Mã số 2,3:

Rơi nước mắt vì bé 7 tuổi nằm viện 7 năm vẫn khát chữ

07/11/2011 08:34
Thu Hòe
(GDVN) - 7 năm ròng "định cư trong bệnh viện", Vi Thị Hạnh, 7 tuổi ở Thái Bình mắc bệnh Huyết tán đang điều trị ở BV Nhi Trung ương chưa một ngày được đi học.

7 năm "định cư" ở Bệnh viện

Bước chân vào Khoa Huyết học Lâm sàng A9, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những đơn vị máu, đơn vị tiểu cầu, máy truyền hóa chất treo lủng lẳng ở các đầu giường người bệnh. Những bệnh nhân ở đây, mặt không phù phũng thì teo tóp, xanh xao, nhợt nhạt và những ánh mắt luôn  đờ đẫn nhìn về một góc.

Bệnh nhi Vi Thị Hạnh, 7 tuổi có thâm niên nằm viện 7 năm nay. (Ảnh Thu Hòe)
Bệnh nhi Vi Thị Hạnh, 7 tuổi có thâm niên nằm viện 7 năm nay. (Ảnh Thu Hòe)

Dừng chân trước cửa phòng bệnh B6, bởi theo lời của các bác sỹ, y tá thì phòng B6 là phòng có nhiều bệnh nhân nặng nhất, có thâm niên nằm viện cao nhất.

Chúng tôi gặp bệnh nhi Vi thị Hạnh, 7 tuổi có thâm niên nằm viện 7 năm nay.  7 tuổi nhưng Hạnh chỉ như đứa trẻ lên 4, lên 5. Em nhập viện vì mắc phải căn bệnh Huyết tán, thiếu máu thường xuyên khi mới tròn 2 tháng tuổi.

Hạnh sinh ra ở xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình trong một gia đình làm nông nghèo khó. Lúc mới sinh, Hạnh đáng yêu, bụ bẫm, trắng trẻo. Thế nhưng khi tròn 2 tháng tuổi, bé Hạnh bắt đầu suy nhược sức khỏe một cách trầm trọng và có những biểu hiện khác lạ.

"Còn nước còn tát. Vợ chồng tôi sẽ cố đến khi nào không thể cố được nữa để giành giật cuộc sống cho con", anh Vi Văn Chình bên con gái tại phòng bệnh. (Ảnh Thu Hòe)
"Còn nước còn tát. Vợ chồng tôi sẽ cố đến khi nào không thể cố được nữa để giành giật cuộc sống cho con", anh Vi Văn Chình bên con gái tại phòng bệnh. (Ảnh Thu Hòe)

Thấy con gái quấy khóc liên tục, vợ chồng anh Vi Văn Chình vội mang con đến cơ sở y tế gần nhà khám. Tại đây, các y bác sỹ không thể tìm ra Hạnh bị mắc bệnh gì và chỉ cho thuốc giảm đau và thuốc bổ về nhà uống.

Uống thuốc vào không hề thuyên giảm, ngược lại bé Hạnh ngày càng quấy khóc, toàn thân nhợt nhạt, xanh xao như tàu lá. Anh Chình cùng vợ lại tiếp tục mang con lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình khám. Ngay lập tức, Hạnh được điều lên tuyến bệnh viện Trung ương vì mức độ nguy hiểm của bệnh.

Tại Khoa Huyết học Lâm sàng A9, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sỹ kết luận bé Hạnh bị Huyết tán, thiếu máu thường xuyên. Bắt đầu từ đó, hai bố con Hạnh ở riết bệnh viện cho đến nay. Những ngày ở nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay vì cứ cách đôi ba ngày em lại phải truyền máu, truyền tiểu cầu và trị liệu bằng hóa chất 1 lần.

Hiện tại, bệnh của Hạnh đã biến chứng sang nhiều dạng. Huyết tán đã ăn vào gan, lá lách và thận. Mỗi ngày, em đều phải truyền máu, truyền tiểu cầu mới có thể duy trì được thể trạng.

Các bác sỹ, y tá tại khoa vẫn gọi đùa bố con Hạnh là “2 bố con tường chinh” hay “Cháu bé dã chiến”…

Mỗi tháng điều trị tại Bệnh viện cũng mất 5-6 triệu đồng tiền mua thuốc ngoài, chưa kể đến tiền viện phí, tiền các loại dịch vụ, ăn uống. Trừ tất cá các khoản ưu đãi từ bảo hiểm y tế dành cho hộ nghèo, mỗi tháng bố con bé Hạnh cũng mất gần chục triệu đồng tiền điều trị. 

