Đại học tư không vì lợi nhuận và lối đi chậm chạp

08/10/2014 06:05
Xuân Trung
(GDVN) - “Chúng ta có một đội ngũ đông đảo các nhà tâm huyết giáo dục, các cựu lãnh đạo nhà nước, nhà giáo dục, hiện chúng ta chưa có cơ chế để huy động những người này

Đây là quan điểm của TS. Lê Viết Khuyến khi ông trao đổi về Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục không vì lợi nhuận. Đáp ứng yêu cầu đổi mới, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam đã xây dựng bản Dự thảo này. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với TS. Khuyến - đại diện Hiệp hội về bản Dự thảo trên.

Hội đồng quản trị là tổ chức quản trị

PV:  Được biết vừa qua Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam đã gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận (trường tư thục KVLN). Khi soạn dự thảo này Hiệp hội có gặp khó khăn gì không ?

TS. Lê Viết Khuyến: Trên thực tế chẳng có gì khó khăn. Dựa trên nền của Quy chế 61 (sửa đổi) về tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục, chúng tôi chỉ điều chỉnh hoặc bổ sung một vài điều có liên quan đến “ khái niệm đích thực” về trường tư thục KVLN.

PV: Vậy thì sự giống và khác nhau cơ bản giữa loại hình trường tư thục bình thường với trường tư thục KVLN là ở chỗ nào ?

TS. Lê Viết Khuyến: Giống nhau ở chỗ cả 2 loại trường này đều do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân (gọi tắt là các thành phần góp vốn) đứng tên xin thành lập, cùng góp vốn xây dựng cơ sở vật chất; đều được bảo đảm kinh phí hoạt động chủ yếu bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Đại học tư không vì lợi nhuận và lối đi chậm chạp ảnh 1

TS. Lê Viết Khuyến- Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam).

Sự khác biệt không phải chỉ ở chỗ nhà đầu tư được hưởng lợi tức nhiều hay ít mà chủ yếu ở chỗ bản chất sở hữu của nhà trường. Ở các trường tư thục thông thường, sau khi thành lập trường, các nhà góp vốn trực tiếp nắm quyền quản trị trường; còn ở các trường tư thục KVLN các nhà góp vốn sau khi hoàn thành trách nhiệm thành lập và xây dựng cơ sở vật chất của trường phải tự nguyện chấp nhận chuyển quyền quản trị của mình cho các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội. Do đó tài sản của trường tư thục thông thường thuộc sở hữu tư nhân (theo Điều 211 Bộ Luật Dân sự), trong khi tài sản của trường tư thục KVLN thuộc sở hữu chung của cộng đồng (theo Điều 220 Bộ Luật Dân sự).

PV: Vai trò của Hội đồng quản trị ở hai loại trường tư thục có gì khác nhau, thưa ông ?

TS. Lê Viết Khuyến: Khác nhau nhiều do sự khác nhau về bản chất sở hữu. Ở trường tư thục thông thường Đại hội đồng cổ đông mới là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường. Thông qua Đại hội đồng này các cổ đông lớn sẽ phân chia quyền lực trong Hội đồng quản trị (HĐQT) để thực hiện quyền quản trị của mình đối với nhà trường. Trong khi đó ở trường tư thục KVLN Hội đồng quản trị phải là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường, là đại diện duy nhất cho quyền sở hữu chung của cộng đồng đối với tài sản của nhà trường. 

Đại học tư không vì lợi nhuận và lối đi chậm chạp ảnh 2

Phân tầng trường dùng ngân sách, còn xếp hạng là việc của thị trường

(GDVN) - Đây là câu hỏi có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh bản Dự thảo “Phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học” đang được Bộ GD&ĐT xin ý kiến xã hội.

Hội đồng quản trị của loại trường này phải bao gồm những đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội (như các cựu lãnh đạo nhà nước uy tín, các nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học nổi tiếng, các doanh nhân tiêu biểu, các cựu sinh viên thành đạt,…); đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; đại diện cho các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội trong trường; đại diện tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường; đại diện của những người góp vốn; Hiệu trưởng. Để đảm bảo cho các quyết nghị của HĐQT thực sự khách quan thì số thành viên bên ngoài nhà trường trong HĐQT phải chiếm tỷ lệ quá bán.

PV: Ở các quốc gia phát triển những đóng góp của các “Mạnh Thường Quân” cho trường tư thục KVLN thường dưới dạng hiến tặng, chỉ cần nhận sự tôn vinh của xã hội và nhà trường. Cách làm đó có thực tế ở Việt Nam hiện nay hay không ?

