Cơ quan chủ quản các trường đại học vẫn tồn tại dưới tên gọi "quản lý trực tiếp"

05/11/2021 06:40
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quản lý nhà nước là "giấy phép lớn", quản lý trực tiếp là "giấy phép con", chừng nào còn “giấy phép con” thì vẫn còn sự “xin-cho”, không thể có tự chủ thực sự.

Việt Nam đang trong quá trình mở rộng tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cách hiểu về “tự chủ” hiện nay vẫn còn “muôn hình muôn vẻ”. Việc đổi mới hoạt động quản trị theo cơ chế tự chủ gặp rất nhiều khó khăn do các bên chưa nhận thức đúng bản chất của tự chủ cũng như chưa thống nhất cách hiểu về khái niệm này.

Cơ chế cơ quan chủ quản vẫn tồn tại trên danh nghĩa “cơ quan quản lý trực tiếp”

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, vấn đề nan giải hiện nay là nhiều người, thậm chí cả cơ quan quản lý cũng chưa phân biệt rõ hai khái niệm quản lý nhà nước và quản lý trực tiếp.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định, xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản là bỏ sự quản lý trực tiếp, nhưng vẫn đảm bảo quản nguyên tắc lý nhà nước. (Ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định, xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản là bỏ sự quản lý trực tiếp, nhưng vẫn đảm bảo quản nguyên tắc lý nhà nước. (Ảnh: Tùng Dương)

NĐ 99/2019/NĐ-CP xuất hiện "cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học" vốn dĩ không có trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trái tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 14/2005/NQ-CP năm 2005 của Chính phủ lẫn Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản.

Rõ ràng, cơ quan chủ quản đang “ẩn mình” dưới tên gọi “cơ quan quản lý trực tiếp” và vẫn can thiệp vào công việc của các trường. Sự xuất hiện, tồn tại của “cơ quan quản lý trực tiếp” khiến cho quá trình thực hiện tự chủ của các trường đại học công lập gặp nhiều rào cản, khó khăn. Nói đúng hơn, các cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa có tự chủ thực sự, Hội đồng trường chưa có thực quyền khi vẫn phải “trình duyệt”, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan quản lý trực tiếp.

Đối với trường đại học công lập, chủ sở hữu là toàn dân, Hội đồng trường là đại diện cho chủ sở hữu và các bên liên quan, vậy Hội đồng trường phải có thực quyền, phải được trao quyền, nhưng hiện nay quyền vẫn đang nằm trong tay “cơ quan quản lý trực tiếp”.

Muốn có tự chủ thực sự, cần kiên quyết xóa bỏ cơ quan chủ quản như đã chỉ ra từ nhiều năm nay tại các Nghị quyết 14, 89 của Chính phủ và qua chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại các hội nghị, hội thảo. Rõ ràng nếu còn duy trì cơ quan chủ quản thì trường đại học sẽ không có quyền tự chủ thực sự mà tự chủ chỉ mang tính chất danh nghĩa. Cơ quan chủ quản phải tự nguyện từ bỏ quyền lực, sự chỉ huy trực tiếp của mình đối với trường đại học.

Cần phải phân biệt rõ hai khái niệm “quản lý nhà nước” và “quản lý trực tiếp”. Xóa bỏ cơ quan chủ quản hay xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản hoàn toàn không phải là bỏ sự quản lý của nhà nước, chúng ta không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo cực kỳ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức Đảng, bởi lẽ, bỏ đi nguyên tắc đó nhà trường sẽ rơi vào tình trạng “vô chính phủ”.

Vai trò quản lý nhà nước là cần thiết, vô cùng quan trọng, được thể hiện ở nhiều phương diện như quản lý về học thuật, về tài chính, nhân sự,.... Ngay ở các trường tư, dù quyền tự chủ rất cao nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc quản lý nhà nước.

