Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, thay thế Quyết định 11/2006/QĐ-BGD&ĐT.
Theo dự thảo mới, có 2 điểm khác biệt so với quy chế hiện hành. Thứ nhất là bỏ điều khoản về xếp loại tốt nghiệp giỏi, khá, trung bình của học sinh. Đồng thời tăng số lần xét tốt nghiệp lên thành không quá 2 lần/năm thay vì một lần như trước đây. Dự thảo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đến hết ngày 2/12/2023.
Xét tốt nghiệp cần căn cứ cả học lực và hạnh kiểm
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Hồng Nam, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Biên Giang (Hà Đông, Hà Nội) cho hay:
“Việc xét tốt nghiệp dựa trên hai tiêu chí học lực và hạnh kiểm là hết sức cần thiết. Bởi học sinh không chỉ cần học tập tốt mà còn cần cả đạo đức tốt. Theo quy chế hiện hành, học sinh ít nhất phải đạt học lực trung bình và hạnh kiểm trung bình thì mới được tốt nghiệp. Còn những học sinh nào hạnh kiểm yếu sẽ không được tốt nghiệp mà phải rèn luyện lại.
Trong thời gian nghỉ hè học sinh sẽ rèn luyện hè tại địa phương. Nhà trường sẽ liên hệ với các địa phương và có văn bản bàn giao học sinh về địa phương. Sau đó, trong quá trình học sinh rèn luyện, nhà trường cũng phối hợp với địa phương để biết kết quả rèn luyện của các em. Nếu các em rèn luyện tốt thì sang năm sau mới được xét tốt nghiệp lại”.
Thầy Hoàng Hồng Nam, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Biên Giang. (Ảnh: Website nhà trường) |
Chia sẻ về việc dự thảo mới tăng số lần xét tốt nghiệp lên 2 lần/năm liệu có kịp để các học sinh chưa đạt về hạnh kiểm xét tốt nghiệp lại và đủ điều kiện thi vào lớp 10 hay không, thầy Nam khẳng định:
“Nếu xét lại về hạnh kiểm cũng cần một quá trình để các em rèn luyện phấn đấu và để nhà trường theo dõi. Không thể có chuyện tuần trước xếp loại yếu mà một vài tuần sau đã xếp loại tốt ngay được. Với những bạn chưa đủ điều kiện tốt nghiệp đương nhiên cũng không đủ điều kiện thi lên lớp 10. Vì thế, các em phải rèn luyện lại một năm”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thắng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho biết:
“Đối với cấp trung học cơ sở, học sinh nghỉ học có phép hoặc không phép quá 45 buổi trở lên sẽ không đủ điều kiện để lên lớp. Thế nên việc xét tốt nghiệp cũng cần căn cứ vào quy định này”.
Các thí sinh chưa đạt hạnh kiểm cần đăng ký rèn luyện lại hè tại địa phương. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa) |
Đối với những học sinh cần rèn luyện lại hè là rèn luyện tại địa phương chứ không phải rèn luyện tại trường.
“Thực tế, trên địa bàn huyện Ứng Hòa, hàng năm các trường đều có kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho học sinh. Nhà trường cũng phối hợp với địa phương để nắm được khi các em về rèn luyện hè có vi phạm điều gì không, việc tham gia các hoạt động hè do địa phương tổ chức như thế nào. Trên cơ sở đó nhà trường sẽ đánh giá và xếp loại lại hạnh kiểm cho các học sinh”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa thông tin.
Ngoài ra, các nhà trường hàng năm đều tham mưu với Uỷ ban nhân dân huyện để tổ chức các hoạt động hè cho học sinh. Việc lấy ý kiến của địa phương, phụ huynh học sinh cũng được giáo viên chủ nhiệm sát sao. Từ đó, nhà trường sẽ có căn cứ để đánh giá, nhận xét, xếp loại lại với các học sinh chưa đạt hạnh kiểm.
Không nên bỏ xếp loại tốt nghiệp của học sinh
Theo Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 11/2006/QĐ-BGDĐT có nêu rõ việc xếp loại tốt nghiệp được quy định như sau:
Kết quả tốt nghiệp của người đang học tại các cơ sở giáo dục được xếp thành 3 loại: giỏi, khá, trung bình căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm và xếp loại học lực. Nếu người học thuộc diện không xếp loại hạnh kiểm thì chỉ căn cứ vào kết quả xếp loại học lực. Cụ thể:
Loại giỏi: hạnh kiểm loại tốt, học lực loại giỏi;
Loại khá: hạnh kiểm từ loại khá trở lên, học lực loại khá hoặc hạnh kiểm loại khá, học lực loại giỏi;
Loại trung bình: các trường hợp còn lại.
Tuy nhiên, trong dự thảo Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở mới được Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành không đề cập tới nội dung này. Nhiều ý kiến cho rằng việc không xếp loại tốt nghiệp sẽ không phân loại được học sinh. Dù là các bạn có lực học giỏi, khá hay trung bình đều có một tấm bằng tốt nghiệp như nhau. Như vậy sẽ khiến học sinh không có động lực phấn đấu học tập.
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Trường Sinh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hữu Hòa (Thanh Trì, Hà Nội) khẳng định không nên bỏ việc xếp loại tốt nghiệp đối với học sinh trung học cơ sở.
“Việc bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến học sinh bởi sẽ không thể đánh giá được lực học của từng em”.
Cũng đồng tình với quan điểm này, thầy Nguyễn Xuân Phái, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội) cho rằng:
“Thực ra nếu như để xếp loại trên bằng tốt nghiệp giỏi, khá, trung bình sẽ hợp lý hơn vì nó sẽ khích lệ được cho các em học sinh học tập. Còn nếu chỉ xếp loại đạt và không đạt hay không có xếp loại thì học sinh sẽ thiệt thòi, không có sự cố gắng, phấn đấu”.
Thầy Nguyễn Trường Sinh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hữu Hòa. (Ảnh: Website nhà trường) |
Được biết, dự thảo Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở cũng quy định rõ về độ tuổi xét công nhận tốt nghiệp. Cụ thể:
Đối với người học đang theo học Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở không quá 21 tuổi.
Đối với người học đang theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở từ 15 tuổi trở lên.
Trường hợp người học ở nước ngoài về nước, học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, thực hiện theo quy định về độ tuổi theo cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.