Cuộc chiến thi vào 10 của những học sinh khá giỏi

06/03/2018 06:28
Nam Phương
(GDVN) - Người ta hay nói “cày đêm” nhưng được “ngủ ngày” còn học trò của chúng ta hiện nay vẫn đang “học ngày, học đêm” và chỉ ngủ chập chờn nửa giấc.

LTS: Để giành được một suất vào lớp 10 thực sự đang là cuộc chiến cam go của rất nhiều học sinh lớp 9 đặc biệt là những em có lực học khá giỏi, khiến các em lao vào học liên tục, ôn tập kín tuần.

Từ đó, chia sẻ những vất vả, căng thẳng và áp lực của các em trước kì thi vô cùng quan trọng này, tác giả Nam Phương có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Được dự báo năm nay lứa “dê vàng” sẽ vào lớp 10. Thế nên cuộc chạy đua vào lớp 10 của các em học sinh chưa bao giờ căng thẳng và cam go như vậy. Đặc biệt là cuộc đua của những học sinh khá giỏi vào trường chuyên lớp chọn.

Không ít phụ huynh thẳng thắn bày tỏ “kì thi này về mặt áp lực còn nhiều hơn kì thi trung học phổ thông quốc gia vì không đỗ trường đại học này sẽ đỗ vào trường khác, điểm thi có thấp đã có điểm học bạ chống lưng”. Vì thế, nhiều phụ huynh đã không tiếc tiền đầu tư cho con.

Cuộc chiến thi vào lớp 10 của các em học sinh và phụ huynh (Ảnh minh họa: TTXVN).
Cuộc chiến thi vào lớp 10 của các em học sinh và phụ huynh (Ảnh minh họa: TTXVN).

Học ngày cày đêm

Có thể nói, cuộc thi vào 10 là cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt của các học sinh có lực học từ khá trở lên.

Với học sinh yếu, kém và trung bình các em đã xác định vào trường tốp dưới nên học cũng đủng đà đủng đỉnh. Bởi các em biết đường nào mình cũng chẳng thể chen chân vào những ngôi trường có tiếng tăm.

Riêng học sinh xuất sắc sẽ tăng tốc ôn thi vào trường chuyên. Học sinh khá, giỏi với ước mong thi vào trường điểm và được chọn vào học tại lớp chọn.

Nếu trường chuyên cả tỉnh chỉ có một trường, học sinh muốn thi vào nơi đây phải có lực học thật sự xuất sắc. Mà như thế cả một trường ở vùng quê, may ra cũng chỉ được một vài em đỗ đã là nhiều. Nhưng, lớp chọn lại được tổ chức khá nhiều ở các trường phổ thông hiện nay.

Có trường mỗi khối không chỉ có một lớp chọn mà tới 2-3 lớp. Ví như ở trường trung học phổ thông huyện tôi, khối lớp 10 ban A có lớp 10A1, 10A2, ban B có 10B1, 10B2 là các lớp chọn. Hoặc đã chọn 10T (toán) lại có 10 N (chúng tôi quen gọi là tê phẩy), rồi 10V (văn), 10N (Anh văn)…

Học sinh thi vào trường sẽ tuyển từ điểm cao nhất cho đủ số lượng cần lấy. Những học sinh điểm cao còn lại tiếp theo sẽ được phân đều vào các lớp để làm nòng cốt.

Cuộc chiến thi vào 10 của những học sinh khá giỏi ảnh 2Học sinh vật vã ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 nhìn từ chương trình, chính sách

Theo tâm lý của học sinh và cả phụ huynh, được học ở các lớp chọn là một niềm vinh dự lớn cho bản thân các em và gia đình.

Thế nên những học sinh chỉ có lực học khá nhưng vì kì vọng được vào lớp chọn đã được ba mẹ đầu tư cho học thêm tối ngày.

Gia đình có kinh tế còn mời riêng gia sư về giảng dạy. Và như thế, chuỗi ngày “học đến chết” của các em không thể nào tránh khỏi.

Thế nên, chuyện các em lao vào học cả ngày đêm chẳng còn là hình ảnh hiếm gặp.

Do bắt buộc phải đăng kí học tăng tiết ở trường, tan học, các em lại chạy xô đến lớp học thêm của các thầy cô dạy giỏi mà mình tin tưởng. 3 môn học thi (Toán, Văn, Anh văn) mỗi môn ôn tuần 2 buổi là hết gọn 6 buổi trong tuần.

