Có tiết thao giảng chuyên đề "diễn" nhiều quá, thành gánh nặng cho giáo viên

09/02/2024 06:37
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Nhiều khi, giáo viên cảm thấy tiếc thời gian bỏ cả buổi, thậm chí gần hết 1 ngày đi dự 1 tiết thao giảng chuyên đề mà chẳng học hỏi được bao nhiêu.

Nhiều năm trong nghề, bản thân người viết đã dự không biết bao nhiêu tiết thao giảng chuyên đề từ cấp tổ, cấp trường đến cấp huyện, cấp tỉnh. Nhưng, thực tâm người viết nhận thấy rằng những tiết có thể học hỏi được chỉ tính trên đầu ngón tay.

Phần nhiều những tiết thao giảng chuyên đề mang tính “diễn” quá nhiều nên mọi thứ đều trơn tru, trọn vẹn. Thầy cô hỏi gì học trò cũng biết hết nên những tiết thao giảng giống như một vở kịch đã được đầu tư công phu mà giáo viên đứng lớp và học sinh là những diễn viên bất đắc dĩ mà thôi.

Không biết, sau những tiết thao giảng như vậy, học sinh sẽ nghĩ gì về thầy cô của mình. Bởi lẽ, để có một tiết thao giảng trọn vẹn, nhất là thao giảng cấp huyện, cấp tỉnh thì giáo viên và học sinh phải chuẩn bị quá nhiều thời gian, công sức. Trong khi, nhiều giáo viên phải đi mấy chục cây số để dự 1 tiết thao giảng rồi về. Tốn kém, lãng phí là nhìn thấy được.

dư gio.png
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Quá nhiều những tiết thao giảng chuyên đề đang được tổ chức

Việc thực hiện các tiết thao giảng chuyên đề cho dù là cấp nào tổ chức thì giáo viên đảm nhận dạy minh họa cũng là người áp lực nhất. Bên cạnh đó, những giáo viên được phân công đi dự giờ cũng chẳng sung sướng gì.

Trên danh nghĩa, mục đích của tiết thao giảng là giáo viên chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong tiết thao giảng nhưng thực tế không phải tiết thao giảng nào cũng có thể học hỏi được.

Đối với thao giảng chuyên đề cấp tổ, thường gần gũi hơn cả, cho dù là “cây nhà lá vườn” nhưng ít tính diễn hơn vì thông thường giáo viên trong tổ quá hiểu nhau và tình hình chung của học sinh, giáo viên đều nắm được.

Mặc dù ít được đầu tư nhưng có lẽ những tiết thao giảng trong tổ gần gũi, phù hợp nhất. Việc xây dựng tiết thao giảng; minh họa tiết dạy cũng thật nên khi rút kinh nghiệm, giáo viên có thể nhìn thấy những ưu điểm, hạn chế rõ nét hơn. Việc góp ý, rút kinh nghiệm cũng thuận lợi và dễ dàng hơn.

Đối với thao giảng chuyên đề cấp trường, các tổ chuyên môn được Ban giám hiệu phân công thực hiện luân phiên. Tiết minh họa này phần nhiều cũng do tổ chuyên môn được phân công xây dựng, cùng với sự góp ý của phó hiệu trưởng chuyên môn.

Tuy nhiên, đối tượng dự giờ thì ngoài tất cả giáo viên trong tổ chuyên môn đứng ra thao giảng sẽ có đại diện của các tổ chuyên môn. Một số trường nhỏ huy động tất cả giáo viên không có tiết vào dự giờ.

Tuy nhiên, việc giáo viên các tổ khác đi dự giờ theo kiểu bị ép như vậy thực ra không hiệu quả. Vì thông thường giáo viên tổ này đi dự tổ khác thì mấy người biết về chuyên môn đúng, sai, hạn chế ở chỗ nào.

Chẳng hạn, giáo viên các môn xã hội đi dự thao giảng môn tự nhiên, hoặc ngược lại thì đi dự cho có mặt chứ họ đâu nắm được chuyên môn, đặc trưng của môn học mình dự giờ. Vì thế, khi rút kinh nghiệm gần như giáo viên tổ khác cho dù được mời góp ý họ cũng tế nhị từ chối.

Một phần họ không nắm được kiến thức môn học, một phần giáo viên cũng ngại đụng chạm với giáo viên tổ khác. Vậy nên, giáo viên tổ khác gần như không tham gia góp ý, đề xuất gì ở các tiết thao giảng cấp trường.

Đối với thao giảng cấp huyện mà một số địa phương đang triển khai hiện nay thường được đầu tư công phu hơn. Như ở địa phương người viết đang công tác, đầu năm hội đồng cốt cán (trước đây gọi là hội đồng bộ môn) sẽ họp và phân công một số đơn vị thực hiện 4 tiết thao giảng chuyên đề (mỗi kỳ 2 tiết).

Để chuẩn bị cho tiết thao giảng, tổ trưởng hoặc tổ phó hội đồng cốt cán sẽ cùng xây dựng với đơn vị sở tại. Cách làm thông thường là lên ý tưởng và cho giáo viên dạy minh họa thử ở các lớp trong khối vài lần để rút kinh nghiệm cho tiết dạy chính thức.

Ngày thao giảng, phòng giáo dục và đào tạo sẽ thông báo đến tất cả các trường trong huyện yêu cầu giáo viên dạy môn đó, khối đó và các tổ trưởng chuyên môn đi dự giờ. Vì thế, những tiết thao giảng như vậy, số lượng giáo viên đến dự giờ thường đông hơn học sinh.

