Chàng trai làng trở thành tỷ phú từ nghề may

22/05/2012 14:45
Lê Dung K31B
(GDVN) - Với đôi tay tài hoa và chiến lược kinh doanh đúng đắn, mỗi năm, anh Dương Văn Vịnh thu nhập 600 - 700 triệu đồng từ xưởng may com-le của mình.
Vừa đến thôn Từ Thuận tôi được nghe câu chuyện của mấy chị phụ nữ còn rất trẻ nói với nhau: “Nghỉ tết xong công việc ổn định trở lại rồi. Em vừa đi lấy hàng giáp Thân về làm đây…”. Tò mò một chút, tôi biết được họ lấy hàng ở nhà anh Dương Văn Vịnh (sinh năm 1979), trú tại thôn Từ Thuận, Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội. Đó là một chàng trai có năng khiếu kinh doanh và làm ăn rất giỏi giang.

Theo chân anh Bí thư Đoàn thanh niên xã Vân Từ, tôi đến tìm hiểu ông chủ trẻ say sưa với nghề may mặc và làm giàu từ chính nghề này trên mảnh đất quê hương.
Chọn nghề truyền thống

Tiếp chúng tôi trong một ngôi nhà 3 tầng rộng, kiến trúc kiểu mới độc đáo, đẹp, khang trang nằm trên con đường liên xã, anh Vịnh vui vẻ giới thiệu: “Gia đình tôi mới chuyển ra ở ngôi nhà này được gần 3 năm, nó là một trong thành quả của nghề may mà tôi làm”. Nâng chén nước chè, anh nói với chúng tôi về công việc của mình từ những ngày chập chững bước vào học nghề cho đến khi trưởng thành trong nghề như bây giờ. May mắn được sinh ra trên mảnh đất làng quê đã “manh nha” trong anh nghề may mặc từ rất sớm.

Cũng như nhiều đứa trẻ trong làng, anh Vịnh bắt đầu cầm kim chỉ bắt chước người may quần áo từ những năm học cấp 2 trường làng. 16 tuổi anh mới thực sự theo ông chú họ tìm hiểu, học hỏi nghề may mặc thủ công. Hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự anh Vịnh quay về làng tiếp tục rèn giũa tay nghề. Học và làm công thêm 2 năm, anh trở thành người thợ cả khéo léo đứng ra mở hiệu may riêng. 

Năm 2001 anh bắt đầu ra trung tâm Thủ đô tìm kiếm thị trường đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Anh Vịnh tiếp cận với loại máy móc thiết bị mới về phục vụ xưởng may gia đình của mình cũng như giới thiệu cho người dân trong làng về những máy móc hiện đại đó để cải thiện hiệu quả may một cách thủ công.


Anh Dương Văn Vịnh
Anh Dương Văn Vịnh


“Buổi đầu đứng ra tự chủ cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn cũng như một số kỹ thuật mặc dù mình đã học tập được rất nhiều từ chú họ. Trong gia đình mình là con trai đầu. Bố mẹ già yếu cũng chỉ làm nông nghiệp lại nuôi 2 em ăn học nữa nên cái áp lực về kinh tế cũng khiến mình thấy hơi nản chí, chỉ biết đi vay mượn lấy vốn nhưng tính mình đã quyết tâm là sẽ thực hiện nên mình quyết định đầu tư làm nghề” – anh Vịnh hồi tưởng. 
Làm giàu…

Ban đầu chỉ đủ vốn để mua những máy móc bình thường khoảng 3 - 4 triệu đồng, làm thủ công là chủ yếu nên cũng vất vả. Tuy nhiên, vốn dĩ xuất thân từ gia đình nông dân chân lấm tay bùn, quen với cái khổ nên mọi khó khăn đều có thể cố gắng vượt qua. Mãi một thời gian dài tích cóp được số vốn tương đối thì gia đình anh đầu tư mua máy công nghệ hiện đại đưa vào sử dụng. Anh mua máy ép thủy lực công nghệ cao, máy thùa khuyết điện tử, máy may hiện đại nhất… Đến bây giờ tại nhà anh có 4 máy công nghệ cao với tổng số tiền đầu tư lên tới  gần 800 triệu. 

