Có ý kiến nói dạy thao giảng, chuyên đề "diễn" nhiều: Người trong cuộc chia sẻ

16/02/2024 06:44
Sơn Quang Huyến (ghi)
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Thao giảng, hội giảng có mục đích đơn giản hơn, là tiết học các thầy cô muốn chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm giảng dạy với nhau.

Thời gian vừa qua, việc tổ chức thao giảng, hội giảng tiếp tục được bàn luận. Thao giảng, hội giảng có mục đích đơn giản hơn, là các tiết học các thầy cô muốn chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm giảng dạy với nhau.

Đáng nói, không ít ý kiến cho rằng, các tiết thao giảng chuyên đề mang tính hình thức, gây áp lực cho cả người dạy và người học.

Vấn đề đặt ra, có nên duy trì các tiết dạy thao giảng, minh họa chuyên đề? Làm sao các tiết dạy, thao giảng, minh họa chuyên đề mang thực chất, không diễn, có tác dụng thiết thực với thầy và trò?

Loan.jpg
Cô giáo Vũ Thị Loan (thứ 2 bên phải sang) - NVCC

Cô Vũ Thị Loan, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Minh Châu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Theo tôi, nếu tiết hội giảng cứ theo Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông là đảm bảo các yêu cầu.

Đi chấm, ban giám khảo cũng quan sát học sinh để đánh giá. Người dự dễ nhận ra ngay đâu là diễn, đâu là thật, càng diễn càng trừ điểm, sẽ chấm dứt dạy diễn ngay.

Còn tiết dạy minh họa chuyên đề thì nên dựa vào thực tế, để giáo viên dự có cái mà học tập, nếu dạy minh họa 1 đường, giáo viên về không vận dụng được thì cũng như không.

Trường tôi, tiết dạy minh họa chuyên đề, giáo viên đều dựa trên thực tế về chất lượng học sinh, trang thiết bị dạy học hiện có.

Tuy nhiên, thực tế cũng không thể dạy như ngày thường. Nhà có khách cũng phải chuẩn bị tươm tất một chút để đảm bảo yêu cầu cần đạt, chuẩn bị đồ dùng dạy học,.. mà trong kế hoạch bài dạy cần có.

Sau mỗi tiết dạy, người dự giờ có chia sẻ thế nào thì cuối cùng vẫn quy về một điểm: tùy theo đối tượng học sinh từng lớp, từng trường, tùy theo điều kiện của từng đơn vị, tùy theo năng lực của mỗi giáo viên, chứ không phải rập khuôn máy móc như tiết dạy đã minh họa”.

Thầy Minh Quang, công tác tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi từng tham gia thi giáo viên dạy giỏi và đạt kết quả tốt. Vì vậy không ít giáo viên tò mò về tiết dạy của tôi. Bên cạnh đó, tôi cũng khá rành về công nghệ thông tin. Vì thế, mọi người đều chờ đợi tiết minh họa chuyên đề của tôi sẽ có phương pháp mới và áp dụng kĩ thuật công nghệ vào tiết dạy.

Nhưng trái ngược hoàn toàn, tôi đã xây dựng một tiết dạy cực kì bình thường, bình thường tới mức không thể bình thường hơn được, bám sát vào thực tế của đơn vị về cơ sở vật chất cũng như khả năng của học sinh.

Thay vì trình chiếu với những kĩ thuật công nghệ hoạt hình thì tôi lại tận dụng tối đa bảng nhóm, bảng phụ.

Sau tiết dạy, nhiều giáo viên nói là chỉ có tôi mới dám liều lĩnh dạy đơn giản như vậy. Họ nói rằng tiết dạy của tôi như ở trên lớp hàng ngày vậy, không sân khấu hoá, nhưng học sinh hoạt động tốt, sau tiết dạy minh họa chuyên đề, giáo viên dự giờ đánh giá hiệu quả tiết dạy cao.

Tôi đã thực hiện đúng tiêu chí: Giáo viên giao nhiệm vụ, học sinh thực hiện nhiệm vụ, sau đó là tổ chức thảo luận thống nhất kết quả của nhiệm vụ.

Như vậy thay vì phải dạy thử nhiều lần để thuộc tình huống, thuộc nội dung kế hoạch bài dạy thì tôi đi sâu vào nội dung thực tế vừa đơn giản mà lại đỡ vất vả, gần với thực tế mà vẫn đạt hiệu quả giáo dục.

Tôi nghĩ, tiết dạy nói chung, tiết thao giảng, minh họa chuyên đề mà "diễn", không dựa trên thực tế của đơn vị, thì chỉ xem cho vui, mang tính hình thức, phản giáo dục”.

Thiên.jpg
Thầy giáo Trang Minh Thiên, giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Việt Dũng, Thành phố Cần Thơ - NVCC

Thầy giáo Trang Minh Thiên, giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Việt Dũng, Thành phố Cần Thơ chia sẻ: “Việc dự giờ, thao giảng đối với giáo viên có thể nói là nhiệm vụ chuyên môn mà bất cứ thầy cô giáo nào cũng phải thực hiện để có thể trao đổi và học hỏi lẫn nhau từ chuyên môn đến phương pháp giảng dạy.

Hằng năm, vào đầu năm học, tổ chuyên môn đều có các cuộc họp để xây dựng kế hoạch dạy học của tổ chuyên môn và cũng cho tất cả thành viên của tổ đăng ký thời gian và bài dạy để thực hiện thao giảng, chuyên đề seminar để báo cáo trước tổ chuyên môn.

Theo tôi các tiết dạy thao giảng, chuyên đề thì cần phải chỉn chu và hoàn thiện nhất có thể với mỗi thầy cô giáo. Vì đây là cơ hội để giáo viên thể hiện được trình độ chuyên môn cũng như phương pháp dạy học tâm đắc nhất của mình trước học sinh và đồng nghiệp.

Hiện nay, các tiết dự giờ, thao giảng gần như không còn áp lực như trước vì người dự sẽ tập trung vào việc quan sát cách tổ chức hoạt động cho học sinh thực hiện nhiệm vụ đúng với tinh thần của Chương trình 2018.

Bên cạnh đó, sau mỗi tiết thao giảng, giáo viên luôn được học hỏi thêm từ đồng nghiệp cách tổ chức lớp học, phương pháp giảng dạy hay mà đồng nghiệp đã áp dụng. Bên cạnh đó, giáo viên cũng có thể góp ý bổ sung thêm giúp đồng nghiệp có cách nhìn tổng quát hơn khi thực hiện giảng dạy ở các tiết học tiếp theo”.

tuấn.jpg
Thạc sĩ Thân Tuấn (bìa trái), Trường Trung học phổ thông Đức Trọng. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Thân Tuấn, Trường Trung học phổ thông Đức Trọng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Trong chương trình giáo dục phổ thông 2006, dự giờ và thao giảng trở thành một hoạt động thường xuyên để tính thi đua và xếp loại chuyên môn vì thế giáo viên và học sinh rất áp lực nên tình trạng diễn để có giờ học tốt là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên ở Chương trình 2018 hiện nay thì việc thao giảng đã giảm bớt nhiều, tuy nhiên nó được thể hiện dưới hình thức sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu bài học.

Xét về bản chất thì nghiên cứu bài học là một quá trình các giáo viên trong tổ nhóm bộ môn cùng thể nghiệm bài dạy, qua đó rút kinh nghiệm và hoàn thiện hơn tiết dạy phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Đó là một việc làm rất tốt nhằm góp phần nâng cao chuyên môn.

Vậy nên thao giảng, dự giờ chỉ nên tiến hành ở tổ nhóm bộ môn trong một trường thì điều đó là phù hợp nhẹ nhàng và thuận tiện, ít tốn kém.

Nếu thao giảng, dự giờ tiến hành ở cụm trường, nhiều trường, hoặc là một phòng giáo dục thì sẽ khác. Lúc đó, dưới áp lực của quan khách, áp lực của nhà trường, nó sẽ trở thành một giờ diễn và gây áp lực rất nhiều cho giáo viên khi tham gia đứng lớp.

Cùng với đó, việc các giáo viên phải dành nhiều thời gian đến dự giờ, chủ yếu là về mặt hình thức để có mặt, chứ thật sự thì cũng không chia sẻ nhiều được.

Vì học sinh khác, trường lớp khác, điều kiện cơ sở vật chất và kế hoạch giáo dục khác nhau vì sẽ gây nên nhiều khó khăn, tốn kém”.

Cô Lê Hoài An, giáo viên ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: “Các tiết dạy thao giảng, minh họa chuyên đề hay tiết dạy bình thường theo tôi luôn cần thiết phải chỉn chu, hoàn thiện. Vì giáo viên không chỉ dạy cho học sinh kiến thức mà còn dạy cho học sinh kỹ năng.

Sự chỉn chu trong mọi công việc là kỹ năng học sinh cần được rèn luyện mỗi ngày. Đó còn là sự trân trọng của giáo viên đối với người học và với công việc của chính mình.

Giáo viên cần phải hoàn thiện, tổng kết được nội dung kiến thức, kỹ năng mà họ đã lên kế hoạch tổ chức dạy học. Tuy nhiên, mỗi tiết học đều phát sinh các tình huống mới cần sự linh hoạt của giáo viên trong việc tổ chức, điều hành và dừng lại đúng thời điểm để kết lại vấn đề hợp lí, thuyết phục nhất.

Sự chỉn chu và hoàn thiện là cần thiết nhưng cần đánh giá trên tinh thần linh hoạt mỗi tiết học, theo phương pháp của mỗi giáo viên, hoàn toàn không nên theo một khuôn mẫu nào. Vì thế tiết dạy thao giảng, chuyên đề cần bám sát thực tế của đơn vị, chỉn chu nhưng không “diễn””.

Sơn Quang Huyến (ghi)