Đối với thao giảng cấp tỉnh, ngoài giáo viên trong huyện (giáo viên dạy cùng khối với môn thao giảng) sẽ có thêm tổ trưởng, tổ phó hội đồng cốt cán các huyện. Những môn đặc thù ít giáo viên còn huy động thêm giáo viên các huyện lân cận đơn vị thao giảng đến dự giờ.

Vì vậy, các tiết thao giảng chuyên đề cấp tỉnh thường diễn ra ở hội trường hoặc ngoài sân trường mới có thể bố trí hết chỗ ngồi cho giáo viên dự giờ.

Đối với thao giảng ở cấp trung học phổ thông thì số lượng giáo viên thường ít hơn. Ngoài chuyện thao giảng cấp tổ, cấp trường thì cũng có thao giảng theo cụm, theo khu vực, thậm chí tỉnh nhỏ thì tổ chức cấp tỉnh.

Những tiết thao giảng theo cụm, cấp huyện, hay cấp tỉnh luôn khiến cho giáo viên dạy minh họa chuyên đề rất áp lực bởi ngoài học sinh của lớp còn có mấy chục giáo viên chăm chú theo dõi từng lời nói, hành động của giáo viên.

Nhiều khi, còn có nhiều chiếc điện thoại giơ lên chụp ảnh, quay phim lại tiết dạy thao giảng để làm minh chứng. Vì thế, sau tiết thao giảng theo cụm, cấp huyện, hay cấp tỉnh, giáo viên và tổ chuyên môn được phân công thao giảng như trút được gánh một gánh nặng trên vai.

Phía sau những tiết thao giảng chuyên đề

Thực tế, những tiết thao giảng chuyên đề cấp tổ hay cấp trường thì chi phí không đáng là bao nhiêu vì do đơn vị tự biên, tự diễn và mọi thứ cũng dễ thông cảm hơn. Tuy nhiên, những tiết thao giảng theo cụm, cấp huyện, hay cấp tỉnh hiện nay rất tốn kém cho các đơn vị.

Đơn vị sở tại đương nhiên là phải đầu tư tiền nước nôi cho nhiều giáo viên xây dựng, góp ý trong nhiều ngày. Ngoài ra còn tổ chức trang bị thêm một số thiết bị dạy học, thuê trang phục đối với một số môn học như Ngữ văn; Nội dung giáo dục địa phương, Lịch sử…khi đóng vai một số tiểu phẩm minh họa.

Sau tiết thao giảng, một số nơi đang tồn tại việc mời cơm nhau. Tất nhiên, những giáo viên trường khác ở lại họ cũng có đóng góp một phần nhưng cái chính là đơn vị sở tại và nhất là giáo viên của tổ chuyên môn đứng ra thao giảng phải đóng góp để mời khách.

Các trường cử giáo viên đi dự giờ thao giảng phải chi tiền công tác phí cho giáo viên. Dù chỉ dự 1 tiết nhưng tiền công tác phí đối với những giáo viên có quãng đường trên 15 km cũng phải một vài trăm ngàn/ 1 giáo viên nên cộng lại số tiền của nhiều giáo viên, nhiều trường sẽ ra một con số rất lớn.

Những giáo viên đi dự giờ cấp huyện, cấp tỉnh cũng chẳng sung sướng gì, nhất là dự ở các trường xa. Trường gần thì vài cây số nhưng có những trường trong huyện, trong tỉnh, cũng cách nhau vài chục km, có khi cả lên đến 30-40km nên nhiều khi phải chạy xe máy 1-2 tiếng đồng hồ.

Vì thế, có trường hợp một số giáo viên chạy xe máy yếu thì họ hùn với nhau… thuê chiếc ô tô để đi dự giờ cho an toàn. Tuy nhiên, việc dự giờ không phải lúc nào cũng học hỏi được kinh nghiệm nếu tiết dạy đó không thành công vì giáo viên đứng lớp yếu tâm lí.

Hoặc, ngay cả khi tiết dạy thành công thì giáo viên đi dự giờ cũng khó lòng học hỏi và áp dụng vào tiết dạy của mình sau này vì nhiều khi học sinh vừa học tiết thao giảng được lựa chọn từ các lớp khác nhau trong khối, chủ yếu là học sinh khá, giỏi vào học tiết minh họa.

Khi góp ý, rút kinh nghiệm chủ yếu là khen xã giao nhau, chứ chẳng mấy ai góp ý thật lòng vì góp ý thật thì đụng chạm đến đơn vị sở tại và cũng tội giáo viên đứng lớp.

Thời đại công nghệ thông tin, việc muốn học hỏi từ đồng nghiệp, giáo viên chỉ cần lên mạng internet tham khảo sẽ có rất nhiều tiết dạy hay. Hoặc, tại các trang tập huấn của các nhà xuất bản cũng có rất nhiều tiết dạy thực nghiệm, minh họa bài bản.

Thế nhưng, giáo viên, nhất là tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường đã, đang phải thường xuyên đi dự giờ thao giảng chuyên đề rất nhiều tiết từ các đơn vị trong huyện, trong tỉnh. Nhiều khi, giáo viên cảm thấy tiếc thời gian bỏ cả buổi, thậm chí gần hết 1 ngày đi dự 1 tiết thao giảng chuyên đề mà chẳng học hỏi được bao nhiêu.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN