Cần sớm hướng dẫn cụ thể chuyển tổ hợp môn, đừng để HS thấy mình như bị bỏ rơi

29/12/2022 06:43
Hương Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều học sinh lớp 10 xin chuyển đổi môn/ tổ hợp môn nhưng cho đến thời điểm này Vụ Giáo dục Trung học vẫn chưa có hướng dẫn.

Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải tuyến bài viết đề cập đến việc học sinh lớp 10 xin chuyển đổi môn/ tổ hợp môn nhận được sự quan tâm đông đảo của dư luận, trong đó có giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.

Tạp chí dẫn lời một số hiệu trưởng cho biết, lãnh đạo các nhà trường cũng đang gặp một số khó khăn khi học sinh xin chuyển đổi môn/ tổ hợp môn vì liên quan đến hành lang pháp lí về quyền lợi học sinh và chế độ chính sách giáo viên.

Bài viết dưới đây tiếp tục phân tích thực trạng học tập của học sinh lớp 10 nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn khi các em xin chuyển đổi môn/ tổ hợp môn.

Ảnh minh họa: Thùy Linh/ giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: Thùy Linh/ giaoduc.net.vn

Quan điểm trái chiều về việc chuyển đổi môn học

Các luồng ý kiến trên Tạp chí đều khẳng định học sinh có quyền xin chuyển đổi môn/ tổ hợp môn vì Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT không cấm và nhà trường phải đáp ứng quyền học tập chính đáng của các em.

Tuy vậy, các luồng ý kiến cũng nêu 3 quan điểm trái chiều khi học sinh xin chuyển đổi môn/ tổ hợp môn, đó là: giải quyết cho các em chuyển giữa học kì 1; cuối học kì 1 và cuối năm học lớp 10.

Theo đó, bài viết "Nguyên nhân khiến nhiều học sinh lớp 10 dễ chọn nhầm môn/tổ hợp môn?" (ngày 29/11/2022) nêu ý kiến "Bộ Giáo dục cần sớm sửa đổi Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT theo hướng, chấp nhận cho học sinh chuyển đổi môn/ tổ hợp môn vào giữa học kì học kì 1 của năm học lớp 10 để các em còn có thời gian học tập, kiểm tra". [1]

Một bài viết khác đề xuất "Bộ Giáo dục nên cho học sinh lớp 10 được chuyển môn/ tổ hợp môn ngay sau học kì I" (ngày 4/12/2022) - nghĩa là "thực hiện càng sớm càng tốt. Nếu càng để lâu, khối lượng kiến thức các em phải học càng nhiều". [2]

Bài viết "Hiệu trưởng kiến nghị: Hết năm học, học sinh lớp 10 mới được chuyển tổ hợp" (ngày 8/12/2022) dẫn lời một lãnh đạo trường học ở Thành phố Đà Nẵng đưa ra đề xuất này, bởi "lúc đó, nhà trường mới có cơ sở để tổng kết môn học đó".

"Còn khi đã sang lớp 11 rồi, việc chuyển đổi môn cũng sẽ khiến các em phải tính toán đến chuyện rèn luyện, bồi dưỡng kiến thức sao cho kịp khối lượng kiến thức của môn học mới lựa chọn chuyển sang, bù đắp phần lớp 10 không được học (môn mới)”. [3]

Cần nhìn thẳng vào thực trạng học tập của học sinh để tháo tháo gỡ

Người viết đã từng phân tích có 4 nguyên nhân chính khiến học sinh lớp 10 xin chuyển môn/ tổ hợp môn qua bài "Nguyên nhân khiến nhiều học sinh lớp 10 dễ chọn nhầm môn/ tổ hợp môn" (ngày 29/11/2022). [1]

Tôi còn được một số giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thêm, sở dĩ các em lớp 10 xin chuyển môn/ tổ hợp môn vì Chương trình mới xuất hiện 124 tổ hợp môn nhưng thực tế các nhà trường chỉ ấn định sẵn khoảng 5, 6 tổ hợp môn. Vậy nên, học sinh bắt buộc phải chọn những môn mà mình không yêu thích, đến lúc gần hết học kì 1 thì không theo kịp.

Và thực tế cho thấy, học sinh bậc trung học phổ thông ngày càng có xu thế chọn tổ hợp môn thiên về các môn khoa học xã hội để dễ lấy điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Riêng việc xét tuyển đại học, đa số học sinh sử dụng phương thức xét điểm học bạ để có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.

Như thế để thấy rằng, việc học sinh xin chuyển môn/ tổ hợp môn không chỉ xảy ra ở năm lớp 10 mà có thể kéo đến năm lớp 11, kể cả năm lớp 12. Điều đáng tiếc, người viết chưa thấy hiệu trưởng và các thầy cô giáo đề cập hoặc phân tích thấu đáo về những trường hợp này.

Liên quan đến việc học sinh xin chuyển môn/ tổ hợp môn, Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 9/12/2022 dẫn lời đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tháng 4/2022, trong công văn hướng dẫn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ:

“Trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố”. Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không ban hành văn bản hướng dẫn lại nội dung đã được quy định trong hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền cao hơn". [4]

Ngoài ra, Công văn số 6027/BGDĐT-GDTX ngày 15/11/2022 về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập trong chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ (trích):

"Khi học viên thay đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập hoặc khi học viên chuyển trường và phải thay đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập cho phù hợp với đơn vị tiếp nhận chuyển đến, học viên phải tự chủ động tự học bổ sung kiến thức để có thể học được các môn lựa chọn và cụm chuyên đề học tập mới". [5]

Cá nhân người viết cho rằng, việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập ở lớp 10 đối với chương trình phổ thông cần được Bộ Giáo dục hướng dẫn kĩ lưỡng thì các nhà trường mới có cơ sở thực hiện đồng bộ.

Còn nếu chỉ quy định như chương trình Giáo dục thường xuyên (học viên tự chủ động tự học bổ sung kiến thức) thì nói thật, giáo viên và phụ huynh học sinh có cảm giác như các em đang bị bỏ rơi.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/nguyen-nhan-khien-nhieu-hoc-sinh-lop-10-de-chon-nham-monto-hop-mon-post231505.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/bo-nen-cho-hoc-sinh-lop-10-duoc-chuyen-monto-hop-mon-ngay-sau-hoc-ki-i-post231561.gd

[3] https://giaoduc.net.vn/hieu-truong-kien-nghi-het-nam-hoc-hs-lop-10-moi-duoc-chuyen-to-hop-post231648.gd

[4] https://www.sggp.org.vn/loay-hoay-chuyen-doi-mon-hoc-cho-hoc-sinh-lop-10-862436.html

[5] https://ttgdtxhaiphong.haiphong.edu.vn/bo-gd-va-dt/cong-van-6027bgddt-gdtx-ngay-15-thang-11-nam-2022-cua-bo-giao-duc-dao-tao-ve-vi/ctmb/16610/36573

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Ly