Cần có bộ tiêu chí đánh giá nếu phân bổ ngân sách cho GDĐH theo sứ mạng

25/11/2023 06:34
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ý kiến lãnh đạo trường ĐH, cần có bộ tiêu chí đánh giá phân bổ ngân sách cụ thể, đặc biệt đối với khối ngành có khả năng phát triển trong tương lai.

Tại Hội thảo Giáo dục 2023, ngoài việc đề xuất tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh cần phân tích riêng, minh bạch hóa việc phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học và từng cơ sở giáo dục học. Nghiên cứu thực hiện phân bổ dựa trên cơ chế cạnh tranh theo sứ mạng, theo mục tiêu và cụ thể hóa theo từng chỉ số kết quả hoạt động.

Trước nội dung này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Lê Chung – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) đồng tình với đề xuất trên.

Theo Tiến sĩ Phan Lê Chung, việc phân bổ ngân sách như vậy sẽ tạo ra động lực phát triển, tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn cần xác định rõ các sứ mạng trọng tâm theo từng lĩnh vực khác nhau. Cần có những phân tích đánh giá về các sứ mạng nào mang tính cấp thiết, sứ mạng nào mang tính lâu dài, bền vững, cần có các khảo sát đánh giá chi tiết từ các cấp cơ sở, nắm bắt nhu cầu của các cơ sở giáo dục đại học tại các địa phương.

Tiến sĩ Phan Lê Chung - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phan Lê Chung - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế). Ảnh: NVCC

“Việc đào tạo theo đúng sứ mạng sẽ đặt ra cho các cơ sở giáo dục một tâm thế mới, trách nhiệm hơn, nỗ lực hơn đối với nhiệm vụ đào tạo. Từ đó, các cơ sở đào tạo sẽ chú trọng hơn trong việc tập trung vào nhiệm vụ của đơn vị mình.

Điều này, cũng phần nào tạo ra động lực để các cơ sở giáo dục đại học phát huy được sức mạnh nội lực, các thế mạnh mũi nhọn để nâng cao vị thế của đơn vị mình so với các cơ sở giáo dục đại học khác. Không chỉ tạo nên sự cạnh tranh trong các đơn vị đào tạo cùng khối ngành, cùng lĩnh vực mà còn tạo nên sự cạnh tranh giữa địa phương này với địa phương khác.

Việc phân bổ ngân sách dựa trên cơ chế cạnh tranh theo sứ mạng sẽ tạo ra thuận lợi nhưng cũng đi đôi với thách thức, khi các cơ sở giáo dục đại học cùng nỗ lực vận hành bộ máy của mình để đáp ứng các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho sự cạnh tranh công bằng trong các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước”, thầy Chung nhận định.

Bày tỏ quan điểm về việc nên tăng đầu tư cho giáo dục đại học vào nội dung nào, Tiến sĩ Phan Lê Chung nói:

“Hiện nay, có 2 nội dung mang tính cấp thiết, cần được đầu tư. Thứ nhất, đầu tư vào cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập. Theo như ý kiến trao đổi tại một số diễn đàn, hội nghị, chúng tôi nhận thấy rằng, đối với một cơ sở giáo dục đại học có cơ sở vật chất tốt sẽ có nhiều thuận lợi trong việc dạy và học. Đây cũng được xem là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để thu hút người học.

Thứ hai, đầu tư vào chất lượng giáo dục thông qua việc tạo điều kiện về cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội như đầu tư vào chất lượng bài giảng.

Bên cạnh đó, xây dựng khung lương mới phù hợp với đội ngũ nhà giáo cũng là một trong những vấn đề cấp thiết cần được quan tâm.

Việc đầu tư trên diện rộng như vậy chắc chắn phải tốn một phần ngân sách lớn. Chính vì vậy, cần có một lộ trình cụ thể để tính toán nên ưu tiên vào những khối ngành thuộc nhóm sứ mạng nào mang tính cấp thiết, then chốt hiện nay”.

