những tháng năm bôn ba ở nước ngoài hay những khi trong nhà tù ngục của Tưởng Giới Thạch, ở chiến khu Việt Bắc hay trong lòng thủ đô Hà Nội với một giọng thơ trữ tình và giàu cảm hứng lãng mạn. 

Nhưng bên cạnh những vần thơ như thế ta còn gặp trong sáng tác của Người những truyện ngắn, ký và đặc biệt tác phẩm Tuyên ngôn độc lập - một áng văn chính luận thể hiện sự sắc sảo, trí tuệ đầy uyên bác của Người.

Tuyên ngôn độc lập đã không chỉ là một văn kiện lịch sử, mà nó còn là một áng văn chính luận mẫu mực, tiêu biểu cho phong cách Hồ Chí Minh.
  
Sức thuyết phục của văn chính luận chủ yếu là cách lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép và những dẫn chứng, bằng chứng không thể nào chối cãi được.

Tuyên ngôn độc lập là một văn bản đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu đó. 

Ngày Quốc khánh nghĩ về bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 2

Những bản Tuyên ngôn độc lập trong lịch sử dân tộc

Nhưng khác với một số bài xã luận, đây là một tác phẩm có mục đích rõ rệt:

Tuyên bố trước đồng bào và những người ưa chuộng hòa bình trên thế giới về quyền độc lập - tự do của dân tộc;

Đồng thời bác bỏ những luận điệu có tính xuyên tạc của thực dân Pháp và các thế lực bè lũ tay sai. 

Toàn bộ Tuyên ngôn độc lập chính là lời tuyên bố hùng hồn của Hồ Chí Minh “Nước Việt nam có quyền hưởng độc lập, tự do và thực sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ quyết tâm giữ vững quyền độc lập, tự do ấy”

Trước tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh có thể xem Nam quốc sơn hà; Bình Ngô đại cáo là hai bản Tuyên ngôn đặt tiền đề cho tuyên ngôn độc lập của Hồ chí Minh. 

Lý Thường Kiệt trên bến sông Như Nguyệt đã khẳng định chủ quyền của nước nhà:

“Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
 Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thử bại hư”.
 
Đây là quan niệm mang màu sắc phong kiến. Đến Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi có thể xem như một bước tiến mới:

“Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục bắc, nam cũng khác”.
  
Tiếng vọng ngàn đời của dân tộc ta bây giờ lại được vang lên trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.

Ngày Quốc khánh nghĩ về bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 3

Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!

Chỉ có điều khác với hai văn bản trên, đây là một văn bản chính luận bằng văn xuôi cho nên yếu tố chính lập luận được đặt lên hàng đầu. 

Để tạo sức thuyết phục Bác đã mở đầu tác phẩm bằng lời của hai Bản Tuyên ngôn: Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn ngôn độc lập nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1779. 

Cả hai bản Tuyên ngôn độc lập này đều đề cập đến quyền độc lập, tự do của con người. Suy rộng ra là quyền độc lập tự do của một dân tộc.

Nhắm rất rõ đến đối tượng là nhân dân ưa chuộng hòa bình thế giới nên Người đã đã trích dẫn hai bản Tuyên ngôn độc lập này. 

Cách trích dẫn vừa trang trọng vừa tạo sức thuyết phục, trên cơ sở ấy Người đi đến sự khẳng định: “Thế mà hơn 80 năm nay….” .

Cách dẫn chứng này còn nhằm mục đích khóa miệng kẻ thù; gậy ông đập lưng ông. Chính các ông nói như vậy nhưng đã làm khác, đã chà đạp lên nhân phẩm và quyền độc lập tự do của dân tộc khác.
  
Để tạo sức thuyết phục, cơ sở thuyết pháp cũng chưa đủ, sức thuyết phục chỉ có thể đạt được khi kết hợp với cơ sở thực tiễn.

Vì vậy, các dẫn chứng nêu ra ở phần hai khá cụ thể và sinh động: “về chính trị; về kinh tế…” các kết cấu được lặp lại nhiều lần tạo nên sự chú ý cho người đọc “chúng thi hành các chính sách dã man….chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học…”.

Ngày Quốc khánh nghĩ về bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 4

Độc lập, tự do - khát vọng ngàn đời của người dân đất Việt

Thực dân Pháp vào nước ta lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng và bác ái. Chúng dùng chiêu bài khai hóa. Tuyên ngôn độc lập đã lật tẩy toàn bộ bản chất của chúng.

Đối lập với lời lẽ tuyên ngôn đã nêu ra trước đây. Giữa phần thứ nhất và thứ hai của bản tuyên ngôn có sự đối lập với nhau thông qua hai chữ “thế mà”.
  
Sau khi đưa ra những cơ sở về tội ác của Thực dân Pháp, bản Tuyên ngôn lại tiếp tục đưa ra cơ sở thực tiễn về đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta: “sự thật là mùa thu năm 1940 nước ta đã trở thành thuộc địa của Nhật…”. 

Như vậy, cuộc đấu tranh của chúng ta chống lại Thực dân Pháp là cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm chống lại các thế lực phi nghĩa. 

Dân tộc Việt Nam giành được độc lập là từ tay của phát xít Nhật, mà chính người Pháp vẫn xưng là “mẫu quốc” đã không “bảo vệ” được dân tộc ta khi để phát xít Nhật đảo chính để giành  nước ta từ tay Pháp.
  
Khát vọng ngàn đời của dân tộc ta ngày nay đã trở thành sự thực. Bản Tuyên ngôn ra đời đã gần hai phần ba thế kỷ nhưng mỗi lần đọc lại văn bản  này, người đọc như sống lại với khí thế hào hùng trước một sự kiện trọng đại của đất nước những năm nửa đầu thế kỷ XX  “Pháp chạy, Nhật hàng, Bảo Đại xin thoái vị…”. 

Sự kiện Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh mồng 2/9/1945 đã mở ra cho dân tộc ta một kỷ nguyên mới - một kỷ nguyên độc lập, tự do và tạo tiền đề cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau này.
                                                                              

Khánh Văn