Băn khoăn về vị trí việc làm của trưởng, phó bộ môn khi xây dựng bảng lương mới

06/06/2024 09:39
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Vị trí trưởng, phó bộ môn cũng có vai trò rất quan trọng nhưng lại không có trong hướng dẫn tại Thông tư 04 nên các trường chưa biết xây dựng mức lương thế nào.

Ngày 5/6/2024, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Xây dựng Đề án vị trí việc làm và xây dựng bảng lương mới từ 01/7/2024 tại các cơ sở giáo dục đại học”.

Nhiều vị trí việc làm chưa có trong hướng dẫn tại Thông tư 04

Tại tọa đàm, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng Đề án vị trí việc làm và xây dựng bảng lương mới từ 01/7/2024. Bởi hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng bảng lương mới nên các đơn vị rơi vào tình trạng lúng túng.

Đáng chú ý, nhiều vị trí đang làm việc trong cơ sở giáo dục đại học chưa có trong hướng dẫn tại Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục trong cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm công lập như: phó chủ tịch hội đồng trường, thư ký hội đồng trường, trưởng bộ môn, phó trưởng bộ môn, bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch hội sinh viên…

Một số cơ sở giáo dục đại học còn có một số vị trí việc làm do đặc thù nghề nghiệp phát sinh ngoài danh mục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ví dụ như vị trí tổng biên tập, phó tổng biên tập, biên tập viên thuộc nhà xuất bản hoặc tạp chí khoa học - công nghệ thuộc trường đại học, học viện.

toa-dam-1.jpg
Tọa đàm trực tuyến "Xây dựng Đề án vị trí việc làm và xây dựng bảng lương mới từ 01/7/2024 tại các cơ sở giáo dục đại học” do Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giáo dục cũng băn khoăn về việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và xây dựng bảng lương mới cho một số vị trí khác trong trường như: bảo vệ, tạp vụ, nhân viên vệ sinh… Vì theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP quy định về hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã chuyển các vị trí này sang hoạt động dịch vụ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Các vị trí phó chủ tịch hội đồng trường, thư ký hội đồng trường là những vị trí rất quan trọng trong cơ sở giáo dục đại học. Trường Đại học Kinh tế quốc dân hiện là đơn vị đã tự chủ hoàn toàn, có thể tự quyết định về tổ chức bộ máy nên nhà trường đã xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm cho hai vị trí này.

Cũng theo thầy Thọ, hiện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn hai viện (Viện Ngân hàng - Tài chính và Viện Kế toán - Kiểm toán) là còn vị trí trưởng bộ môn, phó trưởng bộ môn. Còn với các đơn vị khác khi đã thành lập trường trực thuộc đã không còn hai vị trí này. Việc xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm đối với các vị trí chưa có trong hướng dẫn tại Thông tư 04 theo thầy Thọ còn cần căn cứ vào tình hình thực tế của các đơn vị. Đồng thời, trong hướng dẫn của Thông tư 04 có nêu về các vị trí tương đương nên các đơn vị có thể áp dụng tùy theo nhu cầu sử dụng của đơn vị mình.

Trong khi đó, Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: “Đối với vị trí bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch hội sinh viên về vị trí việc làm sẽ thực hiện theo quy định của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, với bí thư đoàn trường sẽ do nhà trường xây dựng vị trí việc làm.

Vị trí trưởng bộ môn, phó trưởng bộ môn nhà trường đưa vào vị trí làm công tác lãnh đạo chuyên môn. Hai vị trí này thực chất là do lịch sử để lại khi xây dựng bộ môn từ trước nhưng theo Luật Giáo dục đại học hiện tại thì không còn vị trí trưởng bộ môn, phó trưởng bộ môn. Chính vì thế, nếu hai vị trí này xây dựng Đề án vị trí việc làm là viên chức quản lý là không phù hợp. Bởi vị trí quản lý cần được quy hoạch, bổ nhiệm. Trong khi đó, việc quy hoạch lãnh đạo cho vị trí trưởng, phó bộ môn hiện nay cực kỳ khó khăn. Chính vì thế, nhà trường xếp hai vị trí này vào vị trí lãnh đạo chuyên môn do hiệu trưởng giao nhiệm vụ chứ không được bổ nhiệm.

Cũng theo thầy Quán, vị trí trưởng bộ môn, phó trưởng bộ môn nếu xây dựng bảng lương ở vị trí quản lý sẽ không hợp lý vì sẽ có sự chồng chéo với vị trí trưởng khoa. Thực tế, vị trí trưởng bộ môn, phó trưởng bộ môn có nhiệm vụ trợ lý, hỗ trợ trưởng khoa quản lý các công việc trong khoa. Do đó không nên xếp hai vị trí này vào vị trí quản lý mà chỉ là vị trí lãnh đạo chuyên môn. Ngoài ra, nhà trường còn có thêm vị trí giám đốc chương trình đào tạo.

Trưởng, phó bộ môn tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên sẽ không có phụ cấp ở vị trí quản lý nhưng vẫn có phụ cấp ở vị trí lãnh đạo chuyên môn.