Theo thầy Chung, người học là đối tượng được hưởng lợi sau khi việc tăng phân bổ ngân sách dựa trên cơ chế cạnh tranh theo sứ mạng được áp dụng. “Bởi, người học sẽ trực tiếp được học tập thông qua hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, đội ngũ giảng dạy chất lượng, môi trường học tập an toàn thuận lợi.

Một thực tế cho thấy, hiện nay, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục ngoài công lập thường được đầu tư rất tốt. Đây cũng là một nguyên nhân chính làm giảm số thí sinh đăng kí vào các cơ sở giáo dục công lập”, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) nêu quan điểm.

Để tối ưu hóa việc phân bổ ngân sách, Tiến sĩ Phan Lê Chung nhấn mạnh: “Thứ nhất, Nhà nước cần phải có một bộ tiêu chí đánh giá phân bổ ngân sách cụ thể đối với việc quy hoạch các mạng lưới cơ sở giáo dục. Cần có một bảng quy hoạch tổng thể mạng lưới giáo dục, phân bổ ngân sách tùy theo đặc điểm từng vùng, miền; chú trọng đối với những khối ngành đặc thù còn gặp nhiều khó khăn như: khối ngành Văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao,… Đây là những khối ngành thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng lĩnh vực chuyên môn sâu lại thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thứ hai, cần xem xét các mục tiêu chiến lược, thế mạnh của các tỉnh, thành phố - nơi đặt trụ sở của các trường đại học. Bởi, các cơ sở giáo dục đại học thường gắn trách nhiệm đào tạo nguồn lực lao động hoặc mang vị trí trách nhiệm lớn gắn liền với sứ mạng của địa phương đó.

Đơn cử như Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) đào tạo các ngành văn hóa, nghệ thuật, di sản,... lấy thế mạnh của vùng để phát triển mục tiêu mũi nhọn.

Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần định hướng phân bổ ngân sách có tính dự báo đối với những khối ngành có khả năng phát triển trong tương lai. Có phương án trích lập ngân sách dự phòng đối với những đầu tư mang tính phát sinh trong từng thời điểm cụ thể.

Việc triển khai phân bổ ngân sách đầu tư không nên cứng nhắc, bên cạnh các yếu tố theo quy định cần có sự linh hoạt đối với các khối ngành mang tính chất đặc thù, cần thời gian hoàn thiện các tiêu chí”.

Cùng bàn về đề xuất này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lung - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, việc phân bổ ngân sách dựa trên cơ chế cạnh tranh theo sứ mạng là một đề xuất hay nhưng không phù hợp. Vì hiện nay, có những cơ sở giáo dục đào tạo có ít giảng viên trình độ đào tạo tiến sĩ nên việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, điểm sàn xét tuyển dao động trong khoảng 15 điểm nhưng cũng đặt sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lung - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: website nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lung - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: website nhà trường.

Ngược lại, những cơ sở giáo dục đại học với đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ trên 50% thì điểm sàn xét tuyển trên 25 điểm. Như vậy, điểm đầu vào đã có sự chênh lệch rất lớn, đặt ra một dấu hỏi về chất lượng đào tạo.

“Theo tôi, việc phân bổ ngân sách nên có các tiêu chí rõ ràng, minh bạch và nên có ưu tiên đầu tư theo giai đoạn cho một số cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia để phát triển, bắt nhịp với thế giới và dần dần triển khai đến các cơ sở giáo dục đại học còn lại.

Đặc biệt, khi được cấp kinh phí nhiều hơn, người học chắc chắn là đối tượng được hưởng lợi. Ví dụ như khi tăng ngân sách, nguồn tiền cho học phí trong tổng ngân sách hoạt động có thể giảm và người học có thể đóng học phí ít hơn, có nhiều học bổng ưu đãi cho sinh viên, kinh phí thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo,...", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lung chia sẻ quan điểm.

Thảo Ly