Kỳ tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông công lập tại Hà Nội năm học 2020-2021 đang đến gần nhưng chưa biết môn thi thứ 4 khiến các em học sinh lớp 9 rất lo lắng, nhiều em tự ôn tập môn Lịch sử như kỳ thi năm ngoái nhưng khá lúng túng.
Trước vấn đề này, cô giáo Trần Thị Mai Dung - Giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, Thị xã Phú Thọ, Tỉnh Phú Thọ, chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam một số lưu ý đối với môn Lịch sử: “ Nhiều năm qua tôi trực tiếp bồi dưỡng học sinh đi thi học sinh giỏi các cấp và thi vào lớp 10 trường chuyên.
Từ những kinh nghiệm thực tế, tôi muốn trao đổi một số kỹ năng ôn tập và làm bài hiệu quả, học để hiểu chứ không phải học thuộc lòng, có như vậy mới giúp các em học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi này.
Cô giáo Trần Thị Mai Dung: "Tất cả lượng kiến thức thầy cô dạy trên lớp thì các em sẽ vẽ, tự thiết kế thành những sơ đồ tư duy khác nhau, hay còn gọi là cây kiến thức". Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Có 2 phương pháp học hiểu rất hiệu quả, đó là sử dụng sơ đồ tư duy trong Lịch sử để hệ thống kiến thức.
Với những kiến thức đã học, các em sẽ chia ra thành từng giai đoạn, các chuyên đề rồi vẽ sơ đồ tư duy thành các giai đoạn, các chuyên đề khác nhau.
Tất cả lượng kiến thức thầy cô dạy trên lớp thì các em sẽ vẽ, tự thiết kế thành những sơ đồ tư duy khác nhau, hay còn gọi là cây kiến thức.
Đó là những kiến thức cơ bản, khi nhìn vào đó các em có thể triển khai, bổ sung thêm những kiến thức mà mình đã được học, làm cho cây kiến thức đó đầy lên.
Khi sử dụng sơ đồ tư duy này thì học sinh rất dễ nhớ, nhớ lâu và không bị bỏ sót kiến thức.
Phương pháp thứ 2 là có thể xem lại các video, bài giảng của các thầy cô giáo ở trên mạng, xem lại các phim tư liệu về Lịch sử.
Xem lại các lược đồ, các diễn biến ở các chiến thắng lớn trong Lịch sử. Phương pháp này tái hiện lại giúp cho các em nhớ sự kiện lâu hơn, thay vì đọc toàn những chữ khó nhớ.
Ví dụ kỳ thi năm 2019 của Thành phố Hà Nội, môn Lịch sử có 40 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài là 60 phút đồng hồ, trong đó có 13 câu Lịch sử thế giới, 27 câu Lịch sử Việt Nam.
Nếu như nắm được cấu trúc đề, chia ra thì mỗi câu chỉ có 1,5 phút để làm bài, vậy nên các em không sa đà quá vào một câu, sẽ không đủ thời gian để làm hết các câu hỏi.
Một kỹ năng nữa khi luyện đề giúp các em nhận dạng được câu hỏi, thông qua từ khóa hoặc các động từ lệnh của câu hỏi, xem đề bài hỏi cái gì.
Đối với môn Lịch sử sẽ có 4 dạng mức độ câu hỏi, mức thấp nhất ở dạng nhận biết, nhìn vào các em sẽ nhận biết được ngay câu hỏi này ở mức nhớ được kiến thức, ở mức độ thông hiểu, hay mức độ vận dụng, hoặc mức độ vận dụng cao.
Thời gian làm bài thi trắc nghiệm trôi rất nhanh không giống như làm tự luận, khi đã xác định được dạng câu hỏi thì các em sẽ biết được câu nào là khó hoặc dễ. Câu dễ ở mức độ nhận biết thì nên làm trước, câu khó ở mức độ vận dụng thì có thể làm sau.
