Bỏ chấm điểm tiểu học và tiếng nói của những người trong cuộc

15/05/2016 10:47
Phạm Huy Đức
(GDVN) - Có người nói Thông tư 30 đặt trọn niềm tin vào giáo viên, Phòng GD&ĐT khó kiểm soát lao động của họ. Do đó, dễ dẫn đến “hòa cả làng” trong kết quả đánh giá.

LTS: Ngày 28/8/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định cách đánh giá học sinh tiểu học. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. 

Sau 2 năm triển khai thực hiện, có thể nói Thông tư 30 xóa bỏ việc đánh giá thường xuyên bằng cho điểm học sinh tiểu học là một chủ trương đúng đắn và tiến bộ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó  khăn (theo đánh giá của Sở GD&ĐT Nghệ An), hôm nay, nguyên Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, Phạm Huy Đức liệt kê một vài ý kiến của những người trực tiếp thực hiện Thông tư này nêu lên những ưu điểm và nội dung cần chỉnh sửa qua thực tế vận dụng Thông tư. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Nghệ An, sau một thời gian triển khai thực hiện, Thông tư 30 đã làm giảm áp lực về điểm số, thi cử; giúp học sinh được phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, về quá trình và kết quả học tập; giúp giáo viên kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng; từ đó giúp học sinh tiến bộ theo các yêu cầu giáo dục ở tiểu học. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại: Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên chưa theo kịp tinh thần của Thông tư 30; nhiều hiệu trưởng có biểu hiện “sợ sai mẫu” nên còn yêu cầu giáo viên ghi chép một cách cứng nhắc, tạo ra tâm lý đối phó của giáo viên; tâm lý ngại thay đổi của một bộ phận giáo viên, mà thực chất là do bộ phận này chưa đủ khả năng đáp ứng yêu cầu về đổi mới giáo dục.

Thông tư 30 đã làm giảm áp lực về điểm số, thi cử; giúp học sinh được phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, về quá trình và kết quả học tập (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Thông tư 30 đã làm giảm áp lực về điểm số, thi cử; giúp học sinh được phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, về quá trình và kết quả học tập (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Trước đánh giá của Sở GD&ĐT, những người trong cuộc nói gì?   

Bà Ngô Thị Nguyệt, Phó phòng GD&ĐT Thành phố Vinh

Trong việc thực hiện Thông tư 30, cái khó về chủ quan mà giáo viên phải khắc phục, chẳng hạn như: phải viết cẩn thận khi nhận xét vào vở học sinh; lựa chọn từ ngữ để lời nhận xét rõ ràng hay nhận xét làm sao để khỏi khuôn mẫu. 

Tuy nhiên, nhận xét như thế nào để học sinh dễ tiếp thu, không gây tổn thương cho các em mà lại khuyến khích được các em là điều không dễ, đòi hỏi giáo viên phải thật sự cố gắng mới làm được. 

Về khen thưởng học sinh, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ được khó khăn cho cơ sở. Một số trường gặp khó là vì không nghiên cứu kỹ, không thực hiện đầy đủ hướng dẫn của Sở.

Ông Phan Văn Thiết, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn

Ở Kỳ Sơn, tuy là vùng cao, nhưng việc thực hiện Thông tư 30 không thấy có gì nặng nề đối với giáo viên.

Bỏ chấm điểm tiểu học và tiếng nói của những người trong cuộc ảnh 2

Cần thay đổi những điều chưa phù hợp trong Thông tư 30

(GDVN) - Mong rằng, Bộ GD&ĐT cần có sự nghiên cứu, những hướng dẫn, chỉ đạo hợp lí nhằm giảm được áp lực cho giáo viên, giảm được những ghi chép không cần thiết.

Nguyên nhân là do Kỳ Sơn đã tập huấn kỹ cho giáo viên; làm tốt công tác tuyên truyền trong cha mẹ học sinh; sĩ số mỗi lớp học của Kỳ Sơn không đông như ở thành phố. 

Với Kỳ Sơn, cha mẹ học sinh rất hạn chế trong việc đọc lời nhận xét của giáo viên

Chính vì vậy, giáo viên ở Kỳ Sơn thường tăng cường nhận xét trực tiếp với học sinh; cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
 
Về khen thưởng, với quy định hiện tại, số học sinh được khen trong một lớp vào dịp cuối năm thường chiếm đa số, số em không được khen là rất ít. Đây chính là áp lực lớn đối với số em không được khen. 

