Nhọc nhằn phận nữ phu hồ

07/07/2012 14:10
Trần Hồng Quế (Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội)
(GDVN) - Họ thường xuyên phải đi sớm về muộn, quần áo lúc nào cũng lấm lem vôi vữa, người mỏi nhừ, mặt mũi sạm đen vì nắng gió nơi công trường…
Đến một khu công trường xây dựng tại khu vực Mỹ Đình (Hà Nội), chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi ngoài cánh thợ xây chính là nam, còn lại toàn bộ đều là nữ.Nhọc nhằn mưu sinh Có thể nói, phụ hồ là một trong những nghề cực nhọc nhất. Đàn ông còn có khi không chịu nổi. Vậy mà, có những người phụ nữ đã phải bươn chải với công việc này để mưu sinh. Làm nghề phụ hồ ngoài các công việc như trộn vữa, sàng cát, bê gạch, những người phụ nữ còn phải làm các công việc như đào móng, quét vôi, lau kính, rửa nhà, bẻ sắt… Chỉ ngần ấy công việc thôi cũng đủ thấy công sức bỏ ra của các chị. “Công việc này rất vất vả, thường phải đi làm từ sớm, về muộn, quần áo, chân tay lúc nào cũng đầy vôi vữa..” – chị Lê Thị Sinh (Nho Quan, Ninh Bình) tâm sự. Vừa nói chị vừa chìa cho chúng tôi xem đôi bàn tay với các ngón bị phồng rộp và bị vôi vữa ăn mòn mặc dù đã được bảo vệ bởi đôi găng tay.
Dẫu biết rằng, làm phu hồ là quá sức với phụ nữ. Nhưng các chị, các cô không còn cách nào khác
Dẫu biết rằng, làm phu hồ là quá sức với phụ nữ. Nhưng các chị, các cô không còn cách nào khác
Chị Sinh kể thêm, những phụ nữ theo nghề phu hồ thường học hành không đến nơi đến chốn, mà nghề này lại cần sức khỏe và tính chịu thương, chịu khó. Họ thường coi đây là nghề “thời vụ” vì vào những ngày mưa bão thì phải tạm dừng thi công công trình. Đối với những người thợ xây, trời càng nắng to, khắc nghiệt thì càng thuận lợi vì các công trình sẽ được hoàn thành sớm và kịp tiến độ thi công. Anh Trần Văn Quyền – một chủ thầu xây dựng cho biết: “Nghề phụ hồ với đàn ông con trai đã vất vả, song vì miếng cơm manh áo, nhiều chị em phụ nữ cũng làm nghề này tuy không nhiều tiền, không nhàn nhã như những nghề khác nhưng do không có cách nào khác nên họ đành chấp nhận để mưu sinh”. Vì đây là nghề tự do, không được trang bị đồ bảo hộ lao động nên có rất nhiều mối nguy hiểm đang rình rập xung quanh các chị. “Đang xách xô vữa thì giẫm phải đinh. Tưởng không việc gì chỉ băng bó qua loa rồi làm tiếp nhưng đến khi về đến nhà thì vết thương bị nhiễm trùng phải đi tiêm phòng uốn ván. Thế là vừa mất toi mấy ngày công lại vừa tốn tiển thuốc men…” – chị Nguyễn Thị Hương (Kim Sơn, Ninh Bình) than phiền. Hay mới đây, trong một lần khiêng xi măng, chị Liên (cùng tổ với chị Hương bị ngã, chệch khớp chân nên phải nghỉ làm mất 2 tuần không đi lại được. Đa phần trong số các nữ phu hồ khong có hợp đồng lao động, nên khi xảy ra tai nạn thì họ phải tự bỏ tiền mua thuốc men, có khi còn bị mất việc do nghỉ lâu ngày nên chủ thầu phải tìm người khác thay thế. “Trăm dâu đổ đầu tằm” “Người ta thì được nhờ chồng nhờ con, còn chúng tôi thay chồng làm trụ cột gia đình…” – Đó là lời tâm sự của chị Thanh (Gia Viễn, Ninh Bình) khi nói về hoàn cảnh của mình. Chồng chị bị suy nhược cơ thể nên không thể làm được những công việc nặng nhọc, hai người con còn nhỏ dại lại sống cùng người mẹ chồng đã già yếu, nên chị phải thay chồng cáng đáng mọi công việc của gia đình. Công việc phu hồ tuy vất vả nhưng cũng được từ 60 – 85 nghìn đồng/ngày. “Vất vả mấy tôi cũng chịu được, miễn sao các con tôi được đi học đến nơi, đến chốn. Hy vọng tương lai chúng nó sẽ không phải khổ như bố mẹ”, chị Thanh ngậm ngùi nói. Chúng tôi còn gặp hai chị em gái Nguyễn Thị Hà (20 tuổi) và Nguyễn Thị Hiền (18 tuổi) cả hai chị em cùng làm nghề phu hồ. Được biết vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm, mẹ già yếu, nên cả hai chị em đều nghỉ học từ sớm theo mấy người trong làng đi làm phu hồ cho các công trình xây dựng mỗi ngày cũng kiếm được 70 – 80 nghin đồng. Giờ đây Hà đã có gia đình nhưng cuộc sống cũng chẳng khá hơn trước là bao. Nhìn gương mặt rám nắng của Hiền không ai nghĩ cô mới đang ở tuổi 18 - cái tuổi được coi là đẹp nhất của đời người con gái.
Nhọc nhằn phận nữ phu hồ ảnh 2
Nhọc nhằn phận nữ phu hồ
 Hiền ngậm ngùi nói: “Bằng tuổi em nhiều người còn đang sống trong sự chăm sóc của bố mẹ nhưng do nhà nghèo nên em phải nghỉ học từ sớm để tự no cho bản thân”. Ban đầu cô theo mẹ đi bán hàng rong nhưng đồng tiền kiếm được chẳng là bao nên khi thấy công việc phu hồ kiếm được nhiều tiền hơn, cô xin theo để làm dù công việc có vô cùng vất vả nhưng chỉ cần bỏ sức lao động chứ không cần vốn lại chẳng phải lo là hàng bị ế ẩm. Hoàn cảnh của chị Nguyễn Ngọc Thúy (Kim Sơn, Ninh Bình) cũng không kém phần khó khăn, vất vả. Trước kia chị vốn là giáo viên dạy mầm non lại có một người chồng chăm chỉ làm ăn và 2 đứa con ngoan ngoãn. Cuộc sống tưởng chừng như mãi tốt đẹp đối với chị nhưng rồi kể từ khi chồng chị bị tai nạn giao thông và bị liệt nửa người. Sau nhiều ngày chạy chữa thuốc men vẫn không khỏi khiến kinh tế gia đình trở nên khó khăn, nợ nần chồng chất nên chị phải bỏ đứng lớp để đi làm phụ hồ để có tiền trả nợ và nuôi con ăn học. Thương mẹ nên các con chị rất ngoan và vâng lời mẹ, đứa con gái lớn đã thi đỗ đại học còn cậu con trai út thì đã 6 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. Chị Thúy tâm sự: “Tôi chỉ mong sao trời cho mình sức khỏe, không ốm đau bệnh tật gì để có sức làm lấy tiền thuốc thang cho chồng và nuôi con cái ăn học nên người”. Dù là ai, làm nghề gì thì cũng đều có nỗi vất vả riêng. Đối với những người lao động chân chính, họ đều hiểu rõ cái nghiệp của mình – cái nghiệp của muôn vàn những cuộc mưu sinh với những nỗi lo toan, nhọc nhằn và chắt chiu cần mẫn. Những phụ nữ làm nghề phu hồ cũng vậy, dù cho cuộc sống có những khó khăn vất vả nhưng họ vẫn không ngừng vươn lên để cải thiện cuộc sống và cố gắng vun đắp hạnh phúc gia đình, xây đắp tương lai cho con cái…
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Trần Hồng Quế (Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội)