Hà Nội: "Cà phê chuồng" mọc lên như nấm

29/04/2012 20:33
Nguyễn Huệ - Nguyễn Lịch (Báo in 30A1)
(GDVN) - Vào quán uống cà phê hay “uống tình”? Đó là băn khoăn mà dư luận đang đặt ra trước hiện tượng nhiều quán “cà phê chuồng” xuất hiện ở Hà Nội.
“Cà phê chuồng”: rẻ, lạ và riêng tư

Gần đây, “cà phê chuồng” xuất hiện ngày càng nhiều tại một số điểm trên địa bàn Hà Nội như: Vĩnh Hồ, Yên Phụ, Đê La Thành…
Điểm thu hút đầu tiên của những quán cà phê này là giá đồ ăn, đồ uống rất bình dân, phù hợp với túi tiền của các bạn trẻ. Chỉ với 40.000 hai cốc cà phê, họ có thể ngồi đó đến khi nào tùy thích.
Không chỉ “rẻ", những quán cà phê này còn rất lạ ở cách thiết kế. Thay vì có các bàn uống nước như thông thường, những quán cà phê “tình nhân” được chia thành từng buồng, từng ngăn nhỏ. Mỗi ngăn rộng chưa đến 2m2, chỉ đủ chỗ cho hai người. Bởi thế, những vị khách khi tới đấy họ vẫn quen gọi nó với cái tên quen thuộc là “cà phê chuồng”. 

“Cà phê chuồng” mọc lên ngày càng nhiều giữa lòng thủ đô Hà Nội
“Cà phê chuồng” mọc lên  ngày càng nhiều giữa lòng thủ đô Hà Nội



Dường như  “rẻ” và “lạ” chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu của khách, cái mà họ cần nhất là một không gian riêng tư và kín đáo khi tới đây. Bước vào “chuồng”, họ có thể tự do làm bất cứ điều gì mình thích - điều mà các quán cà phê thông thường khó có thể đáp ứng. Nhờ đó, các quán “cafe chuồng” có thể “câu” được rất nhiều khách. 

Giới trẻ hiện nay rất thích đến những quán cà phê kiểu này, địa điểm của nó còn được giới thiệu rộng rãi trên mạng internet. Nhưng điều đáng lo ngại là dịch vụ này có thể biến tướng nghiêm trọng và trở thành nơi diễn ra các hoạt động đồi trụy.

“Cà phê chuồng” dưới góc độ văn hóa

Trên thực tế, “cà phê chuồng” đã và đang gặp phải những phản đối mạnh mẽ của dư luận. Nhưng dưới góc nhìn văn hóa, liệu nó có thực sự là một hiện tượng tiêu cực như họ nghĩ?

Bàn về vấn đề này, TS Phạm Ngọc Trung, Trưởng khoa Văn hóa - Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: “Cà phê chuồng” không hẳn tiêu cực như những gì dư luận đã và đang phản ánh. Nó ra đời xuất phát từ nhu cầu của giới trẻ hiện nay là: rẻ, lạ và riêng tư. Tuy nhiên hiện tượng này đang có xu hướng biến tướng bởi nhiều chủ quán lạm dụng hình thức kinh doanh này để trục lợi”.

Cùng quan điểm như vậy, Th.S Trần Văn Phương, Giảng viên khoa Văn hóa - Phát triển, cho rằng: “Cà phê chuồng” là một thực tế khách quan của xã hội. Đồng thời đây còn là một dịch vụ mà xã hội đang cần thiết. Vì vậy, không nên vội quy chụp nó vào phạm trù tiêu cực. Tốt xấu còn phụ thuộc vào việc quản lí nó như thế nào. Một số chủ quán vì quá coi trọng đồng tiền nên đã xem cà phê “chuồng” như một thủ đoạn “làm tiền”.

Uống cà phê là một nét văn hóa của người Việt. Và việc tạo ra không gian riêng tư, kín đáo bằng những “chuồng” cà phê cũng không làm phai nhạt đi nét văn hóa đó. Vấn đề cần lên án là những nhà kinh doanh vì mục đích kiếm tiền mà cố tình biến tướng cà phê “chuồng” để làm những điều khuất tất.

Đói khát những trung tâm giải trí

“Cà phê chuồng” bị biến tướng và phát triển theo hướng không lành mạnh đã phản ánh một hiện thực đang tồn tại là sự không tương thích giữa dân cư và các khu trung tâm vui chơi giải trí ở Hà Nội. Trong khi dân cư tập trung quá đông ở đây thì các khu trung tâm giải trí lại quá ít và quá nghèo nàn về cơ sở vật chất. Các nhà tổ chức xã hội chưa tạo ra được không gian sinh hoạt lành mạnh cho giới trẻ, điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức và hành vi của họ.
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ":
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Nguyễn Huệ - Nguyễn Lịch (Báo in 30A1)