LTS: Căn bệnh "diễn" trong giáo dục không chỉ xảy ra ở những buổi dự giờ mà ngay cả trong việc thực hiện kiểm tra, mọi thứ cũng đều là diễn.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Những ngày này, đại đa số các trường đã kiểm tra học kì một xong. Việc điểm số của học sinh không còn quan trọng với giáo viên, vì tất cả đều là … diễn.
Đề kiểm tra ư? Cũng chỉ là diễn mà thôi.
Việc ra đề đã được quán triệt, đề kiểm tra học kì sẽ được công khai, nó phản ánh học lực của trường mình.
Vì vậy độ khó của đề phải tương đồng với các trường khác, nếu không, nhìn vào, người ta bảo chất lượng mình thấp.
Điểm ư? Không phải lo chuyện đó, kiểm tra cái gì, đề cương cái đó. Những đứa không chịu học, đã có quyền trợ giúp, nhìn xa, trông thấy hết.
Thế nhưng, cũng không thể chủ quan, bàn phím vẫn quan trọng nhất, đảm bảo tỷ lệ đầu năm là nhờ nó.
Ngay quả kết quả kiểm tra học kỳ cũng được áp dụng nghệ thuật "diễn". Ảnh minh hoạ: TTXVN |
Cứ vậy hết, làm sao mà học kì hai, chúng nó học thêm?
Vô tư đi, phụ huynh họ tự hiểu, nhờ tỷ lệ tham gia học thêm chính khóa cao, chất lượng mới đạt như thế. Nếu không thì, nhìn vào điểm báo trên VNEDU, họ hiểu hết.
Hôm trước VNEDU báo điểm khác, nay kết quả lại khác, tăng lên, liệu có làm sao không?
Ơ hay, kiểm tra đánh giá đã thay đổi, đâu phải kiểm tra một lần rồi kết quả đó không thay đổi được, vậy mới nhân văn chứ.
Hôm trước thấp, nay nó tiến bộ, mình sửa cao hơn, mới gọi là thầy nó chứ.
Mà này, sang học kì hai này, có kiểm định chất lượng trường chuẩn giai đoạn hai. Đạt chuẩn đã khó, giữ và vượt chuẩn càng cần “cố gắng” của mọi người.
Kết quả học tập không còn phụ thuộc vào chữ học của trò, phụ thuộc vào chữ “nhân văn” của thầy.
Vậy đó, vụ mới đang diễn ra, hay diễn kết quả học tập.
Còn đăng kí chất lượng đầu năm, còn tỷ lệ học bạ trong điểm xét tốt nghiệp Trung học phổ thông, nạn cày cấy trên bàn phím còn phát triển.
Bệnh diễn này bắt đầu từ… lớp mẫu giáo, cháu không thích cũng phải nói với người khác thích, không còn là mình khi đi học.
Tất cả đều được gò bó, đúc vào một khuôn “vâng lời, ngoan ngoãn”, thầy cô giáo luôn đúng!
Để cho guồng máy chạy trơn tru, không gì hơn là tưới “diễn” vào. Bệnh này Bộ trưởng đã biết và không chấp nhận.
Chữa nó được không? Được, nếu ta bắt đầu dạy thật, học thật, thi thật, tổng kết đánh giá thật.
Đơn giản nhất, bỏ hết chỉ tiêu đăng kí đầu năm, trả mọi chuyện về với tự nhiên, học trò đến trường được giáo viên phát hiện, bồi dưỡng theo năng lực cá nhân, không có “đồng phục” trong giáo dục.
Biết bao giờ chúng ta mới giáo dục đào tạo những con người tự do, có khả năng tự bảo vệ chống mọi sự gò ép khiên cưỡng.
Bàn phím mà biết nói, khi viết báo cáo cuối kì, nó cứ kêu: diễn, diễn, diễn...