Bộ Giáo dục "khoán trắng" cho các trường đi "đòi nợ" học viên là quá khó!

12/06/2021 07:18
TẤN TÀI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành chung mẫu cam kết của học viên tham gia đề án 89, trong đó có sự bảo lãnh của gia đình.

Việc đề án 89 quy định Trường Đại học phải thu hồi kinh phí đào tạo nếu học viên không trở về sẽ khiến các trường khó thực hiện.

Nhiều quan điểm cho rằng, đề án 89 lần này tuy đã khắc phục được một số thiếu sót, bất cập trong hai đề án trước nhưng vẫn còn nhiều quy định gây băn khoăn, khó thực hiện.

Trong đó quan trọng nhất vẫn là những cơ sở pháp lý ràng buộc nhằm giúp cơ sở giáo dục cử người đi đào tạo thu hồi được nguồn kinh phí. Ngoài ra, việc buộc các trường phải chia sẻ nguồn tài chính đào tạo cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Nhà trường chịu trách nhiệm đi “đòi nợ” sẽ rất khó

Phó Giáo sư Lưu Trang Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, việc thu hồi kinh phí đào tạo cho giảng viên nếu không trở về cũng là một vấn đề nan giải. Bởi trường hợp đó là giảng viên của Trường thì dễ hơn.

Đề án 89 đã khắc phục được một số khiếm khuyết của hai đề án 322 và 911. Ảnh: TT

Đề án 89 đã khắc phục được một số khiếm khuyết của hai đề án 322 và 911. Ảnh: TT

Nhưng còn không phải giảng viên của Trường thì Trường chỉ cam kết nhận họ thôi, còn việc thu hồi khó khăn. Theo thầy Trang, vấn đề thu hồi kinh phí không thể “khoán trắng” cho các trường Đại học, bởi việc thực hiện sẽ rất khó khăn.

Trong khi đó, các trường có trách nhiệm quản lý và cấp phát học bổng của đề án 89 tới người được cử đi đào tạo. Đồng thời, có trách nhiệm thu hồi học bổng của đề án khi người được cử đi đào tạo vi phạm quy định.

Lãnh đạo một Trường Đại học cho hay, trong trường hợp không thu hồi được kinh phí đào tạo của học viên thì nhà trường phải bỏ tiền túi ra đền thì sẽ chẳng có trường nào dám cử học viên đi học.

"Vấn đề kinh phí được thu hồi, giải quyết ra sao phải được quy định rõ ràng. Việc thu hồi đối với các học viên không hoàn thành cam kết phải có biểu mẫu chung, ràng buộc pháp lý chặt chẽ.

Còn giờ nếu khoán trắng cho các trường đại học tự xoay sở thì quá khó, bởi ngay cả nhiều chính quyền địa phương như: Quảng Ngãi, Đà Nẵng... cũng phải chật vật để thu hồi số kinh phí cử học viên đi đào tạo nước ngoài", vị lãnh đạo này nói.

Nhiều kiến nghị

Phó Giáo sư Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thì cho rằng, qua thực tiễn triển khai đề án 322 và 911, mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhưng qua tổng kết việc triển khai hai đề án vẫn còn một số bất cập.

Đó là, phương thức đào tạo phối hợp gặp khó khăn do người học hạn chế về ngoại ngữ, trong khi việc hỗ trợ bồi dưỡng ngoại ngữ cho ứng viên khi còn ở trong nước chưa được chú trọng đúng mức.

Quy định trong việc cử người đi học cứng nhắc nên đã không khuyến khích được những người trẻ có năng lực đi học.

Vấn đề sử dụng kinh phí triển khai đề án 911 cũng có nhiều hạn chế. Các cơ chế, chính sách bất cập chậm được tháo gỡ, mức kinh phí hỗ trợ của đề án thấp, các nội dung chi và điều kiện để hỗ trợ kinh phí nhiều vướng mắc, trong khi yêu cầu trách nhiệm ràng buộc của nghiên cứu sinh cao.

"Tuy nhiên, bất cập lớn nhất vẫn là cơ chế bắt buộc, đồng thời ưu đãi thu hút người sử dụng và tuyển dụng lưu học sinh sau khi tốt nghiệp.

Điều này được thể hiện qua tỉ lệ các Tiến sĩ sau khi hoàn thành nghiên cứu tại nước ngoài, trở về làm việc trong thực tế còn thấp", thầy Vinh nói.

Theo thầy Vinh, đề án 89 lần này đã cơ bản giải quyết được những bất cập trên của hai đề án trước đó.

Còn theo thầy Trang, nếu như nhiều trường hợp học viên đề án 322 hay 911 đi học về không được bố trí công tác, hay phải làm việc trái ngành thì quy định của đề án 89 đã khắc phục nhược điểm này.

Đó là việc giao cho các trường đăng ký ngành nghề mà mình đang thiếu, tuyển chọn giảng viên đi học và có cam kết tiếp nhận ngay sau khi học viên tốt nghiệp trở về.

"Theo đề án này thì học viên đi học không phải lo lắng chuyện kinh phí và việc làm sau khi tốt nghiệp. Việc chắc chắn được các trường Đại học tiếp nhận về giảng dạy, nghiên cứu sẽ là động lực giúp họ yên tâm học và trở về.

Đây cũng là tiền đề để thu hút nhân tài trở về, không còn chạy vạy xin việc hay làm việc trái ngành như trước đây nên đảm bảo số lượng về sẽ đông hơn".

Cũng theo thầy Trang thì với cơ chế cấp phát tài chính được giao về cho các trường sẽ chủ động hơn, tránh trường hợp học viên đi học bị chậm cấp kinh phí sinh hoạt...

Tuy nhiên, một lãnh đạo Trường Đại học ở miền Trung cũng nêu ra kiến nghị, Bộ nên ban hành chung mẫu cam kết và quy định về thời gian phục vụ sau khi hoàn thành chương trình học.

Ngoài ra, cần quy định giảng viên phải cam kết thực hiện sự phân công, điều động của cơ sở cử đi học sau khi hoàn thành chương trình học.

TẤN TÀI