Những chuyện rất buồn ở trường chuẩn quốc gia

05/11/2017 07:50
Phan Tuyết
(GDVN) - Học sinh thì vẫn thế, có em nhận thức tốt nhưng cũng có những em vô cùng chậm. Không hẳn trường bỗng lên chuẩn là học sinh tức thời cũng “lên nhận thức?”.

LTS: Tiếp tục bàn về chất lượng giáo dục ở nhiều trường chuẩn quốc gia của chúng ta hiện nay, tác giả Phan Tuyết đã thẳng thắn đưa ra những dẫn chứng và quan điểm về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Có thể nói việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một chủ trương đúng đắn và kịp thời của Nhà nước ta và ngành Giáo dục - Đào tạo, nhằm hướng đến một nền giáo dục hoàn thiện, có chất lượng toàn diện ở mức độ cao hơn so với những trường học bình thường khác, tạo tiền đề tiếp cận với trình độ phát triển của trường học ở các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Phải công nhận một điều, từ khi có chủ trương này, các địa phương đã bắt tay vào xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học thì diện mạo của nhiều trường học trong toàn quốc đã hoàn toàn thay đổi.

Những trường nằm trong danh sách lên chuẩn đã được đầu tư nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, phục vụ tốt cho việc giảng dạy, học tập, sinh hoạt vui chơi của học sinh.

Một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia (Ảnh minh họa từ baochinhphu.vn).
Một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia (Ảnh minh họa từ baochinhphu.vn).

Tốc độ tăng tỷ lệ công nhận đạt chuẩn quốc gia trong cả nước tăng đều tính từ năm 2010 đến 2015. Năm 2015, bậc trung học phổ thông có khoảng 29,45%, bậc trung học cơ sở là 34,59%, bậc tiểu học là trên 50% trường học đạt chuẩn quốc gia. Trong khoảng 5 năm, số trường đạt chuẩn quốc gia các cấp trên cả nước tăng khoảng 15-20%.

Đây là tín hiệu đáng mừng, thế nhưng không ít các địa phương cũng vì nôn nóng, vì chỉ tiêu đề ra trong năm phải đạt được số lượng trường đạt chuẩn quốc gia mà bất chấp đến chất lượng giáo dục (khâu then chốt nhất) đã để xảy ra nhiều câu chuyện dở khóc dở cười, nhiều bi kịch đối với không ít gia đình.

Từ đó, dẫn đến niềm tin về chất lượng dạy và học ở những trường chuẩn quốc gia mất dần trong suy nghĩ của nhiều người.

Những chuyện buồn ở trường chuẩn quốc gia

Anh Trương Văn Lợi (ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) gửi đơn đến báo Tiền Phong mong được giúp đỡ cho con trai là Trương Văn Tài (sinh năm 2007) tiếp tục được đến lớp cùng bạn bè.

Gia đình nghèo, vợ chồng phải đi làm thuê khắp nơi để trang trải cuộc sống. Năm 2007 vợ sinh đứa con đầu lòng đặt tên là Trương Văn Tài, nhưng vì không có tiền nên đến năm 2016 anh mới làm được giấy khai sinh.

Sau đó, phải vất vả lắm anh Lợi mới xin cho con vào học lớp 1 ở Trường tiểu học Vĩnh Xuân kể từ đầu năm học 2016-2017. Nhưng, chỉ hơn một tháng sau con anh bị buộc thôi học vì lớn tuổi. Đây cũng là một tiêu chí cần đạt ở những trường đang xây dựng chuẩn quốc gia.

Những chuyện rất buồn ở trường chuẩn quốc gia ảnh 2

Nỗi khổ mang tên "trường chuẩn quốc gia"

Ông Nguyễn Thành Đô (ngụ phường 1, Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) phản ảnh việc con ông bỗng dưng bị chuyển từ Trường tiểu học Trưng Vương sang Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Tháp.

Gia đình ông đã đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) khám bệnh cho Đào (con của ông Đô) và được các bác sĩ khoa tâm lý của bệnh viện kết luận: em bị rối loạn lo âu, tự ti vào khả năng của bản thân do những lời chê bai của người khác; nên hạn chế chê bai, trẻ cần sự nâng đỡ tâm lý của gia đình.

Vì học chậm, hai anh em Đức và Hạnh học ở Trường tiểu học Phú Phong "bị" nhà trường xếp vào nhóm "thiểu năng trí tuệ" sau buổi khám qua loa của trạm y tế xã. Tuy nhiên, gia đình hai học sinh cho rằng, con họ phát triển bình thường.

Đầu năm học 2017 - 2018, nhiều phụ huynh Trường tiểu học Thị trấn Hội Thượng A, Sóc Trăng phản ánh thực trạng nhiều học sinh lớp 1 của trường này chưa biết chữ vẫn được cho lên lớp 2.