Anh Vịnh say sưa kể cho chúng tôi nghe về cái nghề may mà anh và bây giờ làng anh đang phát triển. Để hoàn thiện một bộ Com-lê phải trải qua một số công đoạn rất công phu cần sự khéo léo, kiên trì của người thợ. Đầu tiên là khâu thiết kế, anh tự sáng tạo ra những mẫu thiết kế cho khách hàng hoặc vẽ ra theo ý tưởng của khách hàng đặt.

Những bài học “tự học”, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình làm nghề giúp anh trở thành một người thợ cắt may giỏi, sáng tạo. Sau khâu thiết kế là đến khâu dán keo rồi đưa ra máy ép thủy lực cho lớp keo và miếng vải gắn vào nhau tạo dáng cho sản phẩm, đo đạc lại theo thông số kĩ thuật và cắt. Hết công đoạn này thì những người lao động mới nhận về nhà hoàn thiện từng bộ phận rồi sau đó lại mang lắp ghép. Chẳng hạn như thợ giáp cổ, giáp thân, giáp tay… sau đó lại xưởng đột nẹp, thùa khuyết, đính cúc, là lượt… mới ra một sản phẩm hoàn thiện.


Máy Ép thủy lực được sử dụng trong may Com-lê tại gia đình anh Vịnh.
Máy Ép thủy lực được sử dụng trong may Com-lê tại gia đình anh Vịnh.

Lực lượng nhân công làm việc cho anh chủ yếu là thanh niên, những người còn trong độ tuổi trẻ vì đặc thù công việc. Hiện tại anh thuê gần 30 nhân công, trong đó có 6 nhân công điều khiển 4 máy chuyên dụng may Com-lê, còn hơn 20 lao động chủ yếu là người dân trong thôn và rộng hơn là trong địa bàn huyện. Thu nhập bình quân của các thợ từ 4 đến 5 triệu đồng/ tháng. Sản phẩm may mặc của gia đình anh Vịnh bán buôn, bán lẻ ra khắp các tỉnh thành trong toàn quốc như Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La, Quảng Ninh…

Chị Hằng (27 tuổi), nhân công của gia đình anh Vịnh chia sẻ: “Mình là người làng bên đến làm cho anh Vịnh 6 năm rồi. Được học nghề xong mình làm luôn, công việc phù hợp và ổn định nên hàng tháng mình có thu nhập tốt, có những tháng mình làm được 5 triệu đồng. Làm may là công việc tạo ra thu nhập chủ yếu để mình có tiền trang trải cuộc sống của gia đình”.

Không chỉ nhận những thợ lành nghề về làm công hoặc khoán sản phẩm mà anh Vịnh còn đào tạo dạy nghề từ đầu cho những người mới để bắt nhịp với công việc.

Mỗi năm may được trên 4 nghìn bộ Com-lê, thu nhập lên tới 600 - 700 triệu đồng, gia đình anh giờ đã có nhà cửa khang trang, đầy đủ các tiện nghi và một số cơ ngơi. Số tiền dư ra lên tới hàng tỷ đồng. Làm giàu được trên chính mảnh đất quê hương, lại có thể giúp bà con trong làng xã có thêm công ăn việc làm thu nhập khá, mô hình kinh tế gia đình anh Vịnh đã góp phần phát triển và “giữ lửa” làng nghề may mặc của địa phương.

“Mình cũng đang xem xét để mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa. Mình sẽ dần dần thực hiện để trước hết phát triển kinh tế cho gia đình và có thể góp phần vào việc giữ gìn làng nghề truyền thống” – anh Vịnh chia sẻ.
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY

Lê Dung K31B