Khốn khổ với bồi dưỡng thường xuyên
Một giáo viên (đề nghị không nêu tên) ở tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh, mặc dù giáo viên đã học xong module 1, 2, 3 đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục nhưng Sở Giáo dục vẫn bắt buộc thầy cô làm bài kiểm tra để được cấp chứng nhận hoàn thành nội dung bồi dưỡng.
Cùng với đó, giáo viên này cung cấp kế hoạch số 51/KH-SGDĐT của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc về kiểm tra đánh giá bồi dưỡng thường xuyên giáo viên trung học phổ thông năm học 2020-2021.
Theo đó, kế hoạch này có một số nội dung chính như sau:
Mục đích kiểm tra nhằm đánh giá kết quả, hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên và các nhà trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố năm học 2020 – 2021;
Kết quả bồi dưỡng thường xuyên là cơ sở cấp chứng nhận hoàn thành nội dung bồi dưỡng cho giáo viên.
Thông qua kết quả bồi dưỡng thường xuyên, giáo viên và các nhà trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học của cấp học, yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn ngành.
Tất cả giáo viên thuộc đối tượng bồi dưỡng thường xuyên phải tham dự kiểm tra; tổ chức kiểm tra nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Kế hoạch kiểm tra, đánh giá giáo viên bồi dưỡng thường xuyên của tỉnh Vĩnh Phúc. |
Nội dung kiểm tra thuộc phạm vi kiến thức module 1, 2, 3 về bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục ban hành đã được triển khai bồi dưỡng trực tuyến trên hệ thống LMS của chương trình ETEP, cụ thể:
Mô đun 1: hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; mô đun 2: sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; mô đun 3: đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
Kiểm tra trực tuyến trên trang website: https://taphuan.csdl.edu.vn - thời gian làm bài kiểm tra 60 phút (9 giờ 00 ngày 06/6/2021).
Giáo viên phản ánh cho rằng, yêu cầu thầy cô phải làm lại bài kiểm tra là chồng chéo, tốn thời gian, công sức gây phiền hà không đáng có – nhưng không thể không làm theo mệnh lệnh.
Bồi dưỡng thường xuyên, giáo viên đã quá vất vả
Năm học 2020-2021, giáo viên trên cả nước đã học online xong module 1, 2, 3 (trên tổng số 9 module) để chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Nhiều giáo viên phản ánh với người viết rằng, 3 module nhìn chung rất nặng về lí thuyết, chỉ phù hợp với giới nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các module có nhiều phần lí thuyết cũ kĩ, giáo viên đã được học ở trường đại học hoặc bồi dưỡng hàng năm.
Để hoàn tất các module, giáo viên phải làm bài tập trắc nghiệm và nộp Kế hoạch bài dạy theo quy định. Cụ thể, module 1 có 20 câu trắc nghiệm; module 2 gồm 20 câu; module 3 nâng lên 30 câu.
Riêng Kế hoạch bài dạy, nhiều giáo viên cho biết phải nộp lần thứ 2, thứ 3 (và hơn thế nữa) cho giáo viên cốt cán, bởi bài soạn bị đánh giá không giống với Kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục ban hành ngày 02 tháng 12 năm 2020.
Chính vì vậy, giáo viên phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể hoàn thành 3 module. Thậm chí, không ít giáo viên phải mua một vài Kế hoạch bài dạy để nộp cho xong chuyện vì mẫu giáo án dài dòng, rối rắm, có khi nghĩ mãi mà vẫn không biết viết sao cho đúng mẫu.
Thế nhưng, Sở Giáo dục Vĩnh Phúc bắt buộc giáo viên phải kiểm tra lại 3 module, khiến thầy cô rất áp lực, mệt mỏi, nhất là thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành phức tạp.
Cá nhân người viết cho rằng, việc yêu cầu giáo viên phải làm kiểm tra lại các module để cấp chứng nhận hoàn thành nội dung bồi dưỡng có những bất cập sau đây.
Thứ nhất, lãnh đạo không tin vào kết quả làm bài của giáo viên đã được giáo viên cốt cán chấm điểm, thậm chí chấm rất kĩ, chấm từng li từng tí như đã dẫn.
Vậy thì, Sở Giáo dục cần gì phải cử đội ngũ giáo viên cốt cán đi tập huấn cho tốn thời gian, công sức, tiền bạc?
Thứ hai, giả sử giáo viên kiểm tra không đạt yêu cầu thì Sở Giáo dục có bắt giáo viên học lại hay không? Giáo viên có thể từ chối tham gia học lại vì đã hoàn thành 3 module, kết quả còn lưu trên trang web của Bộ Giáo dục.
Nhưng nếu giáo viên không học lại thì không được cấp chứng nhận hoàn thành nội dung bồi dưỡng, sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm năm học. Sao lại có chuyện tréo ngoe như thế?
Thứ ba, việc tổ chức cho hàng ngàn giáo viên bậc trung học phổ thông của một tỉnh tham gia kiểm tra sẽ gây tốn kém tiền bạc, phải chi phí thù lao cho khâu tổ chức, rồi giám khảo làm nhiệm vụ.
Cho dù văn bản ghi chú, “Sở Giáo dục chịu trách nhiệm kinh phí tổ chức ra đề, giám sát, chấm kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật”, thì đó cũng là tiền thuế của Nhân dân hoặc ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến phúc lợi chung của người lao động ở cơ quan, đơn vị.
Thứ tư, vì sao có chuyện Sở Giáo dục của địa phương này thì tổ chức kiểm tra 3 module còn Sở Giáo dục khác lại không?
Minh chứng là, Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh không yêu cầu giáo viên bậc phổ thông phải làm kiểm tra lại 3 module. Giáo viên nào đã học xong module 1 và 2 thì tải Giấy chứng nhận trên trang web tập huấn của Bộ Giáo dục do Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cấp.
Có thể nhận thấy, bồi dưỡng thường xuyên là một hình thức bổ trợ chuyên môn nhằm giúp giáo viên khi dạy chương trình mới không ngỡ ngàng, phù hợp với định hướng dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Thế nhưng, giáo viên cứ mãi loay hoay hết bồi dưỡng thường xuyên đến soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) thì lấy đâu ra thời gian để đầu tư cho chuyên môn? Giáo viên trên cả nước rất bức xúc về những việc này, đã được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh hàng loạt bài viết ở thời gian qua.
Qua bài viết, kính mong Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục của từng địa phương hãy rà soát lại nội dung các module từ 4 đến 9, cũng như mẫu Kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH sao cho thiết thực, tránh hình thức để giáo viên chuyên tâm vào chuyên môn được tốt.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.