Những học sinh gia đình khó khăn thường tụ nhóm rồi mới đăng kí học để đỡ tiền học phí. Các em gia đình khá giả, cha mẹ sẵn sàng đầu tư học kèm từ 1-3 em/nhóm với mức học phí 1 triệu đồng/môn (8 buổi/môn).

Tranh thủ “làm tiền”

Nhận thấy nhu cầu cần ôn luyện của học sinh khá cao. Nên không ít giáo viên có tiếng dạy giỏi đã tận dụng triệt để cơ hội này.

Có giáo viên Ngữ văn nói rằng “môn văn thường ngày chẳng ai đi học thêm. Thế nên mùa ôn thi vào 10 mới dạy được.

Khá nhiều phụ huynh lại đặt niềm tin vào những giáo viên dạy văn cấp 3 nên dù giá thầy cô có hét cao cỡ nào họ cũng cắn răng xin được gửi con học.

Một giáo viên dạy văn là phó hiệu trưởng của trường trung học phổ thông từng ra giá dạy 400 ngàn đồng/buổi với thời lượng 1 tiếng 30 phút. Một tháng dạy 8 buổi giáo viên sẽ thu tiền tháng là 3 triệu đồng.

Với giá ôn thi cao ngất như thế, dù muốn thì đa phần phụ huynh cũng chỉ dám gửi con học trước 2 tháng khi kì thi diễn ra với học phí trọn môn là 6 triệu đồng.

Một phụ huynh bật mí “gia đình có nguyện vọng cho con vào trường chuyên. Thế nên phải thuê giáo viên dạy kèm đặc biệt. Chỉ một mùa ôn tập chúng tôi chi gần 20 triệu đồng.

Cuộc chiến thi vào 10 của những học sinh khá giỏi ảnh 3Tăng tốc ôn thi vào 10, cả thầy và trò đều bơ phờ

Ôn gấp rút học sinh cũng phải học kiểu tăng tốc, vừa học lý thuyết, giáo viên còn buộc các em học hàng chục bài văn mẫu.

Để không bị đụng hàng, nhiều giáo viên đã sưu tầm được những cuốn văn mẫu “độc” hoặc tự mình soạn ra. Nhiệm vụ của các em là học thuộc vào phòng thi nếu trúng chỉ viết ra và đương nhiên sẽ nhận được điểm cao bất ngờ.

Giáo viên dạy giỏi theo suy nghĩ của khá nhiều phụ huynh học sinh là những giáo viên ôn trúng đề và nhiều học sinh đã ôn nơi ấy thi đạt điểm cao.

Có lẽ do kinh nghiệm ôn thi nhiều năm cùng với sự nhạy bén, một số thầy cô có tài “ôn tủ” mà % thành công thường chiếm từ 80-90%.

Dù vẫn ôn tập tất cả kiến thức cơ bản theo hướng dẫn chung thì thời gian gần ngày thi bao giờ những thầy cô này cũng “nước rút” và gói gọn lại vài ba tác phẩm “tủ” để trò làm cẩm nang lên đường ứng thí.

Với kiểu học nhồi sọ và mớm bài như thế, các em thi xong (dù điểm cao) thì bao nhiêu kiến thức cũng trả lại hết cho thầy.

Thế mới có trường hợp, một số em học sinh thi đầu vào đạt tổng điểm 3 môn sau khi đã nhân hệ số trên 50 điểm, thậm chí 55 điểm (thủ khoa) nhưng trong quá trình học trên lớp, lực học chỉ còn trung bình, thậm chí có bài kiểm tra toán đầu năm chỉ đạt điểm 3, điểm 4.

Nhìn các em học mùa thi mà thấy thương. Người ta hay nói “cày đêm” nhưng được “ngủ ngày” còn học trò của chúng ta hiện nay vẫn đang “học ngày, học đêm” và chỉ ngủ chập chờn nửa giấc.

Một nghịch lý đang tồn tại ở ngành giáo dục chúng ta. Không chấm điểm và không thi như tiểu học, không thi tốt nghiệp lớp 9 thì trò lơ là chẳng buồn học. Mà tổ chức kì thi thì “học đến chết luôn”.

Phải chăng ngành giáo dục của chúng ta đang thiếu đi một công cụ đánh giá thật sự về chất lượng của học sinh?

Nam Phương