Chỉ có tình yêu con trẻ mới giúp giáo viên mầm non gắn bó với nghề

08/11/2019 06:26
LÃ TIẾN
(GDVN) - Mỗi ngày làm việc hơn 10 tiếng với đủ những việc không tên, để có thể gắn bó lâu dài với nghề, các giáo viên mầm non luôn phải tận tâm và hết mực yêu con trẻ.

Ngày nào cũng vậy, từ 6 rưỡi sáng, cô giáo Nguyễn Thị Hải Lan (sinh năm 1977), giáo viên Trường mầm non Hoa Phượng (quận Kiến An, Hải Phòng) đã phải có mặt ở trường để dọn dẹp lớp học, chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng đón trẻ vào lớp.

Cả một ngày cô Hải Lan cứ luôn tay, luôn chân với các công việc như: Cho trẻ ăn sáng, tập thể dục, vệ sinh, dạy học, cho trẻ ăn trưa, cho trẻ đi ngủ, trẻ dậy thì cho ăn bữa ăn chiều, tổ chức các hoạt động, trò chơi, góc học tập.

Đến 5, 6 giờ chiều, khi đã trả hết trẻ, cô giáo Lan mới hoàn thành công việc để về nhà.

Trong công việc, cô giáo Nguyễn Thị Hải Lan dành nhiều thời gian, tâm huyết để chăm sóc và nuôi dạy trẻ (Ảnh: Lã Tiến)
Trong công việc, cô giáo Nguyễn Thị Hải Lan dành nhiều thời gian, tâm huyết để chăm sóc và nuôi dạy trẻ (Ảnh: Lã Tiến)

Những công việc đó cứ lặp đi, lặp lại, ngày nào cũng vậy, tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế, có chứng kiến một ngày dạy học, chăm sóc trẻ của cô giáo Hải Lan, chúng tôi mới thấu hiểu được những vất vả, nhọc nhằn, áp lực mà cô gặp hằng ngày.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Lan trải lòng: “Mỗi lớp có khoảng 30 trẻ, mỗi trẻ mang một tính cách khác nhau nên chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc các con.

Theo tôi thấy, vất vả nhất vẫn là giờ ăn cho trẻ. Với trẻ độ tuổi nhà trẻ dưới 3 tuổi, những giờ ăn như một cuộc chiến với giáo viên.

Các con còn bé, chưa tự xúc ăn, dễ làm đổ thức ăn ra áo, ra nhà. Khi các con ngủ say, chúng tôi mới tranh thủ ăn trưa và quan sát các con, nhiều con bị ốm, thì chúng tôi phải thức cả trưa để trông, chăm nom”.

Cô giáo mầm non vừa điều trị ung thư vừa chăm sóc trẻ thơ
Cô giáo mầm non vừa điều trị ung thư vừa chăm sóc trẻ thơ

Theo cô giáo Lan, dạy học sinh mầm non theo chương trình lấy trẻ làm trung tâm là nhiệm vụ rất khó khăn bởi, trường cô có nhiều cháu bị tự kỷ, bị thiểu năng trí tuệ.

Nhiều cháu bị bệnh nên việc cho ăn, dạy học chữ, viết chữ rất khó khăn nên cô luôn phải cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ để chăm sóc các cháu.

Cùng chung nỗi niềm với cô giáo Trần Thị Liên, giáo viên Trường Mẫu giáo Kim Đồng 4 (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: “Tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm dạy các con trong độ tuổi nhà trẻ.

Ở lứa tuổi này, nhiều bé chưa nhận thức được việc đi vệ sinh nên chúng tôi phải dọn dẹp luôn tay luôn chân.

Một số trẻ mới đến còn liên tục khóc nhè, nên nhiều hôm tôi phải bế cả ngày, mỏi nhừ hai cánh tay.

Với công việc giáo viên mầm non, việc đi sớm về muộn là chuyện bình thường, vì thế, đôi khi việc chăm con, vun vén gia đình với chúng tôi thật khó mà chu toàn”.

Cô giáo Trần Thị Liên, giáo viên Trường Mẫu giáo Kim Đồng 4 (quận Lê Chân, Hải Phòng) vừa điều trị bệnh ung thư vừa dành tình yêu cho trẻ (Ảnh: Lã Tiến)
Cô giáo Trần Thị Liên, giáo viên Trường Mẫu giáo Kim Đồng 4 (quận Lê Chân, Hải Phòng) vừa điều trị bệnh ung thư vừa dành tình yêu cho trẻ (Ảnh: Lã Tiến) 

Có dịp trò chuyện với nhiều cô giáo mầm non khác tại một số Trường mầm non trên địa bàn Hải Phòng, chúng tôi hiểu thêm rằng, các cô phải đảm đương rất nhiều vị trí, vai trò, vừa là cô giáo, vừa là người mẹ thứ hai, vừa là bác sĩ, vừa là bạn của trẻ.

Công việc vất vả, áp lực là vậy, nhưng thu nhập của giáo viên mầm non trung bình chỉ từ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng.

Theo các cô giáo mầm non, để gắn bó lâu dài với nghề và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, giáo viên mầm non cần có tình yêu với trẻ và chăm sóc giáo dục trẻ với cái tâm của một người mẹ.

Phải thực sự yêu thương con trẻ thì các giáo viên mầm non mới có thể gắn bó với nghề (Ảnh: Lã Tiến)
Phải thực sự yêu thương con trẻ thì các giáo viên mầm non mới có thể gắn bó với nghề (Ảnh: Lã Tiến)

Được biết, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã có nhiều quan tâm đối với đội ngũ giáo viên mầm non.

Qua đó giúp các cô nâng cao về trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, thông qua các hoạt động cụ thể như: cử đi tập huấn, tổ chức sinh hoạt chuyên môn giữa các địa phương, nhà trường, tổ chuyên môn; tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng liên huyện, liên trường, liên cụm...

Vẫn biết rằng mỗi nghề đều có những nỗi vất vả riêng nhưng với nghề giáo viên mầm non, bên cạnh sự quan tâm của ngành giáo dục, thì họ cần được sự cảm thông, chia sẻ hơn nữa từ phía xã hội và phụ huynh.

Để từ đó, các cô giáo mầm non được tiếp thêm động lực, gắn bó lâu dài với nghề dạy học.

LÃ TIẾN