LTS: Vài năm gần đây, cứ mỗi dịp tổng kết năm học, người ta lại thấy những câu chuyện về việc khen thưởng tràn lan bậc tiểu học.
Thầy giáo Thanh An chia sẻ nguyên nhân sâu xa của thực tế trên.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Địa phương nơi chúng tôi công tác đang chuẩn bị cho việc tổng kết năm học nên thời điểm này các giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học đang tất bật hoàn tất phần điểm số, phê học bạ của học trò.
Có điều, theo hướng dẫn hiện hành của Thông tư 22 nếu được đánh giá đúng thì rất ít học sinh đạt danh hiệu “học sinh xuất sắc”.
Tuy nhiên, thực tế các trường đang khen thưởng tràn lan.
Thành thử, đa phần những học sinh được khen thưởng cuối năm là dựa trên sự dàn xếp của giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên chuyên trong trường để khen thưởng cho học sinh.
Học sinh được khen thưởng tràn lan đa phần là có sự dàn xếp của các giáo viên. Ảnh minh hoạ: Vov.vn |
Hiện nay, cấp Tiểu học đang thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 22, theo hướng dẫn của Thông tư thì Danh hiệu khen thưởng cuối năm có 2 danh hiệu:
Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện;
Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất.
Muốn được khen học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung môn học thì các môn chấm điểm (Toán, Tiếng Việt, Lịch sử và Địa lý, Khoa học…) thi học kì phải đạt từ từ 9 điểm trở lên và các môn đánh giá bằng nhận xét (Âm nhạc, Mĩ Thuật, Thể dục) phải được đánh giá là “hoàn thành tốt”.
Với yêu cầu cao như vậy mà dạy thật, học thật thì mấy em được khen thưởng nên phần lớn học sinh được khen cuối năm thường được các giáo viên đẩy lên.
Bởi thực tế, làm sao mà học sinh có thể “hoàn thành tốt” được gần chục môn học cả các môn văn hóa và môn năng khiếu?
Lỗi thuộc về Thông tư 22 hay thuộc về những người ham hư danh? |
Theo hướng dẫn tại mục 2, Điều 10. Đánh giá định kì về học tập của Thông tư 22 như sau:
a) Vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kĩ năng để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức sau:
- Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
- Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
- Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
b) Vào cuối học kì I và cuối năm học, đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc có bài kiểm tra định kì;
Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kì môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kì I và giữa học kì II.
Như vậy, chỉ trừ lớp 4-5 có thêm bài kiểm tra định kì môn Tiếng Việt và Toán còn tất cả các môn của các lớp chỉ thi một lần vào cuối kì.
Sự bất cập là quá trình giảng dạy thì đánh giá bằng nhận xét, khi cuối năm lại thi lấy điểm nhưng xếp loại thì lại bằng đánh giá.
Với hướng dẫn như vậy nên khi thi, những em có điểm dưới 5 là “chưa hoàn thành”, điểm từ 5-8 là “hoàn thành” và điểm 9, 10 là “hoàn thành tốt”.
Và, học sinh chỉ được khen thưởng khi xếp loại “hoàn hành tốt” cũng có nghĩa là phải đạt điểm 9 và 10 mới được khen thưởng.
Vô tình, Thông tư 22 lại tạo ra áp lực về điểm số cho cả thầy và trò. Một điều tréo ngoe nữa là xếp loại học lực “hoàn thành tốt” nhưng khen thưởng lại là “xuất sắc”.
Vậy là học sinh tiểu học chủ yếu chỉ khen thưởng danh hiệu “xuất sắc” chỉ có một số em có cố gắng một môn hay một mặt nào đó thì được khen danh hiệu “Học sinh có thành tích vượt trội”
Chúng ta biết rằng khi học sinh học tốt về các môn văn hóa là do thông minh, sự kèm cặp chu đáo của thầy cô, cha mẹ.
Nhưng, những môn năng khiếu thì lại thuộc vào khả năng, sở thích của mỗi em nên không phải giỏi các môn văn hóa là có thể hoàn thành tốt môn năng khiếu?
Thế nhưng, một khi học sinh học được 9-10 điểm các môn như Toán, Tiếng Việt thì đồng nghĩa các môn còn lại cũng phải theo và “hoàn thành tốt” theo 2 môn học này.
Thành thử giáo viên năng khiếu nhiều khi đánh giá năng lực học tập của trò không căn cứ vào thực lực của học sinh mà do sự dàn xếp, gửi gắm, thậm chí là xin xỏ của giáo viên chủ nhiệm.
Theo quy định hiện hành, giáo viên chủ nhiệm dạy các môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Kĩ thuật, Đạo đức.
Nên, khi mà giáo viên chủ nhiệm “có ý định” em nào được khen thưởng thì dĩ nhiên thầy cô sẽ lưu tâm đến các em này hơn và hướng tới điểm 9-10 ở các môn mình dạy.
Những môn như Tiếng Anh, hay các môn năng khiếu được giáo viên chủ nhiệm “thương lượng” trước.
Bởi trong Thông tư 22 có câu hướng dẫn dành cho giáo viên không chủ nhiệm như sau:
“Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên cùng lớp, cha mẹ học sinh thực hiện việc đánh giá học sinh; hoàn thành hồ sơ đánh giá học sinh; nghiệm thu chất lượng giáo dục học sinh”.
Chính vì quy định như vậy, nhất là có từ “phối hợp với giáo viên chủ nhiệm” nên nhiều giáo viên chủ nhiệm thường “gặp gỡ” với giáo viên dạy năng khiếu để “bàn bạc” kĩ lưỡng.
Môn Tiếng Anh dù thi lấy điểm nhưng có phần “điểm nói” nên phần này giáo viên rất dễ cho điểm tối đa với những học sinh đã được giáo viên “phối hợp” từ trước.
Thực tế, trong các trường Tiểu học thì giáo viên chủ nhiệm thường có “uy” hơn giáo viên dạy các môn năng khiếu.
Bởi, dù không ai quy định nhưng từ lâu mọi người vẫn mặc định đây là các môn phụ nên có những giáo viên năng khiếu không muốn nâng những em có khả năng trung bình mà đáng lẽ ra chỉ xếp ở mức “hoàn thành” theo quy định.
Nhưng, nhiều giáo viên dạy năng khiếu cũng phải miễn cưỡng để kéo lên loại “hoàn thành tốt” để xét danh hiệu thi đua cho học trò.
Bởi, không làm theo giáo viên chủ nhiệm vừa làm mất lòng nhau, vừa được xem là “phối hợp” không tốt.
Rõ ràng, Thông tư 22 vẫn còn nhiều điều chưa phù hợp mà sự chưa phù hợp đáng lưu tâm nhất là danh hiệu “xuất sắc” của học trò.
Mỗi lớp học khen hàng chục em, thậm chí có lớp hơn một nửa học sinh mà toàn là “xuất sắc” thì e rằng xã hội cũng chẳng lấy gì làm vui.