Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) được thành lập theo Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 03/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt - Hàn, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin và một số đơn vị khác thuộc Đại học Đà Nẵng (trong đó có Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông).
Theo thông tin trên website, nhà trường có sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học; chuyển giao tri thức và công nghệ về công nghệ thông tin, truyền thông, kinh tế số và các lĩnh vực liên quan nhằm phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương, quốc gia và quốc tế.
Nhà trường xác định tầm nhìn trở thành trường đại học định hướng ứng dụng hàng đầu của cả nước về công nghệ thông tin, truyền thông, kinh tế số và các lĩnh vực liên quan theo mô hình quản trị tiên tiến, trường học thông minh, hiện đại.
Hiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Công Pháp giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường.

Bỏ trống nội dung tóm tắt sản phẩm, ứng dụng thực tiễn của dự án, nhiệm vụ khoa học
Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của độc giả về việc khi tìm hiểu thông tin ba công khai năm học 2023-2024 và năm học 2024-2025 của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) có một số thông tin chưa rõ ràng.
Đơn cử, tại mục 1, biểu mẫu 18, báo cáo ba công khai năm học 2023-2024, về công khai thông tin các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn, nhà trường bỏ trống toàn bộ nội dung “Tóm tắt sản phẩm, ứng dụng thực tiễn” của 5 dự án, nghiên cứu khoa học công nghệ.


Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn cho biết, do Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) mới được thành lập vào năm 2020, vì vậy hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vẫn đang trong giai đoạn đầu xây dựng nền tảng, định hướng và hoàn thiện đội ngũ.
Các dự án nghiên cứu trong các năm học vừa qua chủ yếu tập trung vào việc hình thành ý tưởng, xây dựng cơ sở lý luận, thử nghiệm mô hình nhỏ, và chưa đạt đến giai đoạn có sản phẩm hoặc ứng dụng thực tiễn rõ ràng để đưa vào báo cáo.
Việc để trống nội dung phần “Tóm tắt sản phẩm, ứng dụng thực tiễn” cũng là do trung thực trong việc báo cáo tiến độ và kết quả hiện tại của các đề tài, thay vì ghi nhận những thành quả chưa thực sự hoàn thiện. Tuy nhiên, đây cũng là cơ sở để nhà trường tiếp tục đầu tư, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu phát triển các sản phẩm có tính ứng dụng cao trong thời gian tới.
“Nhà trường cam kết minh bạch trong công khai thông tin và luôn nỗ lực để hoạt động khoa học công nghệ ngày càng gắn liền với thực tiễn, đóng góp thiết thực cho cộng đồng và xã hội”, vị này chia sẻ.
Quy mô đào tạo tăng hơn 1.000 sinh viên
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm học 2023-2024 (4.480 sinh viên) đến năm học 2024-2025 (5.601 sinh viên), quy mô đào tạo chính quy của nhà trường tăng hơn 1.100 sinh viên.
Lý giải điều này, đại diện nhà trường cho biết, từ năm học 2023-2024 đến năm học 2024-2025, số sinh viên tốt nghiệp là 485 sinh viên và số sinh viên tuyển mới là 1.517 chỉ tiêu. Do đó, quy mô đào tạo chính quy trình độ đại học tăng khoảng 1.100 sinh viên.
Nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm chất lượng tương ứng với mức độ phát triển quy mô đào tạo. Cụ thể, về cơ sở vật chất, tổng diện tích đất của nhà trường là 15,5 ha (theo quyết định giao đất mới của Đại học Đà Nẵng); tổng diện tích sàn xây dựng là 31.166m2. Chỗ ở ký túc xá sinh viên có diện tích khoảng 21.756m2 (phục vụ cho 4.000 chỗ ở).
Về nguồn lực giảng viên, theo đại diện nhà trường chia sẻ, nhà trường hiện có gần 300 giảng viên, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên chức danh phó giáo sư chiếm gần 41% trên tổng giảng viên.
Nhà trường là thành viên của Đại học Đà Nẵng. Do đó, trong công tác tuyển sinh, nguồn lực giảng viên được điều tiết dùng chung trong toàn Đại học Đà Nẵng. Nhà trường hiện nay chỉ đào tạo tập trung 03 lĩnh vực như sau: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kinh doanh và Quản lý, Báo chí và Truyền thông. Chính vì vậy, quy mô và tỷ lệ giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên tham gia giảng dạy từng lĩnh vực trên thuộc nhóm những giảng viên có năng lực tốt hiện nay.
Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường được thực hiện theo quy định chung và kiểm soát rất nghiêm của Đại học Đà Nẵng, Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và Thông tư số 10/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT), và dựa trên nguồn lực cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thực hiện giám sát chặt chẽ việc xác định chỉ tiêu thông qua các hệ thống như hệ thống HEMIS (https://hemis-cms.moet.gov.vn), tuyển sinh (https://tuyensinh.moet.gov.vn/ts/),... Do vậy, cơ sở giáo dục đại học nói chung và nhà trường nói riêng không thể xác định chỉ tiêu và tuyển sinh vượt quá năng lực theo quy định của thông tư và sự giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Với các nguồn lực cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên hiện có, nhà trường có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định. Nhưng trong những năm gần đây nhà trường vẫn giữ nguyên 1.500 chỉ tiêu/năm nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm trúng tuyển trung bình thuộc nhóm cao của cả nước), tập trung vào việc phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ tốt nhất cho sinh viên”, đại diện nhà trường cho biết.
Không có giảng viên chức danh giáo sư nào
Theo thông tin trong báo cáo ba công khai, năm học 2023-2024, nhà trường có tổng 122 giảng viên; năm học 2024-2025, nhà trường có tổng 151 giảng viên. Tuy nhiên, trong hai năm học này, nhà trường đều không có giảng viên chức danh giáo sư nào.

