Có SV chọn Kỹ thuật xét nghiệm y học vì thấy thú vị khi làm ở phòng thí nghiệm

28/05/2024 06:39
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Những năm gần đây, Kỹ thuật xét nghiệm y học là ngành học thu hút được nhiều sự quan tâm, đăng ký từ các thí sinh.

Là một trong những ngành học cận lâm sàng, đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ chẩn đoán, tiên lượng và điều trị, Kỹ thuật xét nghiệm y học đang được đánh giá là ngành học có tính ứng dụng cao trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại và mang tới nguồn nhân lực chất lượng cho nhiều bệnh viện, cơ sở y tế. Chính vì vậy, tại nhiều cơ sở giáo dục đại học, ngành học này đang thu hút nhiều sinh viên.

Học Kỹ thuật xét nghiệm y học có thể làm việc ở đâu?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Huệ Vân - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật xét nghiệm y học, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, năm 2023 ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học có điểm chuẩn là 24.59, cạnh tranh đầu vào khá cao. Số lượng sinh viên xét tuyển có chiều hướng tăng và đáp ứng được chỉ tiêu nhà trường đề ra.

Theo cô Huệ Vân, trong khối ngành sức khoẻ, không có ngành nào là quá dễ hay quá khó để theo học, cũng không thể so sánh về mức độ quan trọng của các ngành với nhau, bởi vì ngành nào cũng có những đóng góp nhất định cho xã hội.

y dược tphcm.jpeg
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Huệ Vân, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật xét nghiệm y học, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (thứ 4 từ trái qua phải) cùng các giảng viên trong khoa. (Ảnh NVCC)

Ví dụ sinh viên yêu thích ngành Điều dưỡng sẽ cảm nhận được ý nghĩa của công việc chăm sóc người bệnh và mong đợi những cơ hội trải nghiệm chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân ở độ tuổi khác nhau.

Sinh viên thích ngành Y khoa sẽ thấy ý nghĩa công việc chữa bệnh cứu người, đồng thời làm bác sĩ có cơ hội việc làm đa dạng. Sinh viên thích ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học có thể cảm thấy thú vị khi được làm việc trong phòng thí nghiệm.

Mỗi ngành đều có ý nghĩa riêng, những điều kiện thuận lợi và một số thách thức nhất định. Điều quan trọng là sinh viên tự đánh giá được sở trường, tố chất của bản thân và giữ vững được niềm đam mê để chọn hướng nghề nghiệp phù hợp.

Với sự phát triển mạnh mẽ của nền khoa học hiện nay, sinh viên ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học có rất nhiều cơ hội việc làm, tiềm năng tương lai rộng mở.

Cô Huệ Vân chia sẻ, sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học có thể đảm nhận ở nhiều vị trí việc làm khác nhau. Công việc chính là làm ở phòng lab của bệnh viện hoặc các phòng khám.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể làm ở các công ty kinh doanh trang thiết bị y tế hoặc công việc liên quan tới máy móc và hoá chất xét nghiệm. Mức thu nhập của sinh viên mới ra trường khá cao, dao động từ 8 đến 10 triệu đồng mỗi tháng.

Năm 2024, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển 170 chỉ tiêu ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, với hai tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hoá học) và B00 (Toán, Hoá học, Sinh học).

Cô Huệ Vân cho biết, qua các mùa tuyển sinh vừa qua, chất lượng sinh viên đầu vào luôn được đảm bảo. Để khẳng định thêm chất lượng đào tạo, vừa qua từ ngày 23-25/4/2024, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tham gia đợt đánh giá chất lượng chương trình đào tạo lần thứ 384 do tổ chức kiểm định uy tín AUN-QA thực hiện.

Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu cam kết của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến chuẩn mực quốc tế. Khoa Điều Dưỡng - Kỹ thuật Y học đăng ký đánh giá 2 chương trình đào tạo, trong đó có chương trình đào tạo cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học.

