Khi đạo đức giới trẻ “tụt dốc không phanh”

31/03/2012 14:51
Bích Hà, Lớp Báo in k29a1, HV. BC&TT
(GDVN) - Nếu mỗi dịp tổng kết cuối năm, bên cạnh chỉ số tăng trưởng GDP là chỉ số tăng trưởng nhân cách con người (nhất là đạo đức giới trẻ) thì tốt biết bao.
Cuộc sống ngày càng văn minh và hiện đại thì những giá trị tốt đẹp ở con người lại càng hiếm hoi. Đáng buồn thay, nhận thức và đạo đức của một bộ phận không nhỏ giới trẻ lại đang “xuống cấp” nhanh và ngày càng trầm trọng.

Từ những tên tội phạm "trẻ con"…

Cách đây không lâu, dư luận vô cùng bàng hoàng khi xảy ra rất nhiều vụ án giết người man rợ. Điều đáng nói ở đây, hung thủ lại là những người thanh niên trẻ tuổi. Ở cái tuổi sắp bắt đầu những điều tươi đẹp, những tên sát nhân như Lê Văn Luyện, Nguyễn Duy Quang… lại tự tay kết thúc tương lai của mình bằng những chiếc còng số 8.
Mới đây, vụ án giết người cướp tiệm vàng và giết bạn cướp xe đạp lại một lần nữa khiến tất cả chúng ta giật mình tự hỏi: liệu có phải tội phạm đang “trẻ hóa”? Phó giám đốc Công an Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung từng dự đoán một con số mà nhiều người không khỏi cảm thấy chua xót. Ông cho rằng, với tình hình tội phạm diễn biến phức tạp như hiện nay, chỉ sau 5-10 năm nữa sẽ có gần một triệu người có tiền án tiền sự, trong đó 200.000 trường hợp dưới 30 tuổi.
Lê Văn Luyện chưa tròn 18 tuổi đã thực hiện vụ giết người cướp tiệm vàng gây chấn động dư luận.
Lê Văn Luyện chưa tròn 18 tuổi đã thực hiện vụ giết người cướp tiệm vàng gây chấn động dư luận.

Khi các nhà tâm lý, các chuyên gia xã hội học hay các cơ quan chức trách… tìm hiểu, phân tích nguyên nhân của thực trạng này, thì những vụ cướp của, hãm hiếp, giết người… vẫn cứ diễn ra. Điều đáng buồn là khi cái bất thường xảy ra quá thường xuyên, nó sẽ trở thành một điều bình thường. Nhiều người băn khoăn tự hỏi, liệu đến bao giờ mới được thư thả đọc báo uống café mỗi sáng mà không phải giật mình thon thót trước những vụ án đau lòng như vậy nữa?

…đến những phát ngôn gây sốc

Giới trẻ Việt vốn thích sử dụng mạng xã hội không chỉ vì nó là phương tiện kết nối, chia sẻ mà còn là nơi để họ thể hiện cái tôi của bản thân. Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên lại biến mạng xã hội trở thành “loa phóng thanh” để họ phát ngôn những suy nghĩ tiêu cực và thiếu văn hóa với thứ ngôn ngữ lai căng, biến chất.
Có thể nói rằng, từ cuối năm 2011 đến đầu 2012 là khoảng thời gian đầy “sóng gió” trên Facebook. Liên tục những status gây sốc của một số thanh niên khiến không ít người phải thở dài ngán ngẩm. Mở đầu là trường hợp của Đinh Mạnh Linh với biệt danh nổi tiếng “Kẹo mút chơi bời” và câu status “máu lạnh” về một vụ tai nạn chết người.
Phát ngôn máu lạnh của “Kẹo mút chơi bời” về vụ tai nạn chết người thương tâm.
Phát ngôn máu lạnh của “Kẹo mút chơi bời” về vụ tai nạn chết người thương tâm.
Sau sự việc của “Kẹo mút chơi bời”, cộng đồng mạng liên tiếp “đón nhận” những phát ngôn choáng váng khác. Từ người giúp việc, cô giáo cho đến mẹ ruột đều bị một số bạn trẻ chửi rủa một cách vô văn hóa trên Facebook. Tục ngữ có câu “Ơn cha trọng lắm ai ơi/ Nghĩa mẹ bằng trời mang nặng đẻ đau”. Ấy vậy mà không hiểu sao lại có những người có thể thốt nên những lời chửi rủa mẹ mình bằng thứ ngôn ngữ vô đạo đức. Thậm chí có người còn nói một cách rất nhẫn tâm khi nói về đám tang của bà như: “Mai đi đám ma bà chết” và “chết lúc nào không chết lại chết đúng lúc thi”, rồi “về một lúc chờ cho vào quan tài rồi... lượn!”
Bất ngờ và ghê sợ là cảm giác của nhiều người khi đọc những phát ngôn này. Nếu như vụ án của Lê Văn Luyện gây chấn động về sự tàn ác của giới trẻ, thì những phát ngôn như thế này lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức đang ngày một xuống cấp. Các nhà xã hội học liệu sẽ nghĩ gì khi mà cuộc sống ngày càng đủ đầy thì tư cách và phẩm chất của một bộ phận con người lại càng nghèo nàn đến đáng sợ? 

Mặt trái của sự phát triển

Thầy giáo dạy Địa lý của tôi đã từng nói một câu như thế này: “Sau này các em sẽ hiểu, có những giá trị mà con người ao ước được đánh đổi, nhưng không thể trở lại như cũ. Kinh tế thị trường sẽ giúp đất nước giàu lên, nhưng cũng sẽ làm con người xấu đi.” Suy cho cùng, hiện trạng suy thoái đạo đức của giới trẻ là cái giá phải trả của cuộc sống hiện đại. Khi xã hội ngày càng thực dụng, gia đình không có thời gian chăm lo con cái, lối sống và nhận thức của giới trẻ ngày nay bị lệch lạc và hạn chế rất nhiều.
Giá như cứ mỗi dịp tổng kết cuối năm, bên cạnh những chỉ số tăng trưởng GDP, chúng ta có thêm chỉ số tăng trưởng nhân cách. Phương thuốc nào cho căn bệnh trầm kha này? Vẫn biết đây chỉ là một bộ phận nhỏ trong thế hệ trẻ, nhưng nếu không có lòng quyết tâm tận diệt cội rễ, nó sẽ như cái mụt ngày càng mưng mủ trong lòng xã hội Việt Nam hiện đại. 
Bích Hà, Lớp Báo in k29a1, HV. BC&TT