Hậu sáp nhập trường nghề: Tinh giản biên chế rất khó khăn

10/03/2023 06:40
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khác ngành nghề, khác cơ quan quản lý chuyên môn là lý do khiến nhiều trường nghề hiện nay gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo hậu sáp nhập.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn đã sáp nhập Trường Cao đẳng Bình Định vào trường từ ngày 01/10/2021 theo Quyết định số 633/QĐ-LĐTBXH ngày 02/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, sau hơn 01 năm sáp nhập, trường này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Phong, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn cho hay, sau khi sáp nhập, bộ máy cán bộ nhân viên, giảng viên của trường rất cồng kềnh do bị tăng lên gấp đôi.

Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vẫn như vậy, đặc biệt là với những ngành vốn tuyển sinh không đạt từ trước khi sáp nhập thì số lượng cán bộ còn dôi dư nhiều. Đến thời điểm hiện tại, dù đã tinh giản đi một số lượng những cán bộ làm hợp đồng có ít công việc hay một số nhân sự đã lớn tuổi..... thì trường vẫn còn dư khoảng 100 người.

Giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Theo thầy Phong, để thực hiện tinh giản bộ máy với số lượng cả trăm người cùng lúc là việc làm rất khó khăn, nếu làm không cẩn thận có thể gây ra sự xáo trộn trong nhà trường bởi có cả những người vào biên chế rồi, và với một số nhân sự, tìm việc làm khác cũng khá khó khăn.

Tuy nhiên, công tác sắp xếp lãnh đạo, cán bộ quản lý phòng, ban của trường không bị gặp nhiều vướng mắc. Bởi, trong đội ngũ lãnh đạo của Trường Cao đẳng Bình Định trước khi sáp nhập chỉ có 01 người (Phó hiệu trưởng phụ trách), nên khi nhập vào Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn là vừa đủ, không bị dôi dư.

Hơn nữa, trước khi sáp nhập, Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn thực hiện quy chế tự chủ, do đó, nhiều vị trí của các phòng, ban trong nhà trường chỉ có trưởng phòng, không có phó phòng. Nhờ vậy, việc sắp xếp cán bộ quản lý cũng cơ bản cũng giải quyết, trường cũng có mở rộng ra 2 đầu mối đơn vị bởi theo đề án sáp nhập, nếu một trong hai trường có phòng, ban mà trường kia không có thì cũng giữ nguyên phòng, ban đó.

Ngoài ra, trước khi sáp nhập vào Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, từ ngày 1/1/2019, Trường Cao đẳng Bình Định đã được thành lập từ 04 trường trung cấp sáp nhập vào gồm Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hoài Nhơn, Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ Bình Định, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bình Định, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bình Định.

Do đó, sau sáp nhập, có khoa Thủ công mỹ nghệ do ít người học nên dù vị trí vẫn được sử dụng nhưng diện tích lại chưa thể tận dụng hết được.

“Nếu có cơ chế tự chủ, được tận dụng nguồn diện tích đang không sử dụng hết thì trường có thể xây dựng những đề án, dự án, mang lại nguồn thu và cơ sở vật chất cho trường.

Tuy nhiên, Trường Cao đẳng Bình Định dù đã được sáp nhập vào Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn nhưng vẫn là đơn vị được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước. Do vậy, phần diện tích đang không được sử dụng đến vẫn là tài sản công có giá trị lớn, phải do nhà nước xử lý, bố trí cho phù hợp”, thầy Phong nói.

Cũng theo Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, việc sáp nhập và thu gọn đầu mối trường nghề là chủ trương rất đúng đắn. Tuy nhiên, phải làm sao để cho các trường đang hoạt động tốt được tiếp tục phát triển lên, tránh trường hợp sáp nhập một cách cơ học.

Mặt khác, trước khi sáp nhập phải tính toán, cân nhắc các ngành của trường định sáp nhập, đặc biệt là với các ngành đào tạo đặc thù. Đơn cử như các nghề thuộc về lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật,... khi sáp nhập vào trường nghề liệu có phù hợp?

Bên cạnh đó, tên trường cũng không thể để quá dài, mà thường gắn với ngành nghề trọng tâm. Đơn cử như Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn dù có đào tạo các nghề liên quan đến lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật như Thanh nhạc, organ, nghệ thuật biểu diễn dân ca,.... Tuy nhiên, khi thí sinh muốn học những ngành này nhìn vào tên trường sẽ nảy sinh ra tâm lý không muốn lựa chọn học vì sợ rằng đây không phải nơi đào tạo chuyên nên chất lượng không đảm bảo. Việc tuyển sinh từ đó cũng bị giảm đi đáng kể.

“Việc sáp nhập nếu không cân nhắc đến các ngành đào tạo của các trường có hợp lý hay không cũng sẽ gây ra khó khăn trong việc bố trí cán bộ giảng viên, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cho người học.

Việc giảm đầu mối có thể sáp nhập giữa các trường trong 2, 3 tỉnh gần nhau chứ không nhất thiết phải cùng trong 1 tỉnh rồi vô tình tạo ra một “mớ bòng bong” hậu sáp nhập. Ví dụ, có thể xây dựng một trường cao đẳng hoặc đại học chuyên về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được đầu tư một cách bài bản của cả 3 tỉnh gần nhau như Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên”, thầy Phong nói.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, thầy Trương Đình Thăng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho rằng, trong cùng một trường nhưng các ngành nghề lại “chọi” nhau sẽ rất khó duy trì.

Thầy Thăng cho hay, theo Luật Giáo dục hiện hành quy định, các trường cao đẳng sư phạm chỉ được đào tạo mỗi lĩnh vực sư phạm mầm non, do đó, một số địa phương gần đây đã sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào trường cao đẳng nghề với mong muốn duy trì cho trường.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn, để thu hút sinh viên sư phạm vào trường nghề là tương đối khó. Bởi, sinh viên muốn đi học sư phạm thường sẽ tìm kiếm các trường chuyên đào tạo về sư phạm để học thay vì vào trường cao đẳng nghề.

“Việc đào tạo sư phạm khác với đào tạo nghề, các ngành học lại không cùng cơ quan quản lý chuyên môn sẽ gây ra nhiều bất cập. Do vậy, chỉ nên sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào các trường đại học chuyên đào tạo về sư phạm, ít nhất là trở thành một phân hiệu của một trường đại học sư phạm trọng điểm thì mới phát huy và nâng cao được chất lượng đào tạo”, thầy Thăng bày tỏ quan điểm.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, hiện Đại học Huế và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có phiên họp chính thức là sẽ trình các cấp để xây dựng đề án thực hiện sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị thành trường đại học trực thuộc Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị.

Sau khi sáp nhập, dự kiến sẽ có những khó khăn ban đầu như thiếu giáo viên đạt chuẩn để mở đủ các mã ngành đào tạo, tuy nhiên với trách nhiệm từ Đại học Huế cho một trường đại học trực thuộc thì vấn đề vướng mắc này sẽ sớm khắc phục được. Hơn nữa, do sáp nhập thành một trường đại học trực thuộc phân hiệu của Đại học Huế nên các cơ sở vật chất vẫn được giữ nguyên, không xảy ra tình trạng dôi dư, lãng phí.

Tường San