Bằng đại học không còn ghi loại hình đào tạo, liệu chất lượng có ngang nhau?

09/02/2020 06:24
THANH AN
(GDVN) - Các trường đại học, học viện cũng cần nâng cao chất lượng, quản lý tốt tình trạng học thay, thi thay và siết chặt đầu ra đối với các học viên của mình.

Bắt đầu từ ngày 1/3/2020 tới đây, các trường đại học sẽ thực hiện mẫu bằng đại học mới, bỏ ghi hình thức đào tạo chính quy và không chính quy. Mặc dù việc thay đổi này cũng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều người bởi văn bằng cũng chỉ là mảnh giấy, chất lượng đào tạo và học tập mới là quan trọng.

Thế nhưng, với tình hình đào tạo và học tập của một số trường, một số sinh viên hệ không chính quy như lâu nay khiến nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng cho những năm tới đây. Liệu rồi, có tình trạng những người cơ hội lọt vào các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp hay không?

Từ ngày 1/3/2020, bằng đại học chính quy và không chính quy sẽ có giá trị như nhau. (Ảnh minh họa: Công Tiến)

Từ ngày 1/3/2020, bằng đại học chính quy và không chính quy sẽ có giá trị như nhau.

(Ảnh minh họa: Công Tiến)

Các văn bằng đại học tới đây sẽ ghi như thế nào?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 27/2019/TT-BGDĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học gồm 10 nội chính chính, đó là:

1 - CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

2 - Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, văn bằng trình độ tương đương)

3 - Ngành đào tạo

4 - Tên cơ sở cấp văn bằng;

5 - Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng

6 - Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng

7 - Hạng tốt nghiệp (nếu có)

8 - Địa danh, ngày tháng cấp năm bằng

9 - Chức danh, chữ ký, họ, tên đệm của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định

10 - Số hiệu, sổ vào sổ cấp văn bằng

Bằng đại học không còn ghi loại hình đào tạo, liệu chất lượng có ngang nhau? ảnh 2Chính thức bỏ ghi hình thức đào tạo ở bằng đại học

Đáng chú ý là nội dung chính ghi trên phụ lục văn bằng có ghi: “Thông tin về văn bằng: tên cơ sở giáo dục đại học cấp bằng, chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, hình thức đào tạo;

Thông tin về nội dung, kết quả học tập (nếu có); tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học; điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy, điểm trung bình, tên và kết quả luận văn, luận án, điểm xếp hạng tốt nghiệp…”.

Bỏ ghi loại hình đào tạo, lo đầu vào ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp?

Phải nói thẳng là các đơn vị tư nhân, các doanh nghiệp nước ngoài thì nhà tuyển dụng từ lâu đã không chú trọng vào tấm bằng và loại hình đào tạo bởi họ xem trọng khả năng, năng lực của người lao động mà họ sẽ tuyển.

Một khi nhà tuyển dụng không xem trọng bằng cấp mà xem trọng năng lực lao động thì bằng cấp cũng chỉ là một tờ giấy thông hành bước đầu cho các vị trí tuyển dụng mà thôi.

Thế nhưng, đối với một số doanh nghiệp, cơ quan, ban ngành nhà nước, các đơn vị sự nghiệp của chúng ta lâu nay vẫn có thói quen xem bằng cấp là thước đo đầu tiên.

Nhiều vị trí tuyển, thậm chí là tuyển giáo viên ở một số môn học hiện nay chưa thực hiện thi tuyển mà chỉ xét tuyển nên nhà tuyển dụng và người được tuyển dụng nhiều khi không biết mặt nhau.

Bởi vì, khi tuyển dụng thì cơ quan tuyển dụng thông báo qua website, người lao động cảm thấy mình phù hợp thì nộp hồ sơ và cơ quan tuyển dụng chỉ xem hồ sơ rồi ra quyết định trúng tuyển.

Trong khi đó, tại điều 72 của Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 tới đây thì đã quy định: “Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Như vậy, nếu một người học tại chức, từ xa một số chuyên ngành vẫn có thể làm giáo viên…bình thường. Đây chính là kẽ hở để một số người sẽ lọt vào các đơn vị giáo dục!

Bằng cấp không qúa lo, chỉ lo cách đào tạo của các trường đại học đối với hệ không chính quy

Bằng đại học không còn ghi loại hình đào tạo, liệu chất lượng có ngang nhau? ảnh 3Bằng tại chức giá trị như bằng chính quy, ai được lợi nhất?

Nếu như trước đây, vì điều kiện đất nước có chiến tranh hay điều kiện kinh tế của nhiều gia đình gặp khó khăn, dẫn đến chuyện bỏ lỡ cơ hội học tập liền mạch của nhiều người nên sau này họ mới phải học liên thông hoặc học các hệ đào tạo không chính quy.

Nhưng bây giờ, với cách tuyển sinh và tình hình điều kiện kinh tế của người dân hiện nay thì việc mà những thí sinh không trúng vào hệ chính quy thường là những học sinh có học lực không tốt.

Trong số những học viên học hệ không chính quy có rất nhiều người cơ hội, họ học nhằm tiến thân mà cách đây mấy tháng, chúng ta chưa quên quy trình đào tạo thần tốc của Trường đại học Đông Đô…

Chính vì thế, khi ngành Giáo dục bỏ ghi hình thức đào tạo trên văn bằng thì việc quan trọng nhất là quản lý đầu vào, đầu ra ở các trường đại học, học viện đối với hệ không chính quy. Các trường đại học, học viện cũng cần nâng cao chất lượng, quản lý tốt tình trạng học thay, thi thay và siết chặt đầu ra đối với các học viên của mình.

Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng có những cử nhân rởm, thạc sĩ rởm, thậm chí cả tiến sĩ rởm trong tương lai.

THANH AN