Ông Huỳnh Hà Thắng - hiệu trưởng nhà trường, cũng thừa nhận có trường hợp như vậy sau khi ông trực tiếp đến nhà kiểm tra khả năng đọc của các học sinh và quyết định cho các em học lại lớp 1.

Ở lớp 2H Trường tiểu học Thị trấn Hội Thượng A có 24 học sinh nhưng chỉ có 4 em đọc trôi chảy, trong số còn lại, một số em chỉ biết đánh vần một cách khó nhọc, một số em khác biết vần nhưng không ghép được, có em không biết đọc, không biết viết. Vì vậy, nhiều phụ huynh đến xin ban giám hiệu nhà trường cho con ở lại lớp 1.

Đó chỉ là một trong số ít, rất ít trường bị báo chí phanh phui học sinh không biết đọc, viết vẫn phải lên lớp.

Trong thực tế dạy học chúng tôi thường xuyên gặp cảnh phụ huynh chạy theo năn nỉ: “Cô (thầy) ơi cho con tôi ở lại lớp” nhưng dù muốn giáo viên cũng chỉ biết động viên “Cứ để các em lên lớp giáo viên sẽ kèm cặp thêm”.

Nói thế cho qua chuyện chứ một học sinh đã không biết đọc viết mà lên lớp 2, 3 có học thêm vài năm cũng chẳng thể đọc được. Bởi những lớp học này không còn môn học vần để dạy âm, dạy vần, cách phát âm tiếng, từ…

Từ các lớp 2, 3 trở lên đã phải đọc trơn và viết chính tả theo kiểu nghe - viết, làm toán phải đọc và hiểu đề, viết cả đoạn văn ngắn… Không biết đọc, biết viết mà lên lớp các em sẽ như “vịt nghe sấm” lạc lõng giữa cả một tập thể dẫn đến tự ti, chán nản và buông xuôi.

Đã có không ít em học đến lớp 5 cũng chẳng viết nỗi tên mình nên đành nghỉ học ở nhà đi bán vé số.

Những chuyện rất buồn ở trường chuẩn quốc gia ảnh 3

Bệnh thành tích phải điều trị cho đội ngũ quản lý từ cấp trường đến Bộ

Vì sao lại có chuyện này xảy ra? Đơn giản chỉ vì khi trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia hay còn gọi là “lên chuẩn” thì như một sự mặc định mọi cái đều phải “lên”.

Chỉ tiêu về lên lớp thẳng, chỉ tiêu về hiệu quả đào tạo, chỉ tiêu về phổ cập đúng độ tuổi, chỉ tiêu về hoàn thành chương trình tiểu học…Tất cả phải vượt những trường học bình thường khác.

Nhưng học sinh thì vẫn thế, vẫn có em rất nhanh nhưng cũng có những em vô cùng chậm. Không hẳn trường bỗng lên chuẩn là học sinh tức thời cũng “lên nhận thức?”.

Biết là không thể nhưng cũng không thể để mất chuẩn vì cơ sở vật chất đã được đầu tư, chỉ tiêu cũng đã được ấn định. Thế nên chỉ còn cách làm như nhiều trường hiện nay đã và đang làm. Hoặc cứ bắt các em mỗi năm lên một lớp, hoặc biến những học sinh bình thường ấy thành khuyết tật là xong.

Mục đích xây dựng trường chuẩn quốc gia rất rõ ràng là nhằm hướng đến một nền giáo dục hoàn thiện, có chất lượng toàn diện ở mức độ cao, tạo tiền đề tiếp cận với trình độ phát triển của trường học ở các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới…Nhưng với cách làm như nhiều trường chuẩn quốc gia hiện nay đang đi ngược với mục đích tốt đẹp này.

Để cứu chất lượng giáo dục đang xuống cấp như hiện nay thì Bộ Giáo dục cũng nên có động thái tích cực trong việc đưa ra chỉ tiêu và kiểm định chất lượng các trường được công nhận chuẩn một cách chặt chẽ hơn.

Tài liệu tham khảo:

http://tuoitre.vn/vi-sao-mot-loat-truong-rot-chuan-quoc-gia-20171025155120795.htm

http://tuoitre.vn/bong-dung-bi-chuyen-sang-truong-khuyet-tat-758952.htm

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/hai-hoc-sinh-bong-dung-bi-bien-thanh-thieu-nang-tri-tue-271995.html

https://thanhnien.vn/giao-duc/nhieu-hoc-sinh-truong-chuan-quoc-gia-khong-biet-doc-biet-viet-892110.html

https://www.tienphong.vn/giao-duc/hoc-sinh-lop-1-bi-duoi-hoc-vi-qua-tuoi-1142578.tpo

Phan Tuyết