Tổ trưởng chuyên môn và các loại kế hoạch, công việc không tên

15/09/2023 06:37
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi tuần được giảm 3 tiết so với giáo viên không kiêm nhiệm nhưng nhiều tổ trưởng chuyên môn đang rất vất vả, nhất là tổ ghép, tổ có môn học tích hợp.

Theo quy định tại Điều 22, Thông tư 32/2020/TT BGDĐT Ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực từ ngày 1/11/2020 thì tổ trưởng chuyên môn, giáo viên có các loại kế hoạch, hồ sơ sổ sách sau:

Đối với tổ chuyên môn (tổ trưởng) có các loại kế hoạch, sổ sách bắt buộc: Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học); Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn (biên bản).

Đối với giáo viên có các loại kế hoạch, sổ sách sau: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Như vậy, những giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn sẽ có 6 loại kế hoạch, sổ sách khác nhau trong mỗi năm học. Nhưng thực tế, nhiều trường học đang yêu cầu tổ trưởng chuyên môn làm quá nhiều các loại kế hoạch. Đầu năm học, chỉ nhìn vào các loại kế hoạch của tổ được nhà trường yêu cầu cũng khiến nhiều thầy cô ngao ngán.

Một số trường học vẫn đang lạm dụng hồ sơ sổ sách (Ảnh minh họa)

Một số trường học vẫn đang lạm dụng hồ sơ sổ sách (Ảnh minh họa)

Trùng trùng, điệp điệp các loại kế hoạch

Những năm qua, chúng ta đã nghe nhiều đến việc lạm dụng hồ sơ sổ sách ở nhiều trường phổ thông và thực tế Bộ cũng đã có những hướng dẫn về hồ sơ sổ sách cho nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên khá cụ thể.

Thế nhưng, thực tế ở một số đơn vị trường học hiện nay đang máy móc triển khai quá nhiều loại kế hoạch, hồ sơ mà người đang phải “chịu trận” là các tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường.

Theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường thì tổ trưởng chuyên môn sẽ xây dựng Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học).

Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, tổ trưởng phải khái quát đặc điểm tình hình của tổ, của trường đối với giáo viên, học sinh. Những thuận lợi, khó khăn của tổ. Phải liệt kê thiết bị dạy học, các chỉ tiêu, phong trào, cách thức thực hiện.

Đặc biệt, phải xây dựng phân phối chương trình cho tổ bộ môn của mình, trong đó phải liệt kê hết các yêu cầu cần đạt đối với từng bài học, từng tiết, chuyên đề thực hiện trong năm. Trong khi, nhiều tổ chuyên môn đang có 6-7 trăm tiết cho tất cả các khối.

Vì thế, chỉ riêng phân phối chương trình của những bộ môn có nhiều tiết hoặc tổ ghép cũng đã chiếm tới mấy chục trang A4. Chuyện xây dựng Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn có số lượng 5-7 chục trang giấy là bình thường, có những tổ lên đến hàng trăm trang.

Ngoài Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm) thì hàng tháng phải xây dựng kế hoạch hoạt động tháng của tổ chuyên môn; chủ trì 2 cuộc sinh hoạt chuyên môn của tổ; báo cáo tháng cho Ban giám hiệu nhà trường.

Nhưng đâu chỉ có Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo năm, tháng, ngoài ra gần như tháng nào cũng có thêm các loại kế hoạch khác.

Đó là: kế hoạch ôn thi học sinh giỏi; kế hoạch phụ đạo; kế hoạch chuyên đề; kế hoạch triển khai chuyên đề; kế hoạch ngoại khóa; kế hoạch tháng bộ môn; kế hoạch tích hợp; kế hoạch ôn tập học kỳ; kế hoạch đảo tiết; kế hoạch tăng tiết đối với lớp cuối cấp; kế hoạch ôn tuyển sinh, ôn tốt nghiệp; kế hoạch dự giờ của tổ…

Và, trong các kế hoạch này lại có thêm nhiều kế hoạch con để triển khai; phân công nhiệm vụ; phối hợp…đi kèm để trình Ban giám hiệu nhà trường phê duyệt để phổ biến, triển khai đến các tổ viên, học sinh.

Bên cạnh đó, kể từ khi thực hiện chương trình mới đến nay có rất nhiều những cuộc khảo sát, báo cáo cho các cấp. Cái gì cần là Ban giám hiệu nhắn lên nhóm yêu cầu tổ trưởng thực hiện ngay, thực hiện gấp.