Trong quá trình phỏng vấn, các kiểm định viên đánh giá cao sinh viên ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học bởi sự năng động, tự tin và giao tiếp tiếng Anh lưu loát. Qua lần kiểm định này, nhà trường tiếp tục khẳng định vị thế trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực xét nghiệm nói riêng và sức khoẻ nói chung.

sv y.png
Sinh viên Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ học phân môn Vi sinh. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, để thu hút và giới thiệu rõ nét hơn về ngành cho các học sinh bậc phổ thông trung học, tại ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2024, Bộ môn Xét nghiệm đã tạo điều kiện cho học sinh tham quan trải nghiệm công việc thực tế qua mô hình, dụng cụ, thiết bị giảng dạy trực quan sinh động, giúp các bạn tự tin chọn đúng ngành học phù hợp với năng lực và mong muốn của mình.

“Buổi tư vấn thu hút rất nhiều học sinh đến tìm hiểu. Qua buổi tư vấn, các bạn học sinh hiểu rõ hơn về 6 chuyên ngành, để từ đó có định hướng và chọn nghề nghiệp phù hợp.

Ngoài ra, các bạn có cơ hội trải nghiệm, quan sát hình ảnh tế bào dưới kính hiển vi, và ký sinh trùng trong lọ đựng. Khi được tư vấn chi tiết, các bạn tỏ vẻ thích thú, hiểu biết về ngành nghề rõ hơn để có những định hướng cụ thể cho lựa chọn tương lai.” – Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Huệ Vân chia sẻ.

Bạn Đỗ Quang Thanh Trúc, sinh viên ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học (khoá 2020 – 2024), Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Em chọn học ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học vì thấy ngành này thiên về thực hiện những kỹ năng giúp cho chẩn đoán lâm sàng tốt hơn. Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trường đại học tốp đầu về đào tạo ngành này.”

Trúc cho biết, trong quá trình học, sinh viên được cung cấp nhiều kiến thức và học theo các phân môn, ví dụ như Huyết học, Hóa sinh, Giải phẫu bệnh hay Sinh học phân tử.

Thầy cô đã giúp sinh viên tìm được phương pháp học hiệu quả, cung cấp thông tin chi tiết để chuẩn bị cho kỳ thi và các kiến thức cốt lõi. Những kiến thức bạn được học tại trường rất sát với tình hình thực tế và có thể áp dụng khi thực hành tại bệnh viện. Trong quá trình học tập, Thanh Trúc đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thiết thực – đây là hành trang giúp Trúc tự tin bước vào nghề trong tương lai.

Ba tiêu chí quan trọng trong đào tạo ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học

Cũng chia sẻ về ngành học này, Tiến sĩ Vũ Duy Tùng, Trưởng khoa Khoa học Y sinh, Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết, tuy Kỹ thuật xét nghiệm y học là ngành học mới của trường nhưng đã tiếp cận theo chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ đào tạo, năng lực của người học và cam kết của nhà trường cho sinh viên khi ra trường.

Trong hai năm nhà trường mở mã ngành này, số lượng sinh viên đăng ký ngành học đều vượt chỉ tiêu nhà trường đặt ra, tỷ lệ chọi tương đối cao. Điểm đầu vào của ngành trong khoảng 23-24 điểm. Kỹ thuật xét nghiệm y học được coi là một trong những ngành “hot” của Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Để phân biệt ngành Kỹ thuật xét nghiệm với một số ngành khác trong khối ngành sức khoẻ, Tiến sĩ Vũ Duy Tùng cho biết, ngành Y khoa liên quan đến thăm khám, chẩn đoán, điều trị bệnh. Ngành Điều dưỡng tập trung vào việc thực hiện kỹ thuật để chăm sóc, điều dưỡng bệnh nhân. Còn ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học tập trung cao về các kỹ thuật xét nghiệm để đưa ra chỉ số sinh học, chỉ số bệnh lý.

Về cơ hội việc làm, trong 5 - 10 năm tới, nhu cầu việc làm của ngành này trong xã hội rất lớn. Bác sĩ có thể làm ở các khoa khác nhau nhưng kỹ thuật viên xét nghiệm liên quan đến cả hệ thống xét nghiệm trong cả một bệnh viện.

Với mục đích đáp ứng công việc thực tiễn, sinh viên sẽ được đào tạo, rèn luyện theo ba tiêu chí. Tiêu chí thứ nhất về tính chuyên nghiệp, liên quan đến pháp luật, trung thực và chuẩn hóa trong xét nghiệm.

