Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn quan tâm đến 3 vấn đề tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM

24/02/2024 08:21
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn quan tâm đến thu nhập thấp nhất của giảng viên, tỷ lệ sinh viên vào trường học theo khu vực, tỷ lệ nguồn thu từ khoa học công nghệ.

Chiều ngày 23/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ có buổi làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Giảng viên thu nhập thấp nhất là 6,5 triệu đồng/tháng

Thông tin đến Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tất Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện toàn trường có 602 giảng viên, trong đó có 5 giáo sư, 31 phó giáo sư.

Hiện quy mô đào tạo của trường đạt khoảng 20.000 sinh viên, học viên cao học. Trường có 12 chương trình đạt chuẩn AUN-QA.

Đối với các công bố trong nước, hiện trường đã có 623 bài báo trên tạp chí khoa học, 13 báo cáo khoa học tại các hội nghị/hội thảo trong nước. Với công bố quốc tế, nhà trường có 627 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế (ISI, Scopus, khác) và 66 báo cáo khoa học tại các hội thảo/hội nghị quốc tế.

Theo định hướng, đến năm 2035, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành trường đại học nghiên cứu với chất lượng quốc tế.

gdvn_BotruongSonNLU2.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tất Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Theo hiệu trưởng nhà trường, thách thức lớn trong định hướng phát triển của nhà trường là chuyển đổi số còn chậm, quốc tế hóa đại học cũng còn có giới hạn, việc đầu tư để phát triển đội ngũ nhất là lương bổng và các chế độ khác cũng là một thách thức đối với nhà trường.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện sự quan tâm, đề nghị nhà trường cung cấp các số liệu liên quan đến thu nhập thấp nhất của giảng viên, tỷ lệ sinh viên vào trường học theo từng khu vực, tỷ lệ nguồn thu từ khoa học và công nghệ trong tổng số nguồn thu của nhà trường.

Đại diện nhà trường chia sẻ, hiện giảng viên của trường thu nhập thấp nhất là 6,5 triệu đồng/tháng, tỷ lệ nguồn thu từ khoa học và công nghệ là 3% trên tổng nguồn thu.

Theo số liệu thống kê của trường trong năm 2023, tỷ lệ sinh viên nhập học vào trường cao nhất là vùng Đông Nam Bộ là 47,7%, Đồng Bằng Sông Cửu Long là 32,1%, sau đó là tới miền Trung, Tây Nguyên và khu vực miền Bắc.

Từ kết quả này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, lĩnh vực khó khăn nhất của trường là lĩnh vực nông–lâm–ngư nghiệp, sư phạm.

Trong khi đó, các lĩnh vực khác của trường đang có sự phát triển tốt trong những năm vừa qua.

Trước việc nhà trường chỉ có gần 22% cán bộ, giảng viên đạt trình độ tiến sĩ, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho rằng, tỷ lệ này khá thấp so với mặt bằng chung của cả nước, khu vực.

“Do đó, mức độ cạnh tranh của trường tương đối khó khăn, đặc biệt là các trường tư thục đang có chính sách thu hút nhân tài mạnh mẽ” – bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Cần cân nhắc định hướng trở thành đại học nghiên cứu

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong muốn nhà trường cần xác định lại định hướng đa ngành, đa lĩnh vực, điểm sở trường, trung tâm và cốt lõi của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, mở rộng ngành, lĩnh vực nhưng không nên quá xa rời lĩnh vực sở trường, thế mạnh của mình.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị nhà trường cần cân nhắc việc nhà trường định hướng trở thành đại học có nghiên cứu.

gdvn_BotruongSonNLU.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: V.D)

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trường đại học nghiên cứu cần tỷ lệ đào tạo sau đại học tới 50%.

“Với 1.200 học viên sau đại học trên tổng quy mô 20.000 người học của nhà trường, thì bao giờ nhà trường sẽ vượt qua tỷ lệ 30%, để tiến tới tỷ lệ 50% của một trường đại học nghiên cứu.

Chưa kể, nguồn thu từ khoa học và công nghệ cũng cần đạt tỷ lệ 30-50% tổng nguồn thu của trường. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường chỉ đạt 22%, trong khi đó một trường đại học nghiên cứu thì cần tỷ lệ này đến 80-100%” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, con đường này vừa xa lại vừa khó, mà chưa chắc đã phù hợp. Vì vậy, thứ nhất nên xác định định hướng tính chất là một trường đại học công nghệ, kỹ thuật.

“Với tính chất đó, chúng ta đang đào tạo kỹ sư là mảng quan trọng. Không trường nào lấy đào tạo kỹ sư là quan trọng, mà đi theo hướng nghiên cứu” – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, yêu cầu cấp bách nhất của nhà trường là cần phải tái sắp xếp các chương trình, ngành nghề đào tạo trên cơ sở phân tích đào tạo đối tượng, lĩnh vực nào.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói rằng, việc sắp xếp phải dựa trên cơ sở phân tích nhu cầu người học, nhu cầu việc làm, đầu ra chứ không phải do ngành nghề đó nhiều giáo sư hay tuyển sinh tốt.

Việt Dũng