Về học thuật, nhà nước quản lý bằng các chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, …; về tài chính, ngoài các quy định của Luật Giáo dục đại học, các trường đại học công lập phải tuân thủ các quy định của luật chuyên ngành như: Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công…; về nhân sự, các trường cũng phải tuân theo Luật Giáo dục Đại học, Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức,...

Như vậy, những quy chuẩn nhà nước đặt ra với các trường thông qua các văn bản luật đã thể hiện sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, chính vì vậy, khi xóa bỏ cơ quan chủ quản không có nghĩa là xóa bỏ đi sự quản lý của nhà nước.

Quản lý trực tiếp là “giấy phép con” gây khó khăn cho các trường

Cũng theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, “quản lý trực tiếp” hoàn toàn khác với quản lý nhà nước, đó là sự can thiệp của cơ quan chủ quản vào công việc, hoạt động của các trường đại học.

Nếu quản lý nhà nước là “giấy phép lớn” thì quản lý trực tiếp chính là “giấy phép con”. Chừng nào còn tồn tại “giấy phép con” thì còn có sự “xin-cho” nên các trường không thể có tự chủ thực sự, Hội đồng trường cũng không thể có thực quyền.

Khi có sự tồn tại của cơ quan quản lý trực tiếp, ngoài những quy định thể hiện ở các văn bản luật , dưới luật do nhà nước, chính phủ ban hành thì các trường đại học vẫn phải tuân theo những quy định, có khi rất vô lý, của cơ quan chủ quản.

Ví dụ, ở góc độ tài chính, việc chi tiêu, mua sắm trong trường, trường đại học vẫn phải xin ý kiến của cơ quan chủ quản, nếu không được cơ quan chủ quản cho phép thì không thể thực hiện, như vậy là vẫn phải trình duyệt, xin phép, không đúng với cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Cơ chế quản lý nhà nước có thể được minh chứng rõ qua mô hình quản trị các trường đại học ở Thái Lan. Theo đó, ở Thái Lan, sự quản lý của nhà nước đến ba loại mô hình: trường đại học công lập tự chủ, trường đại học công lập và trường đại học tư thục được thể hiện như sau:

Đối với trường đại học công lập tự chủ, nhà trường được tự chủ hoàn toàn về học thuật, tổ chức nhân sự, quản lý tài chính; trong khi đó trường đại học công lập chỉ được tự chủ hoàn toàn về học thuật, nhưng vẫn phải chịu sự quản lý, điều tiết của chính phủ về nhân sự, tài chính; Trường đại học tư được tự chủ hoàn toàn về học thuật, nhân sự, còn về quản lý tài chính được tự chủ hoặc một phần hoặc hoàn toàn.

Về quản lý nhà nước, Ủy ban Giáo dục đại học (tương đương Vụ Giáo dục đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Việt Nam) ban hành các văn bản tác động lên cả 3 loại trường đại học công lập tự chủ, trường đại học công lập và trường đại học tư thục về tất cả các phương diện chính sách, chuẩn giáo dục đại học, hỗ trợ tài chính, giám sát và đánh giá. Riêng đối với các trường đại học tư về phương diện hỗ trợ tài chính thì Nhà nước có thể không hỗ trợ hoặc hỗ trợ gián tiếp.

“Đây là mô hình mà chúng ta nên học tập. Áp dụng cơ chế tự chủ nghĩa là các trường phải được tự chủ thực sự về học thuật, tài chính, tổ chức nhân sự, dù không có cơ quan chủ quản nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc quản lý nhà nước.

Đã đảm bảo về quản lý nhà nước thì phải xóa bỏ sự tồn tại của cơ quan chủ quản để Hội đồng trường có thực quyền. Nhà trường tự quyết công việc của mình dựa trên việc tuân thủ các quy định tại luật và các văn bản dưới luật do nhà nước, chính phủ đã ban hành , đồng thời, còn có trách nhiệm giải trình với xã hội và các bên liên quan về những quyết nghị của mình”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định.

Linh Trang