"Đối với vị trí phó chủ tịch hội đồng trường, thư ký hội đồng trường mặc dù Thông tư 04 không hướng dẫn nhưng theo quan điểm của tôi thì hai vị trí này vẫn nên có vì đây là các vị trí quan trọng trong hội đồng trường", thầy Quán nhận định.

IMG_7366.JPG
Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, đại diện Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho rằng, trong các trường đại học, trưởng bộ môn, phó trưởng bộ môn là vị trí rất quan trọng trong hoạt động đào tạo. Chính vì thế, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Nghị định 99 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nên bổ sung thêm các vị trí này.

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Nếu xem các vị trí trưởng, phó bộ môn ở vị trí quản lý thì còn liên quan đến công tác bổ nhiệm đối với các vị trí này. Hiện nay không có quy định cho vị trí trưởng, phó bộ môn là vị trí quản lý mà chỉ là vị trí lãnh đạo chuyên môn. Còn việc nhà trường tạo điều kiện, hỗ trợ cho các thầy cô giữ nguyên vai trò của mình, trân trọng sự đóng góp của các thầy cô như thế nào sẽ phụ thuộc vào cơ chế chi tiêu nội bộ của từng trường để xác định mức lương của vị trí đó trong tổ chức của mình. Ví dụ nếu không có phụ cấp một cách chính thức thì có thể có thêm trợ cấp về trách nhiệm cho các thầy cô. Hiện nay nhiều trường cũng không còn vị trí trưởng bộ môn, phó trưởng bộ môn, thay vào đó là giám đốc các chương trình đào tạo".

Những khó khăn của các cơ sở giáo dục khi xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm

Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm, hiện nhà trường xây dựng đề án vị trí việc làm căn cứ trên 4 vị trí bao gồm: Vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành; Vị trí việc làm gắn với công việc hoạt động nghề nghiệp; Vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ chuyên môn; Vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ phục vụ.

Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn khi triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm. Theo đó, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn một số vị trí thiếu trong cơ cấu, chủ yếu là đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ cao.

Nguyên nhân là do đội ngũ giảng viên các khoa phụ thuộc vào số lượng sinh viên được tuyển sinh. Trong khi đó, một số ngành khoa học cơ bản hiện nay rất khó tuyển, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến các khoa này. Đồng thời, thu nhập cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên còn thấp nên khó tuyển dụng được giảng viên có trình độ tiến sĩ. Ngoài ra, để vào vị trí việc làm là giảng viên phải có trình độ thạc sĩ, nên nhà trường chưa tuyển dụng được đủ viên chức theo số lượng phê duyệt.

Trong khi đó, lãnh đạo các cơ sở giáo dục khác cũng nêu ra những khó khăn khi triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm tại đơn vị. Cụ thể, hiện nay, các vị trí việc làm lãnh đạo quản lý tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục vẫn thực hiện nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp (hiệu trưởng, trưởng khoa, trưởng bộ môn vẫn tham gia giảng dạy của giảng viên; trưởng phòng, phó trưởng phòng vẫn làm nghiệp vụ chuyên môn của chuyên viên). Do đó cần xây dựng cơ chế như thế nào để công chức, viên chức khi được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý được lựa chọn mức lương cao hơn trong 2 mức lương (lương vị trí lãnh đạo quản lý; lương chức danh nghề nghiệp trước khi được bổ nhiệm) để hưởng lương, đóng bảo hiểm xã hội và tham gia thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cũng là một vấn đề nan giải.

Đồng thời, một số cơ sở giáo dục đại học cũng băn khoăn các giảng viên có được làm việc ở những phòng chức năng trong cơ sở đào tạo hay không? Nếu có thì được hưởng lương giảng viên hay chuyên viên và có phải dạy theo định mức giờ chuẩn của giảng viên hay không? Lương mới có phụ cấp thâm niên nhà giáo hoặc thâm niên quản lý không?

ĐH ĐÀ NẴNG (2).jpg
Nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn khi triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm và xây dựng bảng lương mới. (Ảnh: Đại học Đà Nẵng cung cấp)

Bên cạnh đó, kể từ thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27, đơn vị nhóm 1 và đơn vị nhóm 2 được quy định:

Đơn vị không trích lập quỹ bổ sung thu nhập, không thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm từ quỹ bổ sung thu nhập;

Đơn vị trích lập quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi trên cơ sở quỹ tiền lương thực hiện được xác định theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Như vậy, khi thực hiện chế độ lương mới, các đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và nhóm 2 hoạt động có hiệu quả không có quy định của pháp luật để tạo nguồn chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức, người lao động ngoài lương, phụ cấp theo vị trí việc làm và tiền thưởng theo quy định. Do đó, hệ thống các văn bản về công tác đánh giá hiệu quả công việc đối với đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động theo chỉ số KPI để chi thu nhập tăng thêm ngoài lương và phụ cấp theo quy định của các cơ sở giáo dục đại học sẽ không thể thực hiện được.

Ngoài ra, theo nhiều thầy cô, hiện chưa có thông tư hướng dẫn về định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực để có căn cứ xây dựng số lượng người làm việc hàng năm cho các cơ sở giáo dục đại học. Do đó hàng năm các cơ sở giáo dục phải xây dựng và ban hành tạm thời số lượng người làm việc để có căn cứ tuyển dụng theo nhu cầu.

Nhật Lệ