Cô Trần Thị Như Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Sơn (Đô Lương)

Để đảm bảo tất cả các em học sinh đều được đánh giá, được ghi lời nhận xét đòi hỏi giáo viên phải làm việc nhiều hơn. Giáo viên có làm được không? Thực tế ở trường tôi, giáo viên làm được. 

Tuy nhiên, ở những vùng thuận lợi, có nhất thiết hàng tháng giáo viên phải ghi vào sổ liên lạc gửi về cho cha mẹ học sinh hay không trong điều kiện có điện thoại, có công nghệ thông tin? Tôi nghĩ là nên tận dụng phương tiện để trao đổi với cha mẹ học sinh.

Cô giáo Thái Thị Tuyết Nhung, dạy lớp 1, trường Tiểu học Lê Mao (Thành phố Vinh)

Lớp của tôi có 60 học sinh, nhưng không vì thế mà tôi làm qua loa; tôi đã chấm bài, sửa bài và nhận xét cho từng em một cách chu đáo. 

Có em tôi  nhận xét: “Chữ đẹp. Chú ý tay cầm bút cho đúng em nhé”; hay một em khác: “Em chú ý điểm kết thúc của nét móc hai đầu nhé”; một em khác nữa “Chữ đẹp nhưng em cần viết nhẹ tay hơn”,.... 

Bỏ chấm điểm tiểu học và tiếng nói của những người trong cuộc ảnh 3

Cả nước tiếp tục thực hiện Thông tư 30, cấm bài tập về nhà, không chấm điểm

(GDVN) - Năm học 2015-2016, các trường Tiểu học trên cả nước tiếp tục thực hiện Thông tư 30, tích hợp dạy học tiếng Việt và các nội dung giáo dục…

Hàng ngày không cho điểm mà nhận xét thì tôi thấy nhân văn hơn, giúp học sinh sửa sai được nhiều hơn, nhưng đúng là giáo viên vất vả hơn rất nhiều.
 
Song dù vất vả, tôi cũng như các cô ở trường tôi đã và đang cố gắng thực hiện tốt, miễn sao có lợi cho học sinh là được.  

Bà Trần Thị Giang, hiện có 2 con đang học tiểu học ở thành phố Vinh 

Tôi có hai con đang học tiểu học. Tôi thấy hai cô giáo của con tôi rất tận tâm, nhận xét bài làm của học sinh rất chu đáo, nội dung nhận xét không rập khuôn. 

Tôi xem vở của con tôi, thấy có bài cháu làm sai; trong lời nhận xét, cô đã chỉ ra được cái sai để cháu khắc phục, nhưng vẫn động viên được cháu chứ không hề làm cháu nhụt chí. 

Cả hai cô giáo này không những không bắt các cháu đi học thêm mà còn khuyên cha mẹ các cháu không nên cho con mình đi học thêm, vì các cháu đã vất vả học ngày hai buổi ở trường. 

Ngày họp phụ huynh học sinh đầu năm học, cô giáo dạy lớp 1 còn nói: Những ngày đầu các cháu chưa biết đọc, biết viết là điều đương nhiên, các bậc cha mẹ đừng lo. 

Các cháu không cần phải đi học thêm, chỉ cần các cháu chăm chỉ học tập ở trên lớp cộng với sự cố gắng của cô, cô bảo đảm các cháu sẽ nắm vững kiến thức theo đúng yêu cầu của chương trình.

(Hai cô giáo mà phụ huynh Giang nhắc đến, một cô tên là Phan Thị Thu Hà, dạy lớp 1, một cô tên là Bùi Thị Kim Vân, dạy lớp 2, cả hai cô đều là giáo viên của Trường Tiểu học Lê Mao, thành phố Vinh).

Bà Lê Thị Lệ, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Tân Kỳ

Không phải giáo viên nào cũng có đủ năng lực để ghi nhận xét học sinh. Vì vậy, ở Tân Kỳ yêu cầu giáo viên thường xuyên nhận xét bằng lời qua các hoạt động giáo dục trên lớp để giúp học sinh vượt qua khó khăn hoặc khuyến khích các em tiến bộ, còn ghi vào vở học sinh thì không nhất thiết ngày nào cũng phải ghi cho tất cả mọi học sinh, nhất là ở những lớp có sỹ số cao.

