Tiếp theo phần 1....
Ông có thể nói rõ hơn về đề xuất của mình về vấn đề đầu tư nguồn lực giáo dục và đào tạo 30 năm tới (2021-2050)?
Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Tôi dùng bản dưới để lý giải việc đề xuất mô hình, gồm số sinh viên và các loại trường đại học ở 4 thời điểm sau:
Số sinh viên các trường đại học |
Quy mô sinh viên đại học và sau đại học năm 2020, ước tính 1.700.000, kế hoạch năm 2050 là 3.400.000, tăng trung bình 3,33% năm, đạt tỷ lệ 302 sinh viên đại học/vạn dân vào năm 2050.
Song song với việc đề xuất tăng số lượng sinh viên đại học và sau đại học, loại hình trường ngoài công lập, trường tư, trường tư không vì lợi nhuận và quốc tế đều tăng, đa dạng và cạnh tranh. Mục tiêu là phát huy hệ thống giáo dục đại học trên tổng thể.
Số sinh viên các trường cao đẳng (số liệu thống kê của Bộ giáo dục và Đào tạo niên học 2014 – 2015) |
Số sinh viên cao đẳng năm 2015 là 539.614 tăng lên 1.600.000 vào năm 2050, tăng trung bình 6,5% năm, tính từ 2021, đạt tỷ lệ 142 sinh viên cao đẳng/vạn dân vào năm 2050.
Đề xuất 4 loại hình trường: công lập, tư thục, không vì lợi nhuận và quốc tế, tham gia đào tạo sinh viên hệ cao đẳng.
Cao đẳng chia thành 2 hệ: Hệ liên thông trực tiếp lên đại học và hệ chuyên môn, đồng thời trường cao đẳng có thể kết hợp đào tạo các khóa, lớp và chương trình ngắn hạn cho nhiều loại người học, học suốt đời, theo mô hình đại học 2 năm các nước hay đại học cộng đồng của Mỹ.
Số lượng và loại trường cao đẳng và đại học 2021 2050 |
Nhà nước nên đầu tư tập trung và có mục tiêu vào các khoa ngành cần thiết như nghiên cứu, sư phạm và các ngành học nằm trong chiến lược phát triển khoa học, kinh tế, văn hóa và xã hội. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các loại hình trường như không vì lợi nhuận và quốc tế tham gia đầu tư.
Số lượng trường cao đẳng (hệ đại học) và đại học tăng từ khoảng 460 trường hiện nay lên 760 trường. Tỷ lệ trường công giảm dưới 50% trên tổng số trường vào năm 2050.
Phân loại các nhóm trường theo mục tiêu đào tạo sau:
Đại học cấp quốc gia nghiên cứu và giảng dạy, đào tạo đến bậc học tiến sĩ, sau tiến sĩ.
Đại học cấp vùng: Giảng dạy và nghiên cứu một số lĩnh vực, đào tạo lên tới thạc sĩ, một số ít ngành chuyên môn có thể đào tạo bậc tiến sĩ.
Trường đại học đào tạo cấp cử nhân/đại học (4 năm): Nhiều loại hình đào tạo, từ khoa học xã hội nhân văn, sư phạm (pedagogy) đến kỹ sư thực hành (polytechnics). Một số trường trong nhóm này có thể đào tạo hệ cao đẳng.
Cao đẳng đào tạo chương trình 2-3 năm như đã đề cập trên.
Sáp nhập một số cao đẳng và đại học công lập trong cùng khu vực từ chuyên ngành thành đa ngành, giảm số cao đẳng, đại học công lập xuống còn khoảng 300 trường hay thấp hơn nhằm phân phối hiệu quả nguồn lực. Đồng thời sáp nhập phần lớn các trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện công lập vào đại học, giúp bổ sung năng lực nghiên cứu và giảng dạy cần thiết theo mô hình đại học nghiên cứu và ứng dụng của các nước.
Để thực hiện được những đề xuất nêu trên thì cần có giải pháp tổng thể ra sao, thưa ông?
Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Để xây dựng kế hoạch nguồn nhân lực (các cấp học và trình độ, từ lao động phổ thông lên đến chuyên môn cao nhất), Việt Nam cần một chiến lược phát triển nguồn nhân lực cấp quốc gia, vùng và chi tiết hơn là địa phương (tỉnh, thành phố).
