Tăng học phí, các trường ĐH cần có thêm chính sách hỗ trợ sinh viên khó khăn

12/06/2022 06:42
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- TS Hoàng Ngọc Vinh: "Chính sách tăng học phí cần đi kèm với các chính sách khác một cách đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo."

Thực hiện cơ chế tự chủ và áp dụng khung mới, học phí năm học 2022 - 2023 ở nhiều cơ sở giáo dục đại học tăng, một số ngành tăng mạnh.

Đánh giá vấn đề trên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, theo con mắt của nhiều nhà quản lý giáo dục đại học, việc tăng học phí là một trong các giải pháp then chốt để tăng chất lượng đào tạo trong điều kiện nguồn ngân sách của nhà nước hạn chế.

“Tỷ lệ lao động có trình độ giáo dục đại học còn thấp. Điều này khẳng định nhu cầu đào tạo nhân lực có trình độ đại học phải tăng lên để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của người dân muốn học lên trình độ đại học.

Tuy nhiên, xuất hiện mâu thuẫn giữa việc mở rộng cơ hội học đại học và nâng cao chất lượng đào tạo. Khi muốn nâng cao chất lượng buộc các cơ sở giáo dục đại học phải điều tiết lại mức học phí bằng cách thu học phí tăng thêm.

Như vậy, học phí tăng cao sẽ thu hẹp cơ hội học tập đại học của một bộ phận dân nghèo sống ở các vùng nông nghiệp, miền núi, ven biển có thu nhập thấp. Mặc dù, mức cho sinh viên nghèo vay vốn để đi học tăng lên đến 4 triệu đồng/tháng nhưng học phí tăng cao cộng với chi phí sinh hoạt đắt đỏ chắc chắn sẽ hạn chế giấc mơ học đại học của họ.

Việc tăng học phí là việc hiển nhiên nếu muốn có một nền giáo dục đại học chất lượng và hiệu quả, nhưng dư luận vẫn còn băn khoăn về chất lượng đào tạo thực tế có làm giá trị của sinh viên gia tăng tương ứng”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh phân tích.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Tùng Dương

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Tùng Dương

Cần thêm các chính sách hỗ trợ đi kèm khi tăng học phí

Trước việc nhiều trường đại học công lập sẽ tăng học phí ngay trong năm học 2022 - 2023, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhấn mạnh, chính sách tăng học phí cần đi kèm với các chính sách khác một cách đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo (tuyển dụng giảng viên giỏi, mua sắm thiết bị, sách, ứng dụng công nghệ dạy học mới), cải thiện cơ hội việc làm, tăng vốn vay cho sinh viên theo học, tăng học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi.

“Các nhà trường cần cơ cấu lại việc đầu tư, tích lũy có được nhờ tăng học phí, minh bạch thông tin tài chính và chất lượng. Điều quan trọng là một trường đại học công lập không nên chỉ chăm chăm vào thu học phí để trang trải mọi chi phí mà cần tăng thu và quản lý hiệu quả các nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ cho xã hội và nhà nước.

Thực chất, học phí học đại học ở Việt Nam còn khá thấp so nhiều nước, việc tăng học phí trong điều kiện ngân sách công cung cấp không đủ là việc phải làm”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói.

Theo thông báo phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, học phí dự kiến năm 2022 một số ngành cũng tăng so với năm 2021.

Cụ thể, trừ ngành lý luận được miễn học phí, các ngành khác hệ đại trà có học phí là 440.559 đồng/tín chỉ, tăng 65.035 đồng/tín chỉ so với khóa tuyển sinh 2021 (Điều chỉnh theo hướng dẫn của Nghị định 81/2021/NĐ-CP).

Chương trình toàn khóa của các ngành này là 143 tín chỉ, như vậy với mức học phí mới, sinh viên cần nộp gần 63 triệu đồng cho toàn khóa học (tăng gần 9,3 triệu đồng so với năm trước).

Riêng hệ chất lượng cao, học phí năm 2022 dự kiến là 1.108.000 đồng/tín chỉ (tạm tính, chưa bao gồm 13 tín chỉ Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng - An ninh), tăng 323.000 đồng/tín chỉ so với học phí cho sinh viên hệ này năm 2021.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trường đại học, trường Đảng trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, học viện được nhà nước giao thực hiện tự chủ từ năm 2006, tuy nhiên mới chỉ tự chủ một phần.

Tính đến nay, mức độ tự chủ đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền mới thực hiện được khoảng 40% (tức là mức độ thu học phí mới bù đắp được 40% tổng chi của nhà trường, số còn lại do ngân sách nhà nước cấp bù).

Vì Học viện đang là trường đại học tự chủ một phần tài chính, ngân sách nhà nước đảm bảo một phần và một phần từ nguồn thu (trong đó có học phí), do đó sinh viên theo học ở Học viện đóng học phí mức dưới của các trường đại học hiện nay.

Cụ thể, học phí đều thực hiện theo đúng quy định của nhà nước (Nghị định 86/2015/NĐ-CP và nay là Nghị định 81/2021/NĐ-CP) và lộ trình tăng học phí của học viện đều không vượt quá quy định. Đi kèm với việc tăng học phí, nhà trường luôn có các chính sách hỗ trợ sinh viên trong từng năm học vừa qua và hiện nay”.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh:NVCC

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh:NVCC

Nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra, cụ thể như sau:

Miễn giảm từ 50% học phí cho sinh viên thuộc diện chính sách theo quy định, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên dân tộc thiểu số.

Miễn 100% học phí cho sinh viên học tập các chuyên ngành Lý luận Mác - Lênin.

Tạo mọi điều kiện cho sinh viên được tiếp cận các nguồn vốn vay, tài trợ từ chính sách của các ngân hàng, tổ chức.

Hỗ trợ chi phí học tập khi học từ xa, do dịch Covid-19 bằng nhiều nguồn lực.

Hỗ trợ tiền nhà ở kí túc xá, dịch vụ khác cho sinh viên.

Tăng học bổng, khuyến khích học tập cho sinh viên.

Giãn thời gian đóng học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do điều kiện kinh tế.

Tạo môi trường hướng nghiệp năng động cho sinh viên có cơ hội tham gia làm việc, vừa rèn nghề vừa có thêm thu nhập, thông qua kết nối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp,...

Trần Lý