Việc quan trọng nhất trong khi luyện là thông qua các đề đã làm sẽ biết được kiến thức của mình đến đâu, nếu đã nắm chắc kiến thức thì với đề thi 40 câu sẽ làm tốt.
Nếu các em chỉ làm được 50% câu hỏi thì có nghĩa phần kiến thức chưa đủ, sẽ nhận ra mình còn thiếu ở chỗ nào để có phương án ôn bổ sung.
Sau khi luyện được nhiều đề rồi thì cũng đồng nghĩa với việc các em được ôn đi ôn lại rất nhiều lần, mỗi lần làm bài là một lần được ôn lại kiến thức, từ đó sẽ nhớ phần kiến thức rất lâu”.
Đó là những kiến thức cơ bản, khi nhìn vào đó các em có thể triển khai, bổ sung thêm những kiến thức mà mình đã được học, làm cho cây kiến thức đó đầy lên. Ảnh minh họa: Nhân vật cung cấp. |
Ôn nội dung trọng tâm
Cô Mai Dung cho biết: “Ôn tập của thi trắc nghiệm là không đi quá sâu vào tình tiết nhỏ lẻ.
Các em chỉ cần nhớ được sự kiện chính là đã có thể làm được bài rồi, cấu trúc của môn Lịch sử không phải quá phức tạp, nó chia rõ ràng phần Lịch sử thế giới và phần Lịch sử Việt Nam.
Ở phần Lịch sử thế giới được chia rõ làm 5 chuyên đề, là 5 chương mà các em đã học.
Ví dụ chương 1 về Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, chương 2 là các nước Á Phi và Mỹ La Tinh, chương 3 là Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu. Sau khi học 3 chương này thì phần Lịch sử thế giới có một điều hay ở chương 4 là về quan hệ quốc tế.
Khi học về quan hệ quốc tế sẽ xâu chuỗi được liên hệ của cả 3 chương kia mà các em đã học. Cuối cùng là chương 5 cách mạng khoa học kỹ thuật.
Lịch sử Việt Nam cũng chia làm các giai đoạn, trong mỗi một giai đoạn đều có một điểm nhấn nhất định để xoáy vào đó mà học. Các em xây dựng dưới dạng sơ đồ tư duy nên những mảng kiến thức này sẽ được xâu chuỗi với nhau.
Còn những phần rời rạc không gắn kết thì hiện nay Bộ Giáo dục đã đưa vào phần giảm tải, và chắc chắn khi ra đề sẽ không có trong phần đã giảm tải”.
Khi sử dụng sơ đồ tư duy này thì học sinh rất dễ nhớ, nhớ lâu và không bị bỏ sót kiến thức. Ảnh minh họa: H.A. |
Đọc và nhận diện câu hỏi
Cô Mai Dung lưu ý: “Học sinh cần chia phần Lịch sử thế giới ra làm 5 chuyên đề, tương ứng với 5 chương trong sách giáo khoa.
Lịch sử Việt Nam cũng chia thành 5 chuyên đề, thứ nhất là từ 1919 đến 1930 và mấu chốt là việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, đây chính là bước ngoặt của Lịch sử Việt Nam.
Giai đoạn thứ 2 từ năm 1930 đến năm 1945 thì mốc quan trọng nhất chính là Cách mạng tháng 8 thành công dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện này là một bản lề mới của lịch sử dân tộc, chúng ta đã phải đấu tranh từ 1858 đến năm 1945 mới dành được độc lập.
Nhớ được kết quả và thắng lợi lớn nhất của Cách mạng tháng 8 đó chính là sự kiện ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là sự kiện quan trọng nhất.
Giai đoạn thứ 3 từ năm 1945 đến 1954 kháng chiến chống Pháp, chiến thắng quân sự lớn nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Nhưng việc kết thúc kháng chiến chống Pháp này lại không phải là chiến thắng Điện Biên Phủ, mà phải nhớ đến việc nước ta ký kết hiệp định Giơ - Ne - Vơ năm 1954, đó mới là mấu chốt của vấn đề.