TS. Lê Viết Khuyến: Đúng. Chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đang phát triển, theo đó các nhà góp vốn vẫn được đền đáp vật chất hợp lý, dưới dạng phần thưởng hàng năm. Trong dự thảo quy chế chúng tôi đã đề xuất: “Để ghi nhận công lao đóng góp xây dựng trường của các thành viên góp vốn, ngoài việc được nhà trường và cộng đồng xã hội vinh danh, họ còn được hưởng các quyền lợi như: được cử đại diện vào Hội đồng quản trị, được ứng cử vào các chức danh quản lý trong trường, được nhận tiền thưởng hàng năm hợp lý (không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ), được định đoạt phần vốn góp của mình, được bảo toàn nguồn vốn góp và được ưu tiên hoàn trả khi giải thể trường,…”

PV: Tuy nhiên, ranh giới giữa “trả lãi suất” với “phần thưởng” rất khó phân định, thưa ông ?

TS. Lê Viết Khuyến: Khác nhau nhiều chứ! Khi đi vay (kể cả vay ngân hàng nhà nước) ta đều phải ký hợp đồng, ấn định thời hạn vay và lãi suất trả, phải thế chấp,… Nếu không trả được thì bị kiện ra tòa án. Còn đối với trường tư thục KVLN các nhà góp vốn chỉ “cho mượn” khi nhà trường gặp khó khăn ban đầu; họ không đòi thế chấp, không đòi thỏa thuận về lãi suất, không quy định thời gian phải hoàn trả (trừ trường hợp nhà trường chuyển đổi mục tiêu hoạt động). Nếu như vậy thì những người góp vốn xứng đáng được thưởng chứ!

Chính sách về các trường ngoài công lập chưa hợp lý

PV:  Nguyên nhân nào thời gian qua xuất hiện khá nhiều mâu thuẫn trong nội bộ các trường tư thục, thưa ông ?

TS. Lê Viết Khuyến: Chủ yếu là do các chính sách hiện hành về trường ngoài công lập còn chưa hợp lý.

Một là, có sự mập mờ ranh giới hai loại trường tư thục. Những sự việc phức tạp đang diễn ra gần đây đối với hàng loạt các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập mà mới nhất là với trường đại học Hoa Sen và một số trường khác là do việc đưa đồng thời cả hai khái niệm “sở hữu tư nhân” (vốn chỉ có đối với loại trường tư thục hoạt động vì lợi nhuận) và “sở hữu chung hợp nhất không phân chia” (thường chỉ có ở loại trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận) vào cùng một quy chế 61 (sửa đổi) làm cho việc chuyển đổi các trường dân lập sang trường tư thục gặp nhiều trục trặc, đồng thời còn dẫn đến cả sự tranh giành quyền lực khốc liệt giữa các thành viên trong chính các trường đại học tư thục; mặt khác lại can thiệp quá thô bạo vào quyền của các nhà đầu tư khi họ muốn chọn đi theo hướng vì lợi nhuận.

Đại học tư không vì lợi nhuận và lối đi chậm chạp ảnh 3

Giáo dục Đại học Việt Nam sẽ phân thành 3 tầng, 5 hạng

(GDVN) - Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam sẽ được phân thành 3 tầng, mỗi tầng có 5 hạng. Trong đó, hạng đầu và hạng chót, mỗi hạng chiếm 10%.

Hai là, có sự chồng chéo về quyền hạn và chức năng giữa nhóm thành viên góp vốn (sáng lập và đầu tư), hội đồng quản trị (định hướng và giám sát) và cơ quan điều hành nhà trường (quản lý). Sự tách bạch rõ ràng nhất về quyền hạn và chức năng của ba nhóm trên sẽ được thể hiện rõ nét nhất chỉ đối với mô hình trường tư thục KVLN. Rất tiếc ở nước ta cho tới nay vẫn chưa có loại trường này. Do đó vẫn còn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn trong nội bộ các trường tư thục.

PV: Vậy thưa ông, với phân tích như trên thì liệu có thực tế không khi đi tìm các nhà tâm huyết và các nhà góp vốn cho trường đại học tư thục KVLN.

TS. Lê Viết Khuyến: Hoàn toàn thực tế.

Một là, chúng ta đang có một đội ngũ đông đảo các nhà tâm huyết với giáo dục. Đó là các cựu lãnh đạo nhà nước, các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa nổi tiếng, … Họ mong muốn được đóng góp cho đất nước, cho ngành mà không đòi hỏi phải được đãi ngộ xứng đáng. Tôi đã gặp rất nhiều người như thế ở Hiệp hội chúng ta, ở các Hiệp hội và hội bạn,… Có điều là hiện chúng ta chưa có cơ chế để huy động những người như vậy.

Hai là, nếu chấp nhận cơ chế khuyến khích hợp lý (như ở dự thảo quy chế) thì chúng ta sẽ có rất nhiều nhà đầu tư. Thực ra không phải tất cả những ai bỏ tiền ra đều muốn được làm “ông chủ”.

Như vậy ở Việt Nam phát triển mô hình trường đại học tư thục KVLN không phải là khó. Điều quan trọng là Nhà nước cần sớm ban hành một quy chế về tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận để tạo căn cứ pháp lý cho sự ra đời của loại hình trường này.

Trân trọng cảm ơn ông.

Độc giả có thể tải bản Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận tại đây. 

Xuân Trung