Đánh giá đúng thực trạng nguồn nhân lực hiện tại và khả năng dự báo nhu cầu nhân lực tương lai cho từng lĩnh vực ngành nghề ở mỗi giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội. Các trường, trung tâm, tổ chức có thể tham khảo, sử dụng các dự báo cho việc lập kế hoạch của tổ chức mình.
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực tại các nước là kim chỉ nam cho các hoạt giáo dục và đào tạo, vừa là mục tiêu hướng tới vừa tạo động lực thúc đẩy. Do đó Nhà nước cần xây dựng một khung kế hoạch phát triển nguồn nhân lực toàn diện, có sự tham gia nghiên cứu, đánh giá và phản biện của nhiều tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế. Khung kế hoạch mang tính hướng dẫn, dự báo chứ không áp đặt.
Bản thân kế hoạch phát triển nguồn nhân lực dù có hoàn chỉnh đến mấy cũng sẽ không giải quyết được vấn đề phát triển một cách thấu đáo, nếu không gắn với kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể 10, 20, 30 năm trong bối cảnh Việt Nam là việc không hề đơn giản đòi hỏi rất nhiều yếu tố và sự chủ động của Chính phủ, từ chính sách vĩ mô đến kế hoạch thực hiện.
Nhà nước có chính sách, mục tiêu và kế hoạch đầu tư trường công, tạo sự công bằng trong tiếp cận, đầu tư các ngành học mà các trường ngoài công lập chưa có khả năng hay chưa muốn đầu tư như nghiên cứu, sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn, và hỗ trợ các ngành học, các đề tài nghiên cứu mang tính đột phá..
Môi trường sống, học tập của sinh viên rất quan trọng, cần môi trường thoáng rộng, an toàn và lành mạnh hơn, khả năng đưa các trường lớn ra ngoại ô nơi có không gian và điều kiện cân đối để phát triển, đồng thời cũng giúp cho các đô thị lớn giảm tải.
Khuyến khích các đại học trong nước tiếp cận với các trường uy tín trong khu vực và thế giới qua nhiều chương trình hợp tác, liên kết đào tạo, trao đổi học thuật và nghiên cứu, điều kiện để các trường phát triển nội lực và đồng thời nâng tầm với thế giới. Quan trọng không kém là một cơ chế quản lý, vận hành tốt, phát huy tinh thần sáng tạo, tự do học thuật và tính tự chủ của đại học trong giảng dạy và nghiên cứu, liên kết và chia sẻ thông tin với thế giới... đó là những nguyên tắc trong phát triển giáo dục đại học.
Vấn đề phân luồng sau trung học cơ sở đã được đề cập từ rất nhiều năm, nhưng không xây dựng được chương trình cụ thể. Gần đây sự phân luồng sau trung học cơ sở lại chuyển sang một hướng đào tạo nghề thay vì học nghề kèm với kiến thức phổ thông để học sinh có cơ hội sử dụng tay nghề của mình và hướng phát triển cho cá nhân người học lâu dài, có thể tiếp tục học cao đẳng hay đại học.
Phân luồng sau trung học cơ sở theo như cách làm hiện nay của Việt Nam sẽ rơi vào bế tắc, không thu hút được học sinh cũng như tạo động lực cho người học phát triển lâu dài. Cần có kế hoạch phân luồng sau trung học cơ sở, bình thường có khoảng 30% học sinh sẽ không tiếp tục theo hệ trung học phổ thông và chọn trung học Kỹ thuật/Nghề vì nhiều lý do: năng lực học, sở thích, kinh tế gia đình ... Các nước phát triển đều có hệ này, nó giúp cho xã hội có lượng tay nghề tốt (điện, cơ khí ôtô, xây dựng, nấu bếp, du lịch.. ) và phát huy được năng khiếu nghề của mỗi cá nhân.
Chương trình đào tạo nghề ở các địa phương rất cần thiết, nhưng theo báo cáo đánh giá thì phần lớn các chương trình nghề không hiệu quả. Cần xem xét lại mô hình, cấu trúc, cách tổ chức vận hành hệ thống trường nghề, chương trình và chất lượng đào tạo. Xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hướng thị trường nhân lực, đáp ứng nhu cầu công việc và doanh nghiệp.
Như vậy để thấy mô hình và khung kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 30 năm tới với mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển, tuy nhiên khung kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và dự báo phải được gắn kết với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong từng giai đoạn mới mang lại hiệu quả cao.
Trân trọng cảm ơn ông.