Cú sốc tương lai (*) và nền giáo dục

20/04/2020 06:18
Nguyễn Thị Lan Hương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Câu hỏi về tương lai luôn là câu hỏi của bất kỳ thế hệ, thời đại và của bất kỳ tư tưởng, chủ nghĩa hay của từng cộng đồng, từng cá nhân hay gia đình.

Câu hỏi về nền giáo dục nào cho chúng ta, cho con cháu chúng ta, cũng luôn là câu hỏi của những người có trách nhiệm, biết lo nghĩ cho mình và cho thế hệ tiếp theo.

Nhưng lịch sử của thế giới, của tiến bộ nhân loại, đang chỉ ra những điều gì?  

Nhất là sau một thế kỷ 20 mà dường như chưa khi nào, cả thế giới có cơ hội cùng nhau “học bài” rằng, nếu không thể biết sống cùng nhau dựa trên hiểu biết – thương yêu – và tính nhân bản “con người” cần được đặt lên trên tất cả lợi ích, thì chúng ta đối mặt với những giá phải trả, mà có lẽ kéo dài hàng thế kỷ tiếp theo chăng? 

Trong những cuốn sách viết về lịch sử thế giới, lịch sử nhân loại và tiến bộ của khoa học kỹ thuật, có mấy cuốn sách mà bìa được giới thiệu trên đây, câu nói “Mặt trời không bao giờ lặn…” ở đâu đó chứng minh được điều gì, nếu không phải hôm nay bạn là đỉnh cao, thì ngày mai lại là kẻ khác; 

Nếu quốc gia này tự cho mình là vĩ đại hàng thế kỷ, lịch sử dân tộc đáng tự hào đến 4000 năm, hóa ra vẫn là “trẻ con” (***) [1,2]; 

Rằng phía Tây phát triển khoa học công nghệ do bởi “tính vượt trội” về nòi giống hoặc dám mạo hiểm; 

Còn phía Đông thì là “thiên đàng” bởi những giá trị hàng nghìn năm tạo nên lịch sử dân tộc;

Thì với khoa học kỹ thuật tiến bộ hàng ngày đều đang chứng minh những điều khoa học và học thuyết “đúng” của ngày hôm nay hóa ra lại sai, và thậm chí, khoa học kỹ thuật và những học thuyết dễ dàng bị “lạm dụng” để phục vụ cho lợi ích chính trị - kinh tế của những nhóm nắm giữ và mong muốn duy trì lợi ích dựa trên vị thế của mình [3, 4]!

Gen học làm người tử tế
Gen học làm người tử tế

Điều khó khăn nhất trong giáo dục cho tương lai, cho thế kỷ tiếp theo là gì, khi những “đổ vỡ” hệ thống được coi là tiến bộ để “đi tắt đón đầu”; hoặc phát triển nhanh “tốc độ” trong thế kỷ 21 với internet vạn vật? trong thời đại mà những lợi ích của công nghệ, của tiến bộ xã hội, dành cho số ít và nền giáo dục có chất lượng dành cho những gia đình “đặc quyền”? 

"Cú Sốc Tương lai", xuất bản năm 1970; và xa hơn thế, những năm 1950 hay thậm chí nếu nói cho đúng, thời đại Khai Sáng bàn về những giá trị nào sẽ giúp nền giáo dục dành cho con người hướng đến một xã hội, một cộng đồng và những cá nhân biết sống đúng với bổn phận, trách nhiệm cá nhân và công dân, dựa trên đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội, mà nhân bản là cốt lõi? 

Khi nhìn nhận về tương lai nào cho giáo dục mỗi cá nhân, mỗi gia đình và mỗi dân tộc, với nền tảng đạo đức nhân bản, liệu có quá quan trọng để cạnh tranh dựa trên những lợi thế cạnh tranh mà từ những “quá khứ” không phải lúc nào cũng sạch sẽ, hay tử tế?  

Hay câu hỏi cho điều gì là cốt lõi để giáo dục tạo dựng nên những giá trị bền vững, mà không phải là “những kẻ ăn cắp trên mạng internet thì không hề ý thức được việc chúng trộm cắp; bởi họ luôn tin rằng bản gốc của chủ sở hữu vẫn đang ở đó” [5]? 

Điều đáng quan ngại sâu sắc cho một xã hội tương lai; cho nền giáo dục của tương lai, chính là đạo đức nào cho con người và nhân loại, khi ăn cắp trong thời đại internet vạn vật được thừa nhận chính thức và hợp pháp, nếu không nói là các quyền lực chính trị - kinh tế đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội để hỗ trợ quá trình “hợp thức hóa” dữ liệu cá nhân khi các vấn đề về sở hữu thông tin cá nhân và những câu hỏi lớn, cơ bản, cho internet và bảo vệ quyền sở hữu cá nhân/tập thể về thông tin bản thân; về những gì riêng tư liên quan đến cuộc sống của họ, trên internet, chưa hề được trả lời thỏa đáng [5]. 

Quan điểm cá nhân tôi, có thể sai, có thể đúng, nhưng với 100 năm lịch sử của gia đình để lại, tôi tin vào giá trị cốt lõi cho mọi tương lai trong bất kỳ thời đại công nghệ nào, đó là sống và học làm người tử tế [6]. 

Tài liệu tham khảo:

(*) A. Tofler, Cú sốc tương lai (Future Shock) (bản tiếng Anh xuất bản 1970; dịch ra tiếng Việt 2016)

Tên những cuốn sách tham khảo hình ảnh trang bìa:

(**) N. Ferguson, Civilization, The West and The Rest;

(**) S. Oppenheimer, Eden in the East, The Drowned Continent in Southest Asia; 

(**) C. Kupchan, No One’ World: The West, The Rising Rest and The Coming Global Turn;

(***) Tản Đà, “Dân hai lăm triệu ai người lớn; Nước 4000 năm vẫn trẻ con

[1] http://nghiencuuquocte.org/2020/04/16/the-gioi-hom-nay-16-04-2020/#more-34934

[2] N. Irwin, It’s the End of the World Economy as We Know It (NYT 15-4-20), http://nghiencuuquocte.org/2020/04/17/covid-19-se-lam-bien-doi-nen-kinh-te-the-gioi-nhu-the-nao/

[3] Biến đổi môi trường ở ĐBSCL: Sự bành trướng vô hạn của các đô thị, TT. Chính, MTG

[4] V. Dung, TBKTSG, https://www.thesaigontimes.vn/302350/kha-nang-hoat-dong-lien-tuc-cua-vietnam-airlines-phu-thuoc-vao-ho-tro-cua-chinh-phu.html

[5] F. Cairncross, The Death of Distance, How communications revolution is changing our lives; Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, 4 Nguyên Lý Lãnh đạo cho Cách Mạng Công nghệ thời 4.0 (bài dịch từ phát biểu của Chủ Tịch WEF, http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/bon-nguyen-ly-lanh-dao-cho-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html, 2016);  

[6] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Lời Giới thiệu về một phụ nữ, một gia đình, vượt khó để học và bền bỉ với giá trị nhân bản dành cho con người qua giáo dục và chia sẻ tình yêu thương, http://newasiagloballearning.com/gioi-thieu/loi-gioi-thieu.html

Nguyễn Thị Lan Hương