Ngoài ra, các tổ trưởng chuyên môn còn phải kiểm tra sổ đầu bài của giáo viên trong tổ; kiểm tra phần mềm điểm điện tử của giáo viên; kiểm tra mượn thiết bị trên phần mềm MISA kiểm tra chuyên đề nội bộ giáo viên theo kế hoạch của nhà trường; duyệt giáo án, đề kiểm tra của giáo viên trong tổ; dự giờ, đánh giá giáo viên trong tổ…

Mỗi khi có thanh, kiểm tra của cấp phòng, sở về thì các tổ trưởng chuyên môn phải đôn đốc giáo viên chuẩn bị hồ sơ, kiểm tra hồ sơ tổ viên và giải trình với cán bộ kiểm tra khi có những thiếu sót, hạn chế. Và những thiếu sót, hạn chế này các tổ trưởng chuyên môn phải gánh trách nhiệm chính vì bị quy vào trách nhiệm không quản lý tốt.

Ngoài các kế hoạch, hồ sơ sổ sách, chuyện họp hành hàng tháng ở nhiều trường cũng khiến cho tổ trưởng chuyên môn ám ảnh.

Bởi, ngoài việc họp hội đồng sư phạm; chi bộ; sinh hoạt tổ chuyên môn theo định kỳ thì có nhiều cuộc họp đột xuất với Ban giám hiệu; Công đoàn; Đoàn- Đội; Hội đồng bộ môn và mỗi khi trường có đón tiếp đoàn kiểm tra, thanh tra Ban giám hiệu nhà trường cũng thường triệu tập thêm tổ trưởng chuyên môn tham dự.

Nhưng, có lẽ điều mà nhiều tổ trưởng ngao ngán hơn cả là mỗi khi trong tổ có giáo viên xin nghỉ về các lý do khác nhau thì họ báo tổ trưởng phân công người dạy thay.

Nhưng, không phải lúc nào việc phân công các giáo viên trong tổ dạy thay cũng suôn sẻ. Không phân công được giáo viên dạy thay thì tổ trưởng lại phải gánh thay- nếu như hôm đó không có tiết của mình vì không thể để lớp học không có giáo viên giảng dạy.

Vì thế, mỗi tuần được giảm 3 tiết so với giáo viên nhưng nhiều tổ trưởng chuyên môn các tổ ghép, tổ có các môn tích hợp, tổ có số lượng giáo viên đông rất cực khi thực hiện các nhiệm vụ mà Ban giám hiệu phân công, yêu cầu thực hiện.

Vai trò của tổ trưởng khi triển khai chương trình mới

Khi Bộ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều công việc mà tổ trưởng chuyên môn phải đương đầu, nhất là ở cấp Trung học cơ sở bởi cấp học này có thêm nhiều môn học tích hợp khác nhau, đòi hỏi có sự kết hợp với nhiều phân môn trong và ngoài tổ chuyên môn.

Bên cạnh đó, tổ trưởng các tổ tích hợp, tổ ghép, tổ có môn liên quan đến nhiều tổ khác (Nội dung giáo dục địa phương) phải cùng phó hiệu trưởng chuyên môn và các tổ trưởng khác tính toán thời gian giảng dạy; phân chia thời khóa biểu; phân chia tỉ lệ % trong các đề kiểm tra định kỳ, kiểm tra thường xuyên.

Trong khi đó, việc tập huấn chương trình, sách giáo khoa mới chủ yếu thực hiện trực tuyến nên hiệu quả của việc tập huấn thấp. Có nhiều giáo viên chủ động học hỏi, trau dồi thêm chuyên môn, phương pháp nhưng cũng có những giáo viên còn hời hợt, đối phó.

Vì thế, khi bước vào giảng dạy gặp nhiều lúng túng, khó khăn và tất nhiên họ sẽ tìm đến tổ trưởng chuyên môn để hỏi han thêm, nhất là khi giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp hoặc thao giảng cấp tổ, cấp trường.

Trong khi, Ban giám hiệu phân công nhiều công việc và đương nhiên họ cũng muốn tổ trưởng chuyên môn sẽ làm tốt vai trò để chất lượng chuyên môn đi lên và tạo được sự đồng thuận từ các tổ. Giáo viên cũng muốn tổ trưởng chuyên môn của mình làm nhiều việc chung, làm thay một số đầu việc để họ thảnh thơi hơn.

Vì vậy, cái chức “đầu binh, cuối cán” ấy đang thực sự áp lực vì họ đang đứng trung gian để quản lý tổ chuyên môn và truyền đạt, triển khai các kế hoạch từ Ban giám hiệu, Hội đồng bộ môn với vô vàn những công việc không tên và có thể bị yêu cầu dự họp, làm kế hoạch; báo cáo…bất kể lúc nào.

Dù tổ trưởng chuyên môn được trừ 3 tiết kiêm nhiệm, số tiết còn lại cũng đều phải dạy theo số tiết quy định khác. Thế nhưng, việc họ đang phải làm quá nhiều những kế hoạch, phải chuẩn bị hồ sơ sổ sách nhiều và cùng với đó là vô vàn những công việc không tên khác nên ảnh hưởng đến việc đầu tư chuyên môn đối với tổ của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG