Ai đảm bảo tương lai sinh viên sư phạm sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn?

24/03/2019 08:41
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Nếu chỉ dừng lại ở khâu dự đoán: “Trong tương lai sinh viên ngành sư phạm có việc làm sau khi ra trường sẽ cao hơn” e là sẽ mông lung vô cùng.

Sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp là một câu chuyện rất cũ từ hơn 10 năm nay và tương lai cũng chưa thể đoán định được điều gì.

Mỗi năm qua đi, là thêm một lớp sinh viên ra trường rồi một phần lớn các em phải ngậm ngùi đi tìm một việc trái nghề để nuôi sống bản thân. Giấc mơ được đứng trên bục giảng nhiều khi không bao giờ thực hiện được đối với một số sinh viên sư phạm.

Nhiều năm sau, những khát vọng không còn, dù cơ hội có đến cũng chẳng mấy ai còn đủ nhiệt huyết để được làm thầy. Bởi, kiến thức đã mai một hoặc công việc của họ cũng đã yên ổn.

Sự lãng phí cứ thế nhân lên, những học sinh giỏi không mấy em thiết tha với nghề sư phạm. Dù có lý tưởng như thế nào đi chăng nữa thì ngành sư phạm bây giờ cũng không hề có sức hút với thí sinh.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ tại buổi tư vấn tuyển sinh (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ tại buổi tư vấn tuyển sinh (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Bản thân chúng tôi luôn mong muốn các trường sư phạm thu hút được các em học sinh giỏi thi vào nhằm bổ sung cho đội ngũ nhà giáo nhưng thực tế điều này rất khó xảy ra.

Thực tế vẫn có nhiều em, nhất là những em học sinh vùng quê yêu thích nghề giáo nhưng cái khó chính là ra trường không xin được việc làm.

Những thế hệ anh chị đi trước không xin được việc đúng chuyên ngành, phải làm trái ngành, thậm chí có nhiều người đi làm công nhân đã làm “tấm gương” để các em soi rõ nhất.

Những năm đầu mới vào nghề, mỗi khi học sinh hỏi về  nghề nghiệp cho tương lai, nhất là những em đã tham gia ôn thi học sinh giỏi thì chúng tôi cũng đã từng định hướng cho nhiều em thi sư phạm bởi thấy các em học giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt.

Nhưng, khi các em học xong thì đa phần không có việc làm.

Vì thế, sau này thỉnh thoảng vào các cửa hàng điện máy, các siêu thị hay đi uống cà phê thấy học trò cũ của mình đang bán hàng ở đó tự nhiên thấy có lỗi với các em bởi bản thân mình đã từng tư vấn cho các em vào sư phạm.

Vậy nên, về sau thì chúng tôi chẳng bao giờ dám động viên hay tư vấn các em học trò đi thi vào sư phạm nữa.

Ngày 17/3 vừa qua, trong ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2019 tại trường Đại học Bách khoa thì bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã thông tin về khối ngành sư phạm như sau: 

Ai đảm bảo tương lai sinh viên sư phạm sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn? ảnh 2Trong tương lai sinh viên sư phạm sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn

Riêng ngành sư phạm, từ năm 2018 đến các năm tiếp theo, việc giao chỉ tiêu còn dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương.

Như vậy trong tương lai, tỉ lệ sinh viên ngành sư phạm có việc làm sau khi ra trường sẽ cao hơn tỉ lệ được các trường đang thống kê hiện nay (81%)”.

“Trong tương lai” có thể không biết cụ thể là thời điểm nào thì “sinh viên ngành sư phạm có việc làm sau khi ra trường sẽ cao hơn” bởi đây là điều rất khó đoán định trước được.

Bởi, bà Phụng cũng đã thông tin tình trạng sinh viên sư phạm không có việc làm hiện nay là 19 % - đây là con số tương đối cao so với các ngành nghề khác.

Và, theo số liệu mà lãnh đạo Bộ Giáo dục cung cấp vào năm 2018 thì nước ta đang có  40 000 sinh viên sư phạm chưa có việc làm.

Nếu cứ tính con số tuyển hàng năm như năm 2018 là thấp nhất so với các năm trước thì các trường sư phạm cũng đã tuyển 36 000 thí sinh.

Con số này nếu không xin được việc làm như hiện nay thì mỗi năm 19% ấy cũng tương đương gần 7000 sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm. Rồi, năm này, năm khác cộng lại...

Đó là chưa kể tình trạng dư thừa giáo viên hiện nay cũng đang rất nhiều, nhất là ở bậc Trung học cơ sở.

Ai đảm bảo tương lai sinh viên sư phạm sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn? ảnh 3Học giỏi thì tội gì đi sư phạm hả cô?

Khi chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng thì cấp học này chắc chắn sẽ còn dư thừa nhiều hơn khi một số môn độc lập gộp thành các môn học tích hợp.

Vì thế, muốn thu hút được học sinh giỏi vào sư phạm như 20 năm trước đây, khi mà các trường đại học sư phạm ở phía Bắc luôn tuyển ở mức trên 20 điểm.

Những trường như Đại học Sư phạm I, Đại học Sư phạm Vinh có ngành tuyển trên 25 điểm mới vào được thì chắc chắn chúng ta phải giải quyết được bài toán đầu ra.

Chỉ khi sinh viên ra trường không phải dạy hợp đồng không lương, hợp đồng vài chục nghìn/ 1 tiết hoặc nếu xin được vào hợp đồng không thời hạn phải mất hàng trăm triệu thì lúc đó học sinh giỏi mới thiết tha với ngành sư phạm.

Còn nếu chỉ dừng lại ở khâu dự đoán: “trong tương lai sinh viên ngành sư phạm có việc làm sau khi ra trường sẽ cao hơn” e là sẽ mông lung vô cùng.

Ngày trước, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã từng phát phiểu trước Quốc hội là “năm 2010 thì giáo viên sẽ sống được bằng lương” nhưng gần 10 năm đã trôi qua mà đời sống của phần lớn giáo viên vẫn vô cùng vất vả.

Vì thế, lời phát biểu cũng chỉ dừng lại ở thời điểm nào đó thôi. Thực tế vẫn cứ mãi là thực tế…!

Tài liệu tham khảo:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Trong-tuong-lai-sinh-vien-su-pham-se-co-nhieu-co-hoi-viec-lam-hon-post196605.gd

NGUYỄN CAO