Bộ Giáo dục báo cáo Chính phủ các vấn đề của Trường Đại học Tôn Đức Thắng

02/10/2020 08:40
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại buổi họp báo thường kỳ Quý III, Bộ Giáo dục có trả lời phóng viên về việc Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng bị cơ quan chủ quản đình chỉ chức vụ.

Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng để kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm về mặt chính quyền.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc cơ quan chủ quản đình chỉ chức vụ của hiệu trưởng là không đúng; bởi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học quy định việc bổ nhiệm hay miễn nhiệm hiệu trưởng là do hội đồng trường quyết định.

Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, trong thời gian thí điểm tự chủ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã mang lại nhiều thành tích, nhiều đổi mới quá trình dạy học, từ chuyên môn cho đến nghiên cứu khoa học.

Những kết quả của trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được ghi nhận tại Hội nghị sơ kết thí điểm về tự chủ theo Nghị quyết 77 vào năm 2017. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản báo cáo Chính phủ về vấn đề tự chủ đại học.

Bên cạnh những kết quả đạt được đó, bà Thủy cho biết, Bộ cũng đã nhìn thấy những khó khăn và đang rà soát tiếp thu những khó khăn, vướng mắc mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng có ý kiến.

“Trong quá trình tự chủ đều thực thi đúng quy định của pháp luật. Và trong trường hợp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, dư luận đang có nhiều quan tâm và đang trong quá trình giải quyết. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã báo cáo với Chính phủ các vấn đề liên quan tới Trường để có phương án giải quyết” – bà Thủy nói.

Nói thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017 (Nghị quyết 77).

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới hoạt động cho 23 trường đại học trong cả nước, trong đó có Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tổng kết thí điểm tự chủ ở 23 trường đại học và cho thấy, việc thí điểm tự chủ mang lại kết quả tích cực trên mọi phương diện đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ, quan hệ quốc tế, cơ sở vật chất…

Kết thúc giai đoạn thí điểm, Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ đã tiếp thu những điểm tích cực sau giai đoạn thí điểm để thể chế hóa vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi và được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi giáo dục đại học số 34/2018/QH14 năm 2018, có hiệu lực 1/7/2019.

Theo đó, với các trường đại học ngoài thực hiện Luật sửa đổi số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP thì vẫn phải thực hiện theo những nội dung trong Luật Giáo dục đại học năm 2012.

Tuy nhiên, các trường đại học là đơn vị sự nghiệp công lập, nên hiện đang chịu chi phối bởi rất nhiều luật khác như tài chính, tài sản công, đầu tư công, viên chức, thi đua khen thưởng….và nếu vi phạm kỷ luật thì sẽ liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm.

Theo Thứ trưởng Phúc, Nghị định 99/2019, Luật Giáo dục năm 2012 và Luật Giáo dục đại học sửa đổi số 34/2018 đã quy định, với cơ sở giáo dục đại học công lập thì các tổ chức Đảng và Đảng viên, đoàn thể thực hiện theo quy định của Đảng.

Do đó, việc giải quyết và xử lý liên quan tới Trường Đại học Tôn Đức Thắng hiện nay, các cơ quan hữu quan không chỉ thực hiện theo Luật sửa đổi số 34/2018, Nghị định 9/2019 mà vận dụng tất cả các quy định của pháp luật, các luật khác liên quan đến một đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với trường hợp, Đảng viên và tổ chức đảng áp dụng các quy định của Đảng.

Giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến nhiều chuyên gia chưa thỏa mãn bởi nếu các Luật khác như tài chính, tài sản công, đấu thầu, thi đua-khen thưởng chưa sửa kịp theo yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW, dẫn đến việc các cơ sở giáo dục đại học đang thí điểm tự chủ bằng cơ chế riêng, sẽ có các quyết định phù hợp với Nghị quyết 19-NQ/W, nhưng lại khác với các luật chưa sửa này, thì các đại học đó đang làm đúng hay sai?

Điển hình là đến nay Luật đầu tư công trước đây đã được sửa thành Luật số 39/2019 và được hướng dẫn bởi Nghị định 40/2020, thì với 2 văn bản pháp qui mới này, quyền quyết định dự án đầu tư tại các trường đại học công lập nhưng tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư thì hoàn toàn thuộc về thủ trưởng của trường đại học; trong khi với Luật đầu tư công cũ thì thuộc về cơ quan chủ quản.

Như vậy đủ thấy Luật đã sửa thì phù hợp với chủ trương tự chủ của Đảng, nhưng luật chưa sửa thì còn nội dung khác chủ trương tự chủ; và do đó, nếu áp dụng luật chưa sửa, thì muốn phán quyết trường đại học tự chủ làm sai cũng được; nhưng nếu căn cứ theo chủ trương của Đảng, thì trường tự chủ lại làm đúng. Việc chậm sửa luật theo chỉ đạo của Nghị quyết 19-NQ/CP đâu phải lỗi của trường đại học tự chủ?.

Tương tự, có nhiều chuyên gia bày tỏ ý kiến trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam băn khoăn rằng đó là các qui định của Đảng là qui định nào? Và nếu những qui định đấy cũng chưa sửa cho đúng chỉ đạo tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập của Nghị quyết 19-NQ/TW thì lỗi đấy là ở các Tổ chức Đảng cấp trên. Nhưng nếu một khi trường đại học làm đúng Nghị quyết 19-NQ/TW thì lại vênh với các qui định cũ này. Vậy trường đại học sai hay đúng?

Do đó, có chuyên gia nhận định, nói là trường đại học tự chủ ngoài việc tuân thủ Luật 34/2018 còn phải tuân thủ các luật khác và qui định của Đảng; nhưng trong khi Luật 34/2018 thì đã được sửa theo chỉ đạo của Nghị quyết 19-NQ/TW, còn một vài luật, qui định của Đảng cũng chi phối trường đại học tự chủ nhưng chưa sửa theo Nghị quyết 19 thì các đại học tự chủ chỉ có chết bởi không vướng luật này thì sẽ vướng luật khác. Lúc đó, chỉ có không làm tự chủ mới không sai theo các quy định cũ chưa kịp sửa; và tự chủ theo chủ trương của Nghị quyết 19-NQ/TW khó có thể thành công trong thực tiễn.

Thùy Linh