Theo vị đại diện nhà trường, việc hiện nay nhà trường chưa có giảng viên chức danh giáo sư cũng là do trường mới được thành lập, trong khi để đạt đến chuẩn chức danh giáo sư đòi hỏi một quá trình tích lũy lâu dài về nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế, hướng dẫn nghiên cứu sinh, tham gia hội đồng khoa học,... Tuy vậy, nhà trường luôn xác định việc xây dựng đội ngũ học thuật chất lượng cao là chiến lược cốt lõi.
Hiện tại, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ và giảng viên chức danh phó giáo sư của nhà trường đang ở mức cao, và nhà trường đang có các cơ chế cụ thể để khuyến khích đội ngũ tiếp tục học tập, nghiên cứu và phát triển học thuật, từng bước tiến tới đạt chuẩn chức danh cao hơn trong thời gian tới.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn có mạng lưới hợp tác với nhiều trường đại học trên thế giới. Tuy nhiên, nhà trường chưa có giảng viên cơ hữu là người nước ngoài.
Về nội dung này, đại diện nhà trường cho rằng, việc quốc tế hóa giáo dục là việc cần thiết, do vậy, thời gian qua nhà trường cũng đã mời một số chuyên gia là người nước ngoài tham gia dạy thỉnh giảng ngắn hạn, phối hợp với giảng viên của trường để cùng làm nghiên cứu khoa học để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng tính hội nhập và xây dựng môi trường giáo dục theo chuẩn quốc tế.
"Để thực sự thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam, thì việc nghiên cứu, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá là rất quan trọng. Trong đó, cần có chính sách tài chính, thu nhập hấp dẫn và linh hoạt; môi trường làm việc học thuật và sáng tạo", đại diện nhà trường chia sẻ.
Cụ thể, về chính sách tài chính, cần thiết lập mức lương cạnh tranh quốc tế, có thể cao hơn khung trần hiện hành cho các trường hợp đặc biệt theo cơ chế đặc thù. Chi phí hỗ trợ (ví dụ: sinh hoạt, nhà ở, vé máy bay khứ hồi hàng năm, bảo hiểm sức khỏe quốc tế cho giảng viên và người thân đi kèm).
Về tạo môi trường làm việc học thuật và sáng tạo, cần cung cấp không gian nghiên cứu mở, trang thiết bị hiện đại, được quyền tự chủ trong giảng dạy và nghiên cứu; hỗ trợ cơ sở thành lập nhóm nghiên cứu, phòng lab, trung tâm đổi mới sáng tạo gắn với lĩnh vực chuyên môn; tạo điều kiện tham gia hội đồng khoa học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, phản biện quốc tế, hợp tác dự án xuyên biên giới.