Bỏ chấm điểm tiểu học và tiếng nói của những người trong cuộc ảnh 4

Dạy thêm, học thêm, bài toán ngoài khả năng của riêng ngành giáo dục

(GDVN) - Tình trạng dạy thêm, học thêm năm nào cũng xảy ra và được cả xã hội quan tâm, đặc biệt là các bậc cha mẹ (cả ép buộc ở nhiều hình thức và tự nguyện).

Thực tế, giáo viên đã vượt qua được bỡ ngỡ ban đầu, quen với cách nhận xét ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. 

Bà Nguyễn Thị Bình, chuyên viên Phòng GD&ĐT Quỳ Châu

Đánh giá bằng lời giúp học sinh sửa được sai sót ngay, vì vậy cần bồi dưỡng cho giáo viên kỹ năng này. Kỹ năng ra đề không phải đã tốt với mọi giáo viên, nên vấn đề này cũng cần phải được tập huấn. 

Việc đánh giá học sinh hàng tháng là không nên bỏ, bởi đây là cơ sở để giáo viên xây dựng kế hoạch cho tháng sau. 

Theo quy định của Thông tư 30, giấy khen của học sinh phải được lưu vào hồ sơ của các em. Trong khi đó, các tổ chức, cơ quan, dòng họ rất cần giấy khen của các em để thực hiện công tác khuyến học. 

Để đáp ứng yêu cầu này, Quỳ Châu chỉ đạo vẫn phát giấy khen cho các em, đến đầu năm học mới mới thu lại.

Ông Nguyễn Tiến Minh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nghi Tân (thị xã Cửa Lò)

Nhiều người nói giáo viên phải làm nhiều hồ sơ. Nguyên nhân không phải ở Thông tư 30; Bộ và Sở GD&ĐT cũng đã hướng dẫn rất rõ.
 
Nhưng vì quá lo lắng, nên khi xuống Phòng GD&ĐT, Phòng thêm một ít; rồi về trường, Hiệu trưởng lại thêm một ít. Nếu thực hiện đúng quy định hiện hành thì hồ sơ không nhiều. Hay như việc ra đề kiểm tra định kỳ, theo quy định là giao cho Hiệu trưởng, nhưng có Phòng GD&ĐT lại đứng ra làm. 

Cũng có nơi xây dựng ma trận đề kiểm tra. Nhưng làm như vậy chỉ dễ dẫn tới việc dạy thêm, học thêm mà thôi.

Ông Lê Thanh Hiền, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quỳnh Lưu 

Sau một năm thực hiện Thông tư 30, tình hình giáo dục tiểu học tốt lên chứ không phải giảm đi. Kiểm tra cuối năm, học sinh mà đạt 5 điểm là rất yên tâm về chất lượng thực chất. 

Tuy nhiên, về học bạ, hiện không có mục đánh giá lại sau kiểm tra (trong trường hợp cuối năm học sinh được đánh giá là chưa đạt yêu cầu), vì vậy nên nghiên cứu bổ sung mục này. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Cửa Lò


Có người nói Thông tư 30 quá đặt trọn niềm tin vào giáo viên, Phòng GD&ĐT rất khó kiểm soát lao động của họ. Do đó, dễ dẫn đến “hòa cả làng” trong kết quả đánh giá. 

Ở Cửa Lò, để kiểm soát lao động của giáo viên, Phòng GD&ĐT kiểm tra xem giáo viên tổ chức được nhiều hoạt động giáo dục hay không; hay để xem giáo viên có thường xuyên nhận xét bằng lời với học sinh, Phòng GD&ĐT kiểm tra vở học sinh có thường xuyên sửa lỗi hay không; bởi giáo viên mà nhận xét, chắc chắn các em sẽ sửa lỗi ngay. 

Mục tiêu của đánh giá học sinh đối với giáo dục tiểu học không phải là có bao nhiêu học sinh Giỏi, bao nhiêu học sinh yếu kém mà là tất cả học sinh được chăm sóc chu đáo, được tiến bộ để đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình!

Bài viết thể hiện quan điểm, cách nhìn và góc tiếp cận riêng của tác giả.

Phạm Huy Đức