Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản, hướng dẫn để giảm tải cho giáo viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hồ sơ sổ sách, tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ giấy,…
Tuy nhiên, đến nay đã đến năm thứ 3 thực hiện chương trình mới, sau nhiều văn bản, giáo viên vẫn còn tình trạng quá tải hồ sơ sổ sách, giáo viên vẫn có nhiều áp lực, vất vả.
Ảnh minh họa. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định giảm nhiều loại hồ sơ sổ sách cho giáo viên
Tại khoản 2,3,4 Điều 21 Điều lệ Trường tiểu học (kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT) giáo viên tiểu học phải thực hiện các loại hồ sơ sau đây:
“2. Đối với giáo viên
a) Kế hoạch bài dạy.
b) Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh.
c) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm).
d) Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).
3. Đối với tổ chuyên môn, tổ văn phòng: Sổ ghi chép nội dung các hoạt động của tổ.
4. Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy.”
Tại Khoản 2, 3,4 Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường phổ thông quy định hồ sơ của giáo viên, tổ chuyên môn trường trung học cơ sở, trung học phổ thông gồm:
2. Đối với tổ chuyên môn:
a) Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học).
b) Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.
3. Đối với giáo viên:
a) Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học).
b) Kế hoạch bài dạy (giáo án).
c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.
d) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
4. Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử. Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
Như vậy, quy định của Bộ Giáo dục và Đào giáo viên, tổ chuyên môn thực hiện từ 3-4 loại hồ sơ, đã giảm khá nhiều so với trước đây, bên cạnh đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ giấy giảm áp lực cho nhà giáo cả nước.
Giáo viên vẫn rất áp lực, vất vả,…đa phần do nhà trường, địa phương?
Từ những công văn, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy Bộ rất quyết liệt trong vấn đề tinh giảm hồ sơ sổ sách, giảm áp lực cho giáo viên.
Như đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông, nếu kiêm giữ nhiệm vụ tổ trưởng chuyên môn chỉ thực hiện 2 loại hồ sơ gồm “Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học) và Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn”.
Đối với 2 loại hồ sơ này thì tổ trưởng cũng thực hiện hàng năm, không quá vất vả.
Còn đối với giáo viên thì thực hiện 3-4 loại hồ sơ, đối với giáo viên không kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm thì có 3 loại hồ sơ gồm: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học) (Phụ lục 3 Công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo); Kế hoạch bài dạy (giáo án) (phụ lục 4 Công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (trước đây gọi là sổ điểm cá nhân).
Nếu giáo viên kiêm thêm giáo viên chủ nhiệm thì có thêm Sổ chủ nhiệm lớp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rất quyết liệt, yêu cầu các địa phương không được ban hành thêm các hồ sơ ngoài quy định của Điều lệ trường học.
Cụ thể, ngày 18/01/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các nhà trường. Theo đó, Chỉ thị 138 đã hướng dẫn như sau:
“1. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2. Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định.
Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.
Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử của giáo viên và nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin theo Điều 8 Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Điều 8 Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông”.
Với những hồ sơ quy định trong Điều lệ trường học và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu các địa phương thực hiện nghiêm túc sẽ không quá vất vả cho các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên.
Tuy nhiên, theo người viết tìm hiểu nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định về hồ sơ của giáo viên, vẫn có những hồ sơ ngoài Điều lệ trường học khiến giáo viên khá vất vả, áp lực.
Giáo viên một số nơi phải thực hiện thêm hàng loạt hồ sơ ngoài quy định như: Sổ dự giờ; Sổ hội họp tổ; Sổ họp hội đồng; Sổ bồi dưỡng thường xuyên; Sổ chuyên đề; Sổ báo giảng; Sổ họp chuyên môn; Sổ tay văn học; Sổ khuyết tật (nếu dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập); Sổ bồi dưỡng học sinh chưa đạt chuẩn; Sổ đầu bài; Sổ bồi dưỡng thường xuyên,...
Các tổ trưởng chuyên môn thì nhà trường yêu cầu các loại sổ kế hoạch thi giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi, kế hoạch phụ đạo học sinh yếu, kế hoạch hàng tháng và nhiều loại hồ sơ ngoài danh mục yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giai đoạn công nghệ số nhưng nhiều địa phương vẫn chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý, chưa số hóa các loại hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy khiến giáo viên áp lực, vất vả.
Đối với kế hoạch giáo dục của giáo viên (giáo án) theo phụ lục 4 Công văn 5512, cũng không yêu cầu mỗi bài, mỗi tiết thực hiện đầy đủ các hoạt động gồm Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu; Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1; Hoạt động 3: Luyện tập; Hoạt động 4: Vận dụng.
Có những nội dung chỉ gồm 1,2 hoạt động và các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi soạn bài thì phụ lục công văn 5512 không bắt buộc mà tham khảo để đạt mục tiêu và yêu cầu cần đạt.
Nhiều giáo viên khi soạn rút gọn nội dung, lược bỏ những phần không cần thiết, tuy nhiên một số ngành giáo dục địa phương khi thanh, kiểm tra yêu cầu giáo viên phải soạn đúng theo trình tự của Công văn 5512 nên áp lực về soạn giáo án chưa được thông suốt, áp lực vẫn còn đó.
Có môn học, mỗi năm giáo viên soạn 1 giáo án cả nghìn trang giấy như môn Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên,….
Hiện nay, chưa có quy định sử dụng lại giáo án cũ nên mỗi giáo viên hàng năm phải thực hiện và in ra hàng nghìn trang giấy, vô cùng tốn kém sau đó phải vứt bỏ và làm lại các kế hoạch mới ở năm sau, vô cùng áp lực, tốn kém, lãng phí.
Từ những phân tích trên, người viết cho rằng, áp lực về hồ sơ sổ sách hiện nay đối với tổ chuyên môn, giáo viên vẫn còn rất lớn, vẫn rất hình thức nhưng phần lớn trách nhiệm thuộc về ngành giáo dục địa phương, nhà trường và cũng có phần trách nhiệm của các cán bộ thanh, kiểm tra tại các Phòng/ Sở giáo dục.
Người viết, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chấn chỉnh, thanh kiểm tra, xử lý các địa phương ban hành thêm các hồ sơ sổ sách ngoài quy định và tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện các loại hồ sơ điện tử, góp phần giảm áp lực cho giáo viên.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.