Có nơi thầy cô phải dạy 30 tiết/tuần nên tuyển GV cao đẳng là hoàn toàn hợp lý

03/11/2022 06:42
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đề nghị tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng là giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhưng không thể giải quyết triệt để được vấn đề thiếu giáo viên.

Vừa qua, trong cuộc làm việc với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.

Đề nghị này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu giáo viên tại một số địa phương.

Tuyển giáo viên trình độ cao đẳng: “có còn hơn không!”

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Đại Thành - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) cho biết, đề nghị này nếu được triển khai sẽ là tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đang thiếu giáo viên, đặc biệt với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi khó khăn hạn chế về nguồn tuyển.

Học sinh Đắk Nông đi khai giảng năm học mới. Ảnh minh họa: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong

Học sinh Đắk Nông đi khai giảng năm học mới. Ảnh minh họa: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong

Theo ông Thành, tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục thông 2018 gây ra rất nhiều khó khăn cho cả thầy và trò.

“Thiếu giáo viên nên các thầy cô giáo phải gồng gánh nhau, rồi dạy thay, dạy thêm,... Bình thường 1 tuần các thầy cô chỉ phải dạy 19 tiết/tuần, thì tình trạng thiếu giáo viên buộc các thầy cô giáo phải dạy thêm 25 - 26 tiết/tuần, thậm chí 30 tiết/tuần… Như vậy rõ ràng chất lượng giảng dạy sẽ rất khó để đảm bảo được”.

Chia sẻ với phóng viên, ông Thành cho hay ngành giáo dục huyện Đắk Glong hiện tại đang thiếu khoảng 250 cán bộ, nhân viên. Ông Thành lý giải, do số học sinh tăng lên hàng năm khoảng 1000 em, tương đương với khoảng 30 lớp. Như vậy cần tới 30-50 giáo viên được bổ sung để đáp ứng số lượng học sinh tăng hàng năm.

Tuy nhiên, biên chế giáo viên là một hằng số, số lượng biên chế không được bổ sung kịp thời trong bối cảnh học sinh tăng hàng năm đã tích tụ dẫn đến thiếu hụt giáo viên ngày càng nghiêm trọng.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, năm 2019 chính thức áp dụng Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó quy định giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm (trước đây chỉ yêu cầu bằng trung cấp sư phạm); Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong cho rằng “có còn hơn không”, việc cho phép tuyển dụng giáo viên cao đẳng sẽ giúp lấp đầy khoảng trống giáo viên hiện tại.

“Luật là theo xu hướng phát triển chung nhằm thúc đẩy hoàn thiện trình độ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo viên. Tuy nhiên có còn hơn không, có thể tuyển giáo viên cao đẳng sau đó họ trau chuốt chuyên môn, còn hơn để tình trạng thiếu giáo viên khắp cả nước như hiện nay”, ông Thành nói.

Nói về việc nên ưu tiên hạ chuẩn giáo viên hay tăng thêm chính sách đãi ngộ để giải quyết bài toán thiếu giáo viên hiện nay, ông Thành cho rằng cần thực hiện cả 2 giải pháp trên.

Hiện nay, giáo viên đang phải đối mặt với nhiều áp lực, từ giảng dạy, gia đình và kỳ vọng lớn từ xã hội, nhất là trong bối cảnh thực hiện đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, lương giáo viên lại không đảm bảo là nguyên nhân khiến hàng nghìn giáo viên nghỉ việc trong thời gian qua.

“Việc hạ chuẩn sẽ giúp các vùng khó khăn dễ dàng tuyển dụng được giáo viên hơn. Ngoài ra, cần tăng thêm chính sách đãi ngộ, cuộc sống đảm bảo thì thầy cô mới chuyên tâm làm nhiệm vụ chuyên môn được”, trưởng phòng giáo dục huyện Đắk Glong nói.

Kiến nghị cho phép trường địa phương được tham gia liên kết đào tạo với các trường đại học

Cùng trao đổi về vấn đề trên, Tiến sĩ Phùng Quý Sơn - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn cho rằng đề nghị hạ chuẩn giáo viên chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt.

“Đề nghị tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030 là giải pháp cần thiết và phù hợp trong bối cảnh thiếu giáo viên trầm trọng như hiện nay. Tuy nhiên về lâu dài thì giải pháp này không thể giải quyết triệt để được vấn đề thiếu giáo viên”.

Tiến sĩ Phùng Quý Sơn - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn (ảnh website nhà trường)

Tiến sĩ Phùng Quý Sơn - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn (ảnh website nhà trường)

Theo Tiến sĩ Phùng Quý Sơn, những năm gần đây, nguồn sinh viên sư phạm trình độ cao đẳng vẫn đang còn nhiều. Rất nhiều người chưa thực hiện nâng chuẩn kịp thời, do đó nếu đề nghị được thông qua sẽ tạo cơ hội tận dụng được rất lớn nhân lực từ nguồn này.

Tiến sĩ Phùng Quý Sơn cho rằng cần tập trung các chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ nhà giáo để thu hút nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục.

Theo thầy Sơn, “Luật đã ban hành rồi thì sẽ rất khó để sửa đổi, do đó Nhà nước cần tập trung thực hiện các chính sách đãi ngộ như cải cách tiền lương, phụ cấp thâm niên nghề cho các thầy cô, trong đó ưu tiên vùng khó khăn và các bậc học thấp hơn như mầm non, tiểu học,... để thầy cô giáo yên tâm công tác”.

Ngoài ra, thầy Sơn kiến nghị cần có thêm các thu hút đào tạo sư phạm vì thực tế không có nhiều người giỏi muốn thi vào sư phạm. “Bây giờ muốn tuyển còn không có nguồn tuyển!”, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn cho hay.

Cụ thể, thầy Sơn chỉ ra một số điểm “nổi cộm” trong việc giải quyết bài toán thiếu giáo viên hiện nay. Ngoài vấn đề lương bổng còn chưa đáp ứng, theo thầy Sơn, chính sự chưa đồng bộ giữa việc đào tạo và tuyển dụng gây ra tâm lý e ngại cho nhiều người có ý định thi vào học sư phạm.

“Không phải ai ra trường cũng được tuyển dụng ngay, lương khởi điểm khi mới ra trường cũng bèo bọt nên ít người muốn gắn bó với sư phạm, nhất là học sinh giỏi khi các em có nhiều sự lựa chọn đa dạng và điều kiện lương bổng sau này tốt hơn rất nhiều so với sư phạm”, thầy Sơn cho hay.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn cho biết, sinh viên của trường mấy năm nay sau khi tốt nghiệp đa số đều đi dạy theo hình thức hợp đồng là chủ yếu do chỉ tiêu biên chế không có nhiều.

Do vậy, Tiến sĩ Phạm Quý Sơn cũng đề nghị nên có thêm biên chế cho các tỉnh, thành để bổ sung kịp thời nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục.

Đồng thời, cho phép các trường cao đẳng địa phương được tham gia liên kết đào tạo với các trường đại học nhằm cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương.

“Tôi cho rằng đây là một giải pháp tháo gỡ bài toán giáo viên hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, vì không phải ai cũng có điều kiện đi học đại học, trong khi các trường cao đẳng rất muốn được góp sức đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương”.

Lộ trình nâng trình độ chuẩn giáo viên đến hết năm 2030

Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Theo đó, lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non được thực hiện từ 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030, chia thành 02 giai đoạn cụ thể như sau:

- Giai đoạn 1: Từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025 bảo đảm ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

- Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030 thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo đã được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

Doãn Nhàn