Nếu đề thi hỏi là chiến thắng quân sự nào thì chắc chắn đó là chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nhưng nếu hỏi thắng lợi nào góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp thì đó là chiến thắng trên mặt trận ngoại giao. Nhiều em cứ nghe thấy chiến thắng là đánh dấu ngay vào ô Điện Biên Phủ, vậy là sai.
Giai đoạn tiếp theo từ 1954 đến 1975 là kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn này nước ta có chiến thắng quân sự lớn là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975. Nhưng chiến thắng quyết định thì lại trên bàn đàm phán Paris năm 1973.
Vậy nên phải lưu ý những cái đó, phân tích rõ xem câu hỏi về vấn đề gì, có như vậy mới không sợ lạc đề hay còn gọi là “sập bẫy” người ra đề.
Giai đoạn thứ 5 từ năm 1975 cho đến nay là nước ta bước vào giai đoạn đổi mới và xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Mỗi một chuyên đề như vậy thì các em nhớ bám vào những sự kiện quan trọng nhất, trong mỗi một cây sơ đồ tư duy thì bao giờ cũng có điểm mấu chốt, từ điểm mấu chốt đó sẽ chẻ nhỏ các ý ra”.
Cô giáo Trần Thị Mai Dung và các em học sinh Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, Thị xã Phú Thọ. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Kỹ năng làm bài thi
Cô Mai Dung chia sẻ: “Tại sao có những bạn học rất tốt nhưng khi làm bài thi lại không đạt được điểm cao, và ngược lại? Cần nhất là các em phải rèn được kỹ năng làm bài, phải chú ý đến một số lưu ý rất quan trọng.
Phải nắm được cấu trúc của đề bài, bao nhiêu câu và mỗi câu trả lời trong bao nhiêu phút là đủ. Cần nhận dạng câu hỏi thật chính xác, từ đó câu nào dễ ta làm trước và câu khó ta làm sau, câu nào chắc chắn đúng là phải đặt bút tô luôn.
Không nhất thiết làm tuần tự từ câu 1 đến câu cuối, vậy nên câu nào đã làm rồi thì các em nên tích một dấu tương ứng vào tờ đề bài, mục đích không bị bỏ sót.
Đã làm bài thi trắc nghiệm thì tránh tô mờ, đáp án đúng nhưng tô ẩu, mờ dẫn đến mất điểm thì thật là đáng tiếc. Phải tô rõ ràng, dứt khoát.
Đã đi thi thì dù khó hay dễ cũng phải tô đủ 100% câu trả lời, nhưng câu đúng thì đã tô rồi, còn những câu không chắc chắn mà cứ lần lữa thì bắt buộc các em phải tìm phương án loại trừ, nhớ được ít nhiều sự kiện thì cũng phải tô vào.
Hay cho dù không thể nhớ được là đáp án nào đúng thì có thể chấp nhận 50/50, hy vọng mình rơi vào trường hợp may mắn, còn nếu không tô vào thì chính mình đã tự bỏ đi 50% may mắn đó.
Phần may mắn khi đi thi chính là ở chỗ đó. Tuyệt đối không được để chống câu trả lời, hoặc để giấy trắng.
Phải phân bổ thời gian để sau khi làm xong bài thi vẫn phải còn dư 5 phút để kiểm tra lại bài lần cuối, phải đếm số lượng câu trả lời mà mình đã tô.
Có trường hợp chọn đúng ở tờ đề, nhưng sang tờ đáp án lại bị tô lệch, và thực tế khi tôi đi chấm thi đã có trường hợp các em tô 2 đáp án trong cùng 1 câu, trong khi chỉ có 1 đáp án đúng. Như vậy là các em đã bị sai 2 câu chứ không phải 1”.