Tiêu chí thứ hai, tập trung vào thực hành và đảm bảo an toàn trong xét nghiệm. Kỹ thuật viên ngoài việc thực hành đúng quy trình, còn phải đảm bảo tính chính xác của xét nghiệm. Những bệnh phẩm xét nghiệm thu về phải có quy trình xử lý để đảm bảo nguồn bệnh không lây nhiễm ra cộng đồng và không lây kỹ thuật viên.

Tiêu chí thứ ba liên quan đào tạo kỹ năng thực hành các thủ thuật, kỹ thuật xét nghiệm của sinh viên.

Về công tác đào tạo, Trường Đại học Y Dược Thái Bình đã tham khảo các trường đi trước và chuẩn đầu ra của các trường trong khu vực và quốc tế, sau đó xây dựng chuẩn năng lực.

Về mảng lý thuyết trong đào tạo, trường tập trung theo hướng giảng dạy tích cực cho sinh viên bằng những phương pháp giảng dạy tiên tiến hiện nay, ví dụ như CLT (Communicative Language Teaching), giúp cho sinh viên chủ động trong việc nghiên cứu và lĩnh hội kiến thức.

Về mặt thực hành, sinh viên phải là người trực tiếp triển khai và đảm bảo không những làm được mà phải thực hiện thuần thục các quy trình.

Có hai giai đoạn đào tạo chính. Giai đoạn một, sinh viên thực hiện kỹ thuật tại các phòng lab, labo thực hành. Giai đoạn hai, sinh viên được chuyển sang các bệnh viện, cơ sở thực hành.

Khoa đã liên hệ được 7 bệnh viện trong tỉnh và các tỉnh lân cận, để đảm bảo mỗi một phòng lab có 5 - 7 sinh viên được thực hiện trực tiếp trên hệ thống máy móc, cũng như tiếp cận được nguồn bệnh phẩm, mặt bệnh đa dạng của bệnh viện.

“Nếu có vấn đề phát sinh của sinh viên, chúng tôi sẽ cập nhật ngay để đảm bảo tất cả quy trình đào tạo được kiểm soát từng tuần.

Với một lớp khoảng 50-60 sinh viên, khoa đã phân công cho từng cán bộ phụ trách.

Khoa cũng liên kết với bệnh viện cơ sở, nếu có giảng viên kiêm nhiệm của nhà trường làm tại các cơ sở đó thì giao cho thầy cô quản lý sinh viên theo từng tuần.

Cứ sau một tuần sinh viên thực tập, khoa sẽ đánh giá sinh viên đạt được mức độ nào và tuần sau tiếp tục triển khai. Sự liên kết giữa nhà trường và cơ sở thực hành rất chặt chẽ.” – Tiến sĩ Vũ Duy Tùng cho biết.

Chia sẻ về thuận lợi và khó khăn trong quy trình đào tạo, Tiến sĩ Vũ Duy Tùng thông tin, đào tạo ngành này khá thuận lợi, đặc biệt đội ngũ giảng viên nhiệt tình trong cập nhật kiến thức, biên soạn, áp dụng bài giảng chất lượng cho sinh viên.

Khó khăn lớn nhất là việc đầu tư trang thiết bị thực hành rất tốn kém, trong khi kinh phí đào tạo khó đảm bảo được. Hệ thống máy móc, hệ thống hóa chất thực hành là một vấn đề nan giải. Nhà trường đào tạo một lớp chỉ có 50 - 60 sinh viên, trong khi đó hệ thống máy móc, phòng ốc vẫn phải đầu tư đầy đủ.

Với mục tiêu phát triển ngành học này hơn nữa, Tiến sĩ Vũ Duy Tùng kiến nghị một số giải pháp.

Một là, trong khâu tổ chức đào tạo, cần rà soát và chỉnh sửa chương trình liên tục để đảm bảo đáp ứng được chuẩn năng lực đầu ra của sinh viên.

Hai là, áp dụng nhiều phương pháp đánh giá khác nhau, đảm bảo đánh giá đúng năng lực thực sự của sinh viên và khẳng định được chất lượng đào tạo với xã hội. Khi sinh viên đạt được kỹ năng, năng lực nào trong quá trình học, nhà trường đều nắm bắt và kiểm soát được.

Ba là, trách nhiệm đào tạo của nhà trường đối với sinh viên, xã hội để đảm bảo rằng khi sinh viên ra trường, các em đều khẳng định được năng lực của mình, có trách nhiệm cao với công việc, phục vụ và chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.

Bích Ngọc