Quy chế này ban hành kèm Thông tư số 06 /2024/TT-BGDĐT ngày 10/4/2024, có hiệu lực thi hành kể từ 27/5/2024 và thay thế Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ngày 2/11/2012 ban hành Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và Thông tư số 32/2017/TT-BGDĐT ngày 19/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT.
Đăng cai tổ chức cuộc thi được đăng kí tối đa 6 dự án/đơn vị dự thi, riêng Hà Nội và Hồ Chí Minh được đăng kí gấp đôi
Cụ thể theo quy chế mới, nội dung thi là kết quả thực hiện dự án nghiên cứu khoa học, kĩ thuật của học sinh thuộc 22 lĩnh vực: Khoa học động vật; Khoa học xã hội và hành vi; Hóa Sinh; Y sinh và khoa học sức khỏe; Kĩ thuật y sinh; Sinh học tế bào và phân tử; Hóa học; Sinh học trên máy tính và Sinh - Tin; Khoa học trái đất và môi trường; Hệ thống nhúng; Năng lượng: Hóa học; Năng lượng: Vật lí; Kĩ thuật cơ khí; Kĩ thuật môi trường; Khoa học vật liệu; Toán học; Vi sinh; Vật lí và thiên văn; Khoa học thực vật; Rô-bốt và máy thông minh; Phần mềm hệ thống; Y học chuyển dịch.
Trước đó, dự thảo Thông tư ban hành quy chế Hội thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đã bỏ 14 lĩnh vực như Y Sinh và khoa học Sức khỏe, Kỹ thuật Y Sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Y học chuyển dịch… ra khỏi cuộc thi này. Các lĩnh vực dự kiến đưa vào cuộc thi gồm: Toán; Vật lí và Thiên văn; Hóa học; Sinh học; Tin học; Kĩ thuật và Công nghệ; Khoa học Trái đất và Môi trường; Khoa học xã hội.
Dự án dự thi có thể do 1 học sinh thực hiện (dự án cá nhân) hoặc do 2 học sinh thuộc cùng một cơ sở giáo dục thực hiện (dự án tập thể).
Bên cạnh đó, quy chế mới cũng nêu rõ các nội dung cơ bản cần có trong báo cáo kết quả thực hiện dự án dự thi, bao gồm: Câu hỏi nghiên cứu (đối với dự án khoa học) hoặc vấn đề nghiên cứu (đối với dự án kĩ thuật); thiết kế và phương pháp nghiên cứu; thực hiện thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu (đối với dự án khoa học) hoặc chế tạo và kiểm tra (đối với dự án kĩ thuật).
Đối với các đơn vị dự thi là Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi đơn vị dự thi được đăng kí tối đa 3 dự án dự thi. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị được đăng kí tối đa 6 dự án dự thi.
Đơn vị dự thi là trường trực thuộc Bộ, đại học, trường đại học, viện, học viện, mỗi đơn vị được đăng kí tối đa 2 dự án dự thi.
Đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi được đăng kí tối đa 6 dự án dự thi. Riêng đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị được đăng kí tối đa 12 dự án dự thi.
Không còn giải thưởng theo tiêu chí đánh giá riêng
Về quy trình chấm thi, theo quy chế mới, quy trình chấm thi được thực hiện theo các bước:
Trước tiên, tiến hành bốc thăm phân công giám khảo chấm thi.
Tiếp đó, giám khảo chấm thi các dự án được phân công thực hiện chấm thi theo hướng dẫn chấm thi đã được phê duyệt;
Mỗi dự án dự thi được từng giám khảo đánh giá độc lập thông qua nội dung báo cáo kết quả thực hiện dự án dự thi theo quy định; phỏng vấn thí sinh tại khu vực trưng bày poster; cho điểm theo thang điểm 100, điểm đánh giá dự án thi của từng giám khảo là số nguyên (theo nguyên tắc làm tròn số).
Tiêu chí đánh giá mới như sau:
Điểm đánh giá dự án dự thi là trung bình cộng điểm của các giám khảo chấm thi được làm tròn đến 01 (một) chữ số thập phân. Trường hợp điểm của thành viên giám khảo lệch 20% so với điểm trung bình cộng của các giám khảo chấm thi thì loại bỏ điểm đó và tính lại điểm trung bình của các giám khảo còn lại. Trường hợp có trên 50% số giám khảo có điểm đánh giá lệch 20% so với điểm trung bình cộng điểm của các giám khảo chấm thi thì Trưởng Tiểu ban giám khảo tổ chức họp với các giám khảo cùng chấm dự án đó để thảo luận, thống nhất điểm đánh giá; kết quả đánh giá được ghi thành biên bản có chữ kí của Trưởng Tiểu ban giám khảo và các giám khảo chấm thi;
Mỗi lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực lập 01 biên bản kết quả chấm thi của lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực đó; biên bản có chữ kí của Trưởng Tiểu ban giám khảo và Thư kí được phân công;
Trưởng Ban giám khảo căn cứ kết quả chấm thi của các lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực đề xuất xếp giải của cuộc thi theo quy định tại Điều 17 Quy chế này gửi đơn vị thường trực Ban chỉ đạo cuộc thi trình Trưởng Ban chỉ đạo phê duyệt.
Cụ thể, theo quy định xếp giải mới, các giải của cuộc thi được xếp theo lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực dựa trên điểm đánh giá các dự án thi không phân biệt dự án cá nhân hay dự án tập thể, gồm 4 giải: giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Tư.
Tổng số giải của cuộc thi không vượt quá 60% tổng số dự án dự thi. Trong đó, số giải Nhất không vượt quá 10% tổng số giải, số giải Nhì, giải Ba, giải Tư, mỗi loại không vượt quá 30% tổng số giải.
Còn theo quy chế cũ, tỷ lệ xếp giải tính trên tổng số dự án dự thi trong từng lĩnh vực không quá: 5% giải Nhất; 10% giải Nhì; 15% giải Ba; 20% giải Tư. Ngoài ra, bên cạnh 4 giải Nhất - Nhì - Ba - Tư, còn có thêm quy định "khuyến khích các tổ chức, cá nhân lựa chọn và trao các giải khác cho thí sinh theo tiêu chí đánh giá riêng của mình sau khi được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo cuộc thi".
Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lần đầu vào năm 2013. Từ đó đến nay, cuộc thi được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ 2 của năm học. Từ năm 2013 đến năm 2019, cuộc thi được tổ chức tại hai điểm ở hai miền Bắc, Nam với số lượng tham dự là 4 - 6 dự án/đơn vị dự thi và được tổ chức lần lượt ở các địa phương khác nhau.
Từ năm 2020, cuộc thi giảm quy mô về số lượng dự án tham dự (2 dự án/đơn vị dự thi; riêng đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi được tham dự 4 dự án) và được tổ chức tại một địa phương trên cả nước (riêng năm 2022 Cuộc thi được tổ chức trực tuyến do dịch COVID-19).
Các dự án tham dự cuộc thi được tuyển chọn từ các cuộc thi cấp tỉnh, cấp trường (đối với các trường trung học trực thuộc đại học, trường đại học). Theo báo cáo của các đơn vị tham gia cuộc thi, hằng năm có từ 200-300 dự án tham gia vòng sơ tuyển để lựa chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi cấp tỉnh, trên cơ sở đó lựa chọn dự án tham gia Cuộc thi cấp quốc gia với số lượng dự án theo quy định từng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cũng hằng năm, từ kết quả cuộc thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn những dự án đạt giải cao nhất và có đủ điều kiện (theo quy định tại Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ngày 02/11/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) để tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học do Hoa Kỳ tổ chức.