Nhà chỉ có mấy sào ruộng lại không có nghề phụ gì, cuộc sống đã khó khăn nay lại càng thêm khó. Thế nhưng, những người làm cha, làm mẹ như anh Chình vẫn luôn hy vọng một phép màu sẽ đến với đứa con gái bé bỏng tội nghiệp. 

"Biết là bệnh nan y khó chữa nhưng còn nước còn tát. 2 vợ chồng tôi sẽ cố đến khi nào không thể cố được nữa để giành giật cuộc sống cho cháu...", anh Chình tâm sự.

Xót xa nhìn cơ hội sống duy nhất tuột khỏi tầm tay

Đó là trường hợp của bệnh nhi Phan Thị Duyên, 9 tuổi ở Xuân Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh, bệnh nhi đang điều trị ở phòng B3, Khoa Huyết học Lâm sàng A9, bệnh viện Nhi Trung Ương.

Đang khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác, Duyên bỗng dưng phát bạo bệnh khi đang học lớp 3. Kết quả khám và xét nghiệm máu trả về kết luận em bị Suy tủy nặng.

Hai năm nay, Phan Thị Duyên luôn phải chịu sự hành hạ của bệnh tật. (Ảnh Thu Hòe)
Hai năm nay, Phan Thị Duyên luôn phải chịu sự hành hạ của bệnh tật. (Ảnh Thu Hòe)

Từ đầu năm 2010 đến nay, không biết Duyên đã phải vào viện cấp cứu bao nhiêu lần do tiểu cầu xuống thấp đến mức cực kỳ nguy hiểm. Cũng từ đó, hai mẹ con Duyên không dám xin xuất viện về nhà. Bởi lẽ đường sá đi lại quá xa xôi, các tuyến bệnh viện dưới lại không thể điều trị được căn bệnh của em. Lỡ ra…

“Vui như bắt được vàng” khi kết quả xét nghiệm tủy của Hạnh và chị gái khớp nhau gần như 100%. Ngỡ tưởng ông trời đã mở cho Hạnh một con đường để sống khỏe mạnh như bao nhiêu người. Niềm vui vỡ òa cùng những giọt nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ của cả ba và mẹ.

Nhưng xót xa thay, Hạnh lại bị biếm chứng Viêm gan C nên không thể tiến hành ghép tủy được. “Niềm vui mừng khi biết con có cơ hội sống khẻo mạnh chưa dứt thì gia đình lại nghe được hung tin cháu bị biến chứng Viêm gan C không thể tiến hành ghép tủy. Gia đình tôi lại rơi vào tuyệt vọng hoàn toàn…”, chị Thân Thị Thương, mẹ cháu Duyên nghẹn ngào nói trong nước mắt.

Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Hoàng Nam, khoa Huyết học Lâm sàng A9, Bệnh viện Nhi Trung Ương, người trực tiếp điều trị cho Phan Thị Duyên cho biết: “Để tìm được tủy phù hợp như vậy là rất hiếm. Nhưng thật không may mắn và xót xa vì tình trạng hiện tại của Duyên không thể tiến hành ghép tủy bây giờ được. Hơn nữa chi phí cho cuộc đại phẫu này có thể lên tới 500 – 600 triệu là một điều quá sức với gia đình. Hiện tại thì Hạnh đang được điều trị bằng cách truyền máu, tiểu cầu và hóa chất đề duy trì sự sống…”

Ghép tủy là cách duy nhất để Duyên có được cuộc sống khỏe mạnh nhưng đó là điều không tưởng với em lúc này. (Ảnh Thu Hòe)
Ghép tủy là cách duy nhất để Duyên có được cuộc sống khỏe mạnh nhưng đó là điều không tưởng với em lúc này. (Ảnh Thu Hòe)

Bác sỹ Hoàng cũng cho biết thêm: “Nếu điều trị dứt điểm được biến chứng Viêm gan C và bệnh nhân không có biểu hiện biến chứng nào khác, kết quả xét nghiệm toàn thân cho phép phẫu thuật ghép tủy, chúng tôi sẽ tiến hành phẫu thuật.

Tuy nhiên, cơ hội ghép tủy của Hạnh rất mong manh. Hiện tại, nếu quá 2 ngày cháu Hạnh không được truyền máu, tiểu cầu và trị hiệu bằng hóa chất, cháu sẽ có những biểu hiện như chảy máu chân răng, chảy máu chân lông, thể trạng sẽ suy yếu, ngất xỉu và sẽ nguy hiểm đến tính mạng… Đây cũng là lý do vì sao, Hạnh phải nằm nội trú tại khoa lâu dài như vậy.

