Cần lắm sự sẻ chia với trẻ em khuyết tật

01/04/2012 06:00
Trà Giang
(GDVN) - Các em có thể không nói, nghe được nhưng các em nhìn thấy được những mảnh ghép kỳ diệu của cuộc sống được dệt lên bởi bàn tay của những kỹ sư tâm hồn.
Trường phục hồi chức năng Khoái Châu là đơn vị tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật ở độ tuổi từ 8 đến 18 tuổi của 5 huyện phía Bắc tỉnh Hưng Yên gồm Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Lâm.
Hầu hết các em ở đây đều chậm nhớ và mau quên, nhiều em còn không làm chủ được hành vi của mình. Vì vậy, không chỉ có lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, các thầy cô giáo ở đây còn phải kiên trì tìm hiểu tâm lý của từng em để có phương pháp giảng dạy phù hợp.

Sinh ra trong một gia đình có 5 chị em, cậu bé Nguyễn Văn Nam (7 tuổi, huyện Văn Giang, Hưng Yên) đã phải chịu nhiều thiệt thòi ngay từ khi lọt lòng. Là trẻ thiểu năng trí tuệ nên Nam được các thầy cô giáo trong trường chỉ bảo từng điều để em dần làm quen với cuộc sống xung quanh.

Sinh hoạt và học tập tại đây đã được 4 năm, Nam hiện đang là học sinh lớp 1. “Ở đây thích lắm chị à, em được cùng với các bạn chơi trò trốn tìm vui lắm, lại còn được học chữ nữa. Em đã biết đọc, viết chữ rồi nhé”, Nam hớn hở khoe. 



Tất cả các em khi đến trường đều được các thầy cô giáo dạy học văn hóa. Hàng ngày, các em từ 13 tuổi trở lên đi học văn hóa nửa buổi, thời gian còn lại dành cho học nghề. Tùy theo sức khỏe, khả năng của từng em
mà các thầy cô giáo định hướng cho các em những nghề phù hợp như thêu ren, may dân dụng, may công nghiệp, cắt tóc, gò hàn hoặc làm mộc... 
Nhiều em ở mái trường này đã có được một công việc ổn định khi ra trường. Điều này không những giúp các em hoà nhập cộng đồng tốt hơn mà còn khẳng định vai trò của người khuyết tật trong xã hội, họ tàn nhưng không phế. 
Mỗi bước trưởng thành của những cô cậu học trò đặc biệt này đều ẩn chứa trong đó lòng nhân ái, tận tâm của tập thể cán bộ, các thầy cô giáo trong trường.

Giúp cho trẻ em khuyết tật được đến trường học tập, vui chơi, phát hiện và rèn luyện những khả năng của trẻ. Từ đó tạo cho các em tự tin vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Mục tiêu đó đã được chúng tôi thực hiện trong những năm qua” cô Trần Thị Dung – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Qua những chia sẻ của các thầy cô giáo đang hàng ngày tiếp xúc, giảng dạy cho các em khuyết tật ở đây, chúng tôi được biết một trẻ bị thiểu năng trí tuệ có thể đọc, viết và làm được một nghề thì phải mất khoảng 8 năm, thậm chí còn lâu hơn nữa.

Trong khoảng thời gian ấy các thầy cô giáo của Trường phục hồi chức năng Khoái Châu không chỉ đơn thuần là người dạy chữ, dạy nghề mà còn là những người cha, người mẹ thứ hai của các em, chăm sóc từng miếng cơm, giấc ngủ cũng như những sinh hoạt thường ngày.

Nhìn sự hồn nhiên, ánh mắt trong veo của cậu bé, chúng tôi hiểu các em có thể không nói, nghe được nhưng các em nhìn thấy được những mảnh ghép kỳ diệu của cuộc sống đang được dệt lên bởi bàn tay của những kỹ sư tâm hồn. Tôi chỉ mong nụ cười này còn mãi trên môi để các em vững bước trong hành trang vào đời.

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip



Trà Giang