Bộ GDĐT chỉ ra lý do khiến nhiều tỉnh chưa in, phát hành Tài liệu GD địa phương

26/07/2023 06:39
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương chưa tổ chức in, phát hành tài liệu được vì vướng các quy định về thẩm định giá, đấu thầu in ấn và phát hành.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội, Luật Giáo dục 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bàn hành hệ thống văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện nội dung giáo dục của địa phương. Các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Trong các năm 2021 đến đầu năm 2023, đã hoàn thiện việc phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương của 63 tỉnh đối với các lớp 6, lớp 7 và lớp 10; hoàn thành việc phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương các lớp 8, lớp 9 của 17 tỉnh (gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Đắk Lắk, Gia Lai, Ninh Thuận, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh) được thụ hưởng chương trình của Ban quản lí các dự án khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2.

Ảnh minh hoạ: L.T

Ảnh minh hoạ: L.T

Về cơ bản, các địa phương đã tích cực, chủ động tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, trong đó, nhiều địa phương hoàn thành việc gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt về Bộ Giáo dục và Đào tạo đúng thời hạn như các tỉnh: Quảng Ninh, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Giang, Lai Châu...

Sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn tổ chức dạy học tài liệu giáo dục địa phương. Kế hoạch dạy học Nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.

Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức biên soạn, thẩm định, đề nghị phê duyệt, phát hành tài liệu giáo dục địa phương còn tồn tại một số hạn chế như:

Về phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương: Mặc dù các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc biên soạn, thẩm định tài liệu nhưng vẫn còn nhiều địa phương gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu về Bộ Giáo dục và Đào tạo quá chậm so với quy định. Cụ thể: vào thời điểm gần cuối năm học 2022-2023, một số địa phương vẫn chưa gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu lớp 7, lớp 10 về Bộ Giáo dục và Đào tạo, như: tỉnh Cà Mau, Thái Bình và Hà Nội.

Năm học 2023 - 2024, theo quy định tại Công văn số 348/BGDĐT-GDTrH, các địa phương phải gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt về Bộ trước ngày 15/5/2023. Nhưng đến thời điểm ngày 20/7/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới nhận được 33 hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu (gồm 15 hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu lớp 8 và 18 hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu lớp 11).

Về chất lượng tài liệu: Về hồ sơ đề nghị phê duyệt cơ bản đúng, đủ theo quy định tại Thông tư 33/2020/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, chất lượng tài liệu còn hạn chế như các chủ đề, bài học còn bị bị trùng lặp ở các lớp, chưa có sự tương đồng với Chương trình giáo dục phổ thông và chưa thật sự bổ sung cho nội dung bắt buộc chung trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về công tác in, phát hành tài liệu: Đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương chưa tổ chức in, phát hành tài liệu được vì vướng các quy định về thẩm định giá, đấu thầu in ấn và phát hành.

Linh Hương