Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 có trên 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp

20/06/2023 06:36
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bắc Giang phấn đấu đến 2030 có trên 50% HS tốt nghiệp trung học tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.

Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 89-KH/TU quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguồn ảnh minh họa: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang

Nguồn ảnh minh họa: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang

Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là nhằm tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang; tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phù hợp với các định hướng có liên quan và điều kiện thực tế của tỉnh.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh Bắc Giang có trên 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (đối với các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%) tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (đối với các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%) tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ hoặc công nhận kết quả đào tạo đạt 35%; trong đó đào tạo lại, đào tạo thường xuyên trên 40% lực lượng lao động.

Đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trong đó có tối thiểu 2 trường cao đẳng là trường chất lượng cao, có năng lực đào tạo các ngành nghề được các nước trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận (Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp). Các trường có ngành nghề được đầu tư trọng điểm, đảm bảo đầu ra đào tạo theo chuẩn quốc gia và khu vực.

Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang có trên 50% học sinh tốt nghiệp trung học tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ hoặc công nhận kết quả đào tạo đạt trên 40%; trong đó đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng trên 50% lực lượng lao động. Có ít nhất 1 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực thực hiện chức năng trung tâm vùng.

Đến năm 2045, toàn tỉnh có trên 55% học sinh tốt nghiệp trung học tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ hoặc công nhận kết quả đào tạo đạt trên 50%.

Cũng đến năm 2045, phấn đấu có ít nhất 1 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực thực hiện chức năng trung tâm quốc gia; có ngành, nghề trọng điểm có năng lực cạnh tranh trong khu vực ASEAN và thế giới; chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới.

Để đạt được kế hoạch trên, tỉnh Bắc Giang xây dựng 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Bao gồm:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giáo dục nghề nghiệp.

Hai là, rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác giáo dục nghề nghiệp.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp.

Bốn là, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đánh giá theo chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

Năm là, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và giải quyết việc làm.

Sáu là, ưu tiên ngân sách nhà nước và thúc đẩy xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp.

Bảy là, hội nhập quốc gia và quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp…

Ngọc Mai