“Chưa đi học bao giờ, học dở dang… toàn những đứa trẻ khát chữ”

“Hầu hết bệnh nhi khi vào điều trị tại bệnh viện cũng là lúc các cháu phải gián đoạn việc học tập ở trường. Đau xót hơn, có những bệnh nhi cuộc sống của chúng không thể nào thiếu thuốc, không thể rời xa bệnh viện. Xuất viện rồi lại nhập viện, cứ quanh năm trở đi trở lại bệnh viện như vậy.

Điều này cũng đồng nghĩ với chuyện những đứa trẻ ấy sẽ chả bao giờ có được cái niềm vui bình dị của ngày đầu tiên đi học…”, Thạc sỹ Dương Thị Minh Thu, trưởng phòng, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Trung ương bắt đầu câu chuyện với phóng viên báo điện tử giáo dục Việt Nam.

Hầu hết các bệnh nhi đang điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương đều mong chờ lớp học tại bệnh viện của báo GDVN
Hầu hết các bệnh nhi đang điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương đều mong chờ lớp học tại bệnh viện của báo GDVN

Biết được chương trình từ thiện của báo Giáo dục Việt Nam tại Bệnh viện Nhi trung ương, Phòng Công tác xã hội là những người vui mừng hơn ai hết. Bởi lẽ những người làm công tác xã hội của Bệnh viện luôn muốn mang đến những món quà vật chất cũng như tinh thần cho những bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện. Và sự giúp đỡ của những tổ chức, cá nhân hảo tâm là điều vô cùng cần thiết.

Thạc sỹ Thu cho biết: “Gần như 100% bệnh nhi đang điều trị lâu dài ở các khoa trong Bệnh viện là những trường hợp gia đình vô cùng khó khăn, bệnh tình hiểm nghèo. Có những cháu mới sinh ra, cuộc sống đã chỉ biết đến thuốc và giường bệnh viện. Các cháu đều không được đi học hoặc gián đoạn việc học ở trường vì bệnh tật. Chúng khát khao được khỏi bệnh, khát khao được khỏe mạnh, được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác… Thương lắm!"

“Bố sẽ cõng con đi học mỗi ngày cô ạ…”

7 tuổi lẽ ra đã đi học lớp 2 nhưng Vi Thị Hạnh lại không có được cái may mắn đó. Em chưa một ngày được đến trường học chữ. Thương con, vợ chồng anh Vi Văn Chình dạy con học bảng chữ cái trong bệnh viện, học đếm, học số trên giường bệnh trong lúc đang truyền dịch…

Dù không được đi học nhưng Hạnh vẫn bập bõm biết đọc, nhận dạng được những chữ đơn giản và biết đếm số từ 1 - 20.

"Bố sẽ cõng con đi học hàng ngày. Con muốn được đi học như chị và em của con". (Ảnh Thu Hòe)
"Bố sẽ cõng con đi học hàng ngày. Con muốn được đi học như chị và em của con". (Ảnh Thu Hòe)

Biết được sắp có lớp học tại bệnh viện, Hạnh vui mừng lắm và nằng nặc đòi bằng được bố cho đi học. “Bố con cho con đi học rồi. Bố sẽ cõng con đi học hàng ngày. Cô nói với các bác, các cô cho con đi học nhé! Chị con, em con ở nhà được đi học con thì không được… Con thích đi học lắm…”, Hạnh nói như reo lên, nhưng lại khiến người nghe thấy đau quặn trong lòng.

Cũng vui mừng không kém, Duyên háo hức: “Đang học dở lớp 3, con phải đi viện. Từ đó không được đi học nữa. Con không thích ở bệnh viện đâu. Con muốn được đi học như các bạn cơ. Nhưng mẹ con bảo, con phải khỏi bệnh mới đi học được. Nếu con không đi học, cái Bống em con sẽ làm toán giỏi hơn con…”

Theo kết quả điều tra “Nhu cầu học tập” tại Bệnh viện của Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Trung ương có đến 90,25% bệnh nhi mong muốn được đi học.

 Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

 1. Chị Thân Thị Thương (mẹ cháu Phan Thị Duyên), Xuân Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh. Số điện thoại: 01668380731

 - Mã số: 2

2. Anh Vi Văn Chình (bố cháu Vi Thị Hạnh), xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Số điện thoại: 01683310165.

- Mã số: 3

3. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

 - Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

  - Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

  4. Gửi qua Ngân hàng:

  - Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

  - Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

 Lưu ý:

 - Khi chuyển tiền ủng hộ cho một hoàn cảnh cụ thể, đề nghị Bạn đọc ghi rõ tên hoàn cảnh hoặc Mã số của hoàn cảnh.

 Ví dụ:

 Ủng hộ cháu Vi Thị Hạnh hoặc Ủng hộ Mã số 3

Thu Hòe