Cần có cơ chế giám sát gói tín dụng 3000 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vay

15/08/2022 06:47
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-PGS Vũ Hải Quân đề nghị cần có cơ chế giám sát gói tín dụng cho học sinh, sinh viên vay để việc giải ngân được triển khai thật sự hiệu quả.

Sớm đổi mới chương trình tài chính tín dụng cho sinh viên

Thực hiện tự chủ đại học là bước đi cần thiết và quan trọng để giáo dục đại học Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ưu việt tự chủ mang lại, vấn đề tăng học phí của các trường đại học khi thực hiện tự chủ đang trở thành vấn đề gây tranh cãi.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Phó giáo sư Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan tới việc hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh tự chủ, nhất là khi nhiều trường đại học đồng loạt tăng học phí.

Phó giáo sư Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn

Phó giáo sư Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, “khi thực hiện tự chủ đại học, thì học phí phải tăng, mà học phí tăng dẫn tới rất nhiều sinh viên khó khăn không có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học”. Do vậy, thầy Quân đề nghị cần nhanh chóng đổi mới chương trình tài chính tín dụng cho sinh viên.

Hiện nay, mức vay tối đa đối với học sinh, sinh viên là 4 triệu đồng/tháng, tăng 1,5 triệu đồng so với quy định vay vốn cũ (theo Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên). Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều trường đại học tự chủ tăng học phí tăng chóng mặt (đặc biệt nhóm ngành sức khỏe, có trường tăng tới hơn 40% so với năm ngoái) thì mức vay này thật sự vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của sinh viên.

Về gói tín dụng hỗ trợ 3000 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vừa được thông qua, Phó giáo sư Vũ Hải Quân đề nghị cần có cơ chế giám sát để việc giải ngân đạt được hiệu quả:

“Tôi đề nghị cần tăng cường giám sát gói tín dụng cho học sinh, sinh viên vay. Gói này khoảng 3000 tỷ đồng, và tôi cũng là một trong những đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua gói hỗ trợ này. Tôi rất mong Quốc hội có chương trình giám sát để làm sao để việc giải ngân đến học sinh, sinh viên thật sự hiệu quả”, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm.

Đề xuất xem chi ngân sách cho giáo dục là loại hình chi lâu dài

Quay trở lại với câu chuyện tự chủ và tăng học phí, đâu là lời giải cho bài toán tài chính đối với các trường tự chủ, làm sao để tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội? Phó giáo sư Vũ Hải Quân cho rằng, để tự chủ đại học thực sự bền vững, nguồn tài chính cần có sự đa dạng chứ không chỉ dựa vào học phí từ người học.

Tuy nhiên, thực tế nguồn thu từ các trường đại học tự chủ hiện nay chủ yếu vẫn đang dựa vào học phí với tỷ lệ là 70-80%. Mặc dù số bài báo khoa học, công bố quốc tế tăng mạnh, nhưng đa phần các trường chưa có nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng. Đồng thời, nguồn thu từ các dịch vụ khác chiếm tỷ lệ rất thấp.

Ví dụ về cơ cấu nguồn thu của Trường Đại học Luật, Đại học Huế trong 3 năm 2017, 2018, 2019. Nguồn: Báo cáo quyết toán của Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Ví dụ về cơ cấu nguồn thu của Trường Đại học Luật, Đại học Huế trong 3 năm 2017, 2018, 2019. Nguồn: Báo cáo quyết toán của Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Trước thực tế nhiều trường đại học gặp khó khăn về tài chính khi thực hiện tự chủ, Phó giáo sư Vũ Hải Quân bày tỏ sự đồng cảm và thấu hiểu, ông đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét khoản chi ngân sách đầu tư cho giáo dục đào tạo là chi lâu dài thay vì là loại hình chi thường xuyên như hiện nay.

“Tôi mong muốn Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm hơn đến giáo dục đại học, cụ thể là vấn đề chi ngân sách cho giáo dục đại học. Hiện nay mức chi còn rất thấp, theo báo cáo của Bộ thì mới chỉ đạt 0,25%, 0,27% tính theo GDP, nếu như chúng ta nhìn qua Thái Lan, Singapore, Trung Quốc thì con số này của chúng ta thấp hơn rất nhiều.

Chi ngân sách cho giáo dục đào tạo, theo tôi nên được xem là một loại hình chi đầu tư lâu dài chứ không thuần là chi thường xuyên khi các trường tự chủ, bởi vì quan niệm đây là chi thường xuyên nên cắt ngay ngân sách, mà cắt ngay thì tạo ra khó khăn ban đầu cho các trường đại học thực hiện tự chủ”, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đưa ra kiến nghị.

Số liệu chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học giai đoạn 2018-2020. Đơn vị: tỷ đồng (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Số liệu chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học giai đoạn 2018-2020. Đơn vị: tỷ đồng (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Ngoài ra, Phó giáo sư Vũ Hải Quân cũng đề nghị Quốc hội sớm có xem xét, điều chỉnh về hệ thống chính sách, luật pháp liên quan tới tự chủ đại học để các trường triển khai tự chủ thuận lợi hơn:

“Tôi mong Quốc hội rà soát lại những quy định chưa đồng bộ với Luật 34 (Luật Giáo dục Đại học) để tự chủ đại học thực sự phát huy hiệu quả, giải phóng các nguồn lực để đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước theo đúng tinh thần "đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo là một trong ba đột phá”".

Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm triển khai trong năm học 2022-2023: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản; rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về thực hiện tự chủ đại học, trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ về tổ chức, quản trị và tài chính”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn thông tin tại Hội nghị.

Ngoài ra, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn khẩn trương triển khai chương trình đặt hàng đào tạo như đã cụ thể hóa ở Luật Giáo dục Đại học:

“Luật ghi rất rõ chúng ta phải đặt hàng đào tạo, tuy nhiên đến giờ này, ngoài chương trình sư phạm ra, các chương trình khác, đặc biệt các ngành khoa học, khoa học công nghệ cơ bản, các ngành phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước vẫn chưa được triển khai”.

Ngày 4/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 09/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Theo đó, mức vốn cho vay tối đa 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện không vượt quá thời điểm ngày 31/12/2023 hoặc khi giải ngân hết 3.000 tỷ đồng theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tùy theo điều kiện nào